Theo dõi trên

Công khai minh bạch là điểm yếu nhất của Bình Thuận

18/04/2017, 13:56

BTO- Mới đây, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ cộng đồng công bố Chỉ số PAPI năm 2016 của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kết quả Chỉ số PAPI của 63 tỉnh, thành phố năm 2016 được chia thành 4 nhóm: Nhóm đạt điểm cao nhất (trên 75%); nhóm đạt điểm trung bình cao (từ 50%-75%); nhóm đạt điểm trung bình thấp (từ 25%-50%); nhóm đạt điểm thấp nhất (dưới 25%). Địa phương có số điểm cao nhất cả nước trong năm 2016 là Cần Thơ (39,57); xếp thứ 2 là Hà Tĩnh, thứ 3 là Đà Nẵng. Địa phương có điểm thấp nhất năm 2016 là Quảng Ninh (32,92). PAPI năm 2016 của Bình Thuận đạt 34,78 điểm, xếp vào nhóm trung bình thấp của cả nước. Nếu xét theo từng chỉ số nội dung, thì Bình Thuận không có chỉ số nào thuộc vào nhóm cao nhất. Chỉ có 2 nội dung: Trách nhiệm giải trình và Cung ứng dịch vụ công đạt nhóm trung bình cao; có 1 nội dung là Thủ tục hành chính công đạt nhóm trung bình thấp. Đáng chú ý có 3 chỉ số nội dung là: Tham gia của người dân ở cơ sở (thứ 51/63), Công khai minh bạch (thứ 53/63), Kiểm soát tham nhũng khu vực công (thứ 53/63) xếp nhóm thấp nhất.

Nếu tính theo mức độ cải thiện PAPI của tỉnh năm 2016 so với 2011, thì Bình Thuận có sự cải thiện nhất định. Cụ thể năm 2011 Bình Thuận thuộc nhóm có PAPI thấp nhất, năm 2012 cũng nằm trong nhóm thấp nhất; các năm 2013, 2014 và 2015 và 2016 thuộc nhóm trung bình thấp. Tuy nhiên có thể thấy mức cải thiện rất chậm chạp, sau 6 năm chỉ mới từ nhóm thấp nhất lên nhóm trung bình thấp.

Qua kết quả khảo sát năm 2016 và 6 năm qua cho thấy số Hiệu quả quản trị và hành chính công của Bình Thuận là khá thấp (năm 2016 Bình Thuận đứng thứ 46/63 tỉnh, thành và là 1 trong 2 tỉnh đứng cuối nhóm trung bình thấp). Để được người dân đánh giá tốt hơn về Hiệu quả quản trị và hành chính công và bắt kịp với những địa phương ở nhóm khá, thiết nghĩ tỉnh cần tìm hiểu kỹ những vấn đề người dân chưa hài lòng, từ đó có lộ trình phù hợp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Cần nghiên cứu từng chỉ số nội dung cụ thể, nhất là các chỉ số như: Hiệu quả quản trị hành chính công, Sự tham gia của người dân ở cơ sở, Công khai minh bạch và Kiểm soát tham nhũng khu vực công (đang xếp nhóm thấp nhất) để tìm ra những vấn đề còn tồn tại cần cải thiện.

PAPI đã đưa ra những chỉ báo cụ thể về hiệu quả thực hiện các chính sách, pháp luật trên thực tế, tỉnh cần tìm ra những thực tiễn tốt ở địa phương khác để học tập và rút kinh nghiệm, nhất là từ những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm địa lý tương đồng với Bình Thuận nhưng có nhiều tiến bộ trong hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công được người dân ghi nhận. Từ đó, có thể tạo dựng niềm tin về khả năng phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn bằng việc lập kế hoạch hành động cụ thể và thực thi những kế hoạch đó. Các cấp chính quyền cũng cần đảm bảo công bằng về quyền lợi tham gia quản trị và tiếp cận dịch vụ công cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng yếu thế; đồng thời đưa ra những quyết sách và hành động cụ thể đảm bảo hài hòa các lợi ích, nhằm phát huy tiềm lực con người vì sự phát triển nhanh, bền vững của Bình Thuận trong tương lai.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai minh bạch là điểm yếu nhất của Bình Thuận