Theo dõi trên

Công khai mua bán quân trang trên mạng

03/07/2018, 09:09

BT- Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh vừa bắt một số kẻ giả danh công an, mặc cảnh phục trà trộn vào đám đông, mang theo hung khí chờ cơ hội là gây hấn để vu vạ cho chính quyền, nhằm kích động đám đông. Sự việc này, một lần nữa khiến nhiều người băn khoăn và lo lắng khi quân trang, quân phục của ngành công an được mua bán một cách dễ dàng đến vậy.

Rao bán tràn lan

Chỉ vài thao tác trao đổi đơn giản, bất cứ ai cũng có thể mua cho mình một bộ quân trang, quân phục y như thật của các chiến sĩ công an. Tình trạng rao bán quân trang của lực lượng vũ trang đang xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng vũ trang mà còn là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho đối tượng xấu giả danh lực lượng vũ trang thực hiện hành vi phạm tội.

Chỉ cần vào mạng xã hội facebook và gõ cụm từ “quân phục công an” trong mục tìm kiếm, người sử dụng có thể thấy hàng chục tài khoản rao bán mặt hàng này. Tiếp cận một tài khoản trên mạng xã hội để mua “quân trang”. Khi đặt mua một chiếc áo khoác có in logo của ngành công an và chiếc thắt lưng cấp tướng, phóng viên được chào giá 300.000 đồng/áo, thắt lưng 250.000 đồng/cái và chỉ cần để lại địa chỉ, số điện thoại, hàng sẽ đến tận tay đúng yêu cầu từ 1 - 3 ngày. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc của những mặt hàng này, người bán hàng khẳng định: “Tất cả đều là hàng công ty và không phải lo lắng về chất lượng sản phẩm”.

Được biết, trên trang mạng này rao bán đủ các loại quân trang như tất, giày, mũ, còi, thắt lưng, quân phục, quân hàm các cấp sĩ quan… Mỗi món tùy theo cấp bậc giá từ 180.000 trở lên. Tại một số trang mạng khác, mặt hàng quân trang cũng khá phong phú và được tiếp thị công khai. Từ móc khóa, ví, áo, túi đựng đồ đều có logo ngành công an… Chỉ cần bỏ ra 1,5 – 2 triệu đồng, đã có thể sắm đủ bộ trang phục ngành công an cấp tá! Đây là kẽ hở cho nhiều đối tượng sử dụng quân trang, quân phục của lực lượng vũ trang vào mục đích xấu. Báo chí đã phản ánh rất nhiều trường hợp kẻ xấu mặc trang phục công an, xưng là điều tra viên, cảnh sát cơ động để chiếm đoạt tiền người dân. 

Trà trộn, giả danh...

Không chỉ giả mạo công an để lừa đảo, mới đây nhiều đối tượng đã mặc quân phục CAND hoặc quần áo làm nhiều người nhầm tưởng là cán bộ công an rồi hòa vào dòng người diễu hành tại một số địa phươong. Khi có tình trạng người dân tụ tập thì đối tượng có thể hành hung, nhằm kích động bạo lực, gây căng thẳng. Ngày 16/6, Công an TP.HCM đã tạm giữ Nguyễn Hồng Thái (SN 1985) để xác minh, làm rõ động cơ người này giả dạng công an và tụ tập ở khu vực trung tâm thành phố. Ngoài mặc quân phục CAND thì Thái còn tàng trữ 1 còng số 8, 1 mũ lưỡi trai có huy hiệu công an.  Ngoài ra, Công an TP.HCM còn phát hiện thêm 4 người cũng giả dạng công an để thực hiện các ý đồ xấu.

Đây được xem là các mặt hàng đặc thù, chỉ được sản xuất và cung cấp trong các cơ quan chuyên ngành như công an, quân đội... Theo quy định quân trang, quân dụng được cấp phát cho cán bộ, công chức sử dụng khi thi hành công vụ, người được cấp quân trang có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm thu hồi.

    
      Theo quy định, đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, giao nhận, tàng   trữ quân trang, quân dụng (là hàng cấm) có thể bị phạt 500.000 – 1 triệu   đồng. Phạt tiền gấp đôi đối với hành vi sản xuất hàng cấm. Trong trường   hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán quân trang, quân dụng với số   lượng lớn, đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án chưa được xóa án tích   mà còn vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt   cao nhất 15 năm tù giam.

M.VÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai mua bán quân trang trên mạng