Theo dõi trên

Công nhân phố núi

15/12/2017, 09:11 - Lượt đọc: 24

BT- Nói đến Đức Linh không ít người cứ nghĩ, nơi này chỉ phát triển nông nghiệp, làm trang trại, trồng cao su, tiêu, điều, ao cá, chăn nuôi… Thế nhưng trên thực tế lại khác…

                
Khách thăm quan Xưởng may của công ty Nhật.

Tập làm công nhân

 Cuối năm, Phan Thiết se lạnh, lên tới phố núi Đức Linh trời  càng lạnh hơn. Cái không khí lành lạnh của chớm đông lãng đãng giăng giăng qua những vườn cao su, hồ cá Trà Tân trong xanh trải rộng. Anh Huỳnh Đa Trung, Bí thư Huyện ủy Đức Linh dẫn chúng tôi đi thăm Công ty CP May Nhà Bè Đức Linh. Mới nhìn bên ngoài từ cổng vào thấy bình thường như bao công ty khác, nhưng khi đi vào tận nơi những xưởng may mới thấy không khí khẩn trương, nhộn nhịp hẳn. Những hàng máy may công nghiệp thẳng tắp, công nhân trang phục đẹp, mỗi người đều  nghiêm túc với phần việc của mình. Bất ngờ hơn khi được biết nơi đây mới hoạt động từ giữa tháng 4/2017, có hơn 1.400 công nhân đã được đào tạo bài bản. Công ty chuyên may quần tây và áo vét xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các nước khác với 4 chuyền quần tây, 2 chuyền áo vét. Hỏi chuyện một quản lý đang đứng gần đó, em cho biết: “Các em công nhân ở đây chịu khó lắm, dù lương ban đầu chỉ tầm 3,5 triệu đồng/người, dự định khi ổn định sẽ từ 4 - 6 triệu đồng/người. Các em tập làm quen với tác phong nhanh nhẹn trong các hoạt động của môi trường sản xuất công nghiệp. Duy chỉ, hở tí các em lại xin nghỉ như đám cưới, đám giỗ. Trong một chuyền, việc nào ra việc đó, nên chuyện thích thì nghỉ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp không ít. Công ty đang giải thích cho các em hiểu chuyện này”. Nhìn một vài nhãn hiệu do công ty may xuất đi các nước thấy cũng khá nổi tiếng, xem từng công đoạn ráp những chiếc quần, áo vét-tông mới thấy thật chi li, từ đường may đến kiểu dáng thật đẹp, sang trọng. Được biết, trong 22 đơn vị thành viên của Tổng công ty May Nhà Bè chỉ có 5 - 6 đơn vị đủ điều kiện để may áo véc-tông.

Anh Hoàng Anh - Giám đốc công ty cho chúng tôi biết thêm: “Chúng tôi chọn đặt nhà  xưởng tại Đức Linh do có vị trí thuận lợi gần TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.  Dự kiến giai đoạn 1, công ty tuyển 2.000 công nhân, xây dựng nhà xưởng 258 tỷ đồng. Giai đoạn 2 xây dựng thêm nhà máy với 15 chuyền tuyển thêm 2.000 lao động, đầu tư thêm 200 tỷ đồng nữa. Vì thực tế khách hàng của công ty tới đây nườm nượp, chúng tôi không lo đầu ra…”. Tham quan nhà ăn, nơi vệ sinh… tất cả đều sạch sẽ, mát mẻ. Cạnh đó, công ty còn cho 1 công ty của Nhật thuê 1 xưởng chuyên sản xuất đồ lót còn bài bản hơn với hơn 100 công nhân.

 Bước khởi đầu

Tìm hiểu thêm các anh lãnh đạo huyện được biết, Đức Linh hiện nay đã thu hút được các dự án lớn như: Nhà máy May Nhà Bè, Nhà máy May Thái Sơn, Nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm và vật liệu xây dựng không nung Mạnh Tiến… với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, giải quyết khoảng 3.000 lao động. Bên cạnh đó, hiện nay còn nhiều nhà đầu tư lớn khảo sát để  xúc tiến đầu tư tại huyện Đức Linh như: Sản xuất giày da của Công ty Right Rich; dự án thành lập, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp của Công ty TNHH Khu công nghiệp Đông Hà để phục vụ cho việc thu hút hơn 30 doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư, dự án chế biến sâu mủ cao su của Công ty Cao su Bình Thuận và các dự án chế biến gỗ. Trong thời gian qua, tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Đức Linh cơ bản thực hiện đúng quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp của huyện. Vì vậy, các loại hình doanh nghiệp của huyện tăng cả về số lượng, quy mô và năng lực sản xuất; máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ mới được quan tâm đầu tư và nguồn nhân lực phát triển, đã tạo ra các ngành công nghiệp chủ lực có thế mạnh. Các cụm công nghiệp sản xuất tập trung dần dần được lấp đầy và khai thác có hiệu quả. Một số ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển như: mộc dân dụng, đan thủ công mỹ nghệ, may, thêu tranh. Tỷ trọng ngành công nghiệp đạt trung bình 26,3%, giá trị sản xuất công nghiệp kinh tế ngoài quốc doanh hàng năm đạt 2.000 tỷ đồng.

Nói thế, nhưng trò chuyện với Bí thư Huyện ủy, anh vẫn tâm tư: “Nói thế, thực ra tốc độ tăng trưởng về công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Phát triển công nghiệp chưa đồng đều ở các xã, thị trấn; tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, tỷ lệ lao động công nghiệp vẫn còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp. Quy mô, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, sức cạnh tranh còn hạn chế; thiếu sự liên doanh liên kết, chuyên môn hóa sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Phát triển công nghiệp còn theo chiều rộng, chưa có chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu độc quyền...” Chúng tôi hiểu suy nghĩ của anh, một huyện miền núi ở xa tỉnh, phát triển công nghiệp không phải chuyện nói là có ngay, mà còn đòi hỏi cả một quá trình... 

Mở hướng tương lai

Để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong giai đoạn 2016 - 2020, Đức Linh xác định phát triển công nghiệp vẫn là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Vì vậy, cuối năm 2016 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn từ 2016 - 2020. Sau khi nghị quyết ban hành, huyện Đức Linh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực  hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để các doanh nghiệp hiện tại tiếp tục ổn định sản xuất, đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp, ưu tiên dự án nâng cấp hệ thống điện, thông tin liên lạc, nâng cấp đường vào Cụm Công nghiệp Trà Tân - Đông Hà, mở rộng đường ĐT766 đi Bến thuyền để kết nối quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt sau này. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành công nghiệp, nhất là trình độ quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển các cụm công nghiệp tập trung. Quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực cho công tác đào tạo, dạy nghề trong huyện.

Dạo một vòng quanh trung tâm huyện, hy vọng một ngày không xa, về Đức Linh không chỉ thấy nông nghiệp công nghệ cao, mà còn thấy những khu công nghiệp, những nhà máy mọc lên, những công trình mới và phố núi Đức Linh như thay áo mới đẹp hơn, trên cùng con đường phát triển của Bình Thuận. Nắng đã lên gần tới đỉnh đầu xua tan cái lạnh, tôi cảm giác ấm áp hơn...

    
 Đức Linh hiện nay đã thu hút được các dự án lớn như: Nhà   máy May Nhà Bè, Nhà máy May Thái Sơn, Nhà máy sản xuất bê tông thương   phẩm và vật liệu xây dựng không nung Mạnh Tiến… với tổng vốn đầu tư gần   1.000 tỷ đồng, giải quyết khoảng 3.000 lao động.

Ký sự: Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân phố núi