Theo dõi trên

“Cuộc chiến” với thời gian

09/03/2020, 10:54

BT- Chỉ việc đơn giản ấy thôi, đã khiến nhiều vợ chồng lời qua tiếng lại, chưa tính đến việc phân công nhiệm vụ: “Anh giữ con hay em giữ con?”. 

                
   Giáo viên đang soạn đề ôn tập cho học sinh    tại nhà.

Phụ huynh “gồng” mình

Đã 2 tuần liên tiếp, 3 mẹ con bị “lật kèo” nhau, vì quyết định cho học sinh nghỉ học của UBND tỉnh luôn rơi vào những ngày cuối tuần. Tuần thứ nhất, sau khi đứa lớn reo hò, vì được nghỉ học, tôi dụ bé về nhà ngoại ở, cách TP. Phan Thiết 70 km cùng với lời hứa như đinh: “Thứ sáu, mẹ sẽ ra đón con để đi học lại”. Bé háo hức lắm. Như đã hẹn, tôi ra đón con về. Lúc này, bé đã ngán chơi ở quê ngoại, muốn gặp bạn bè, vì từ tết đến lúc ấy, chưa gặp bạn. Đùng cái, sang chủ nhật, UBND tỉnh báo tiếp tục nghỉ tuần thứ 2. Ngồi nhặt rau, tôi nhìn con mà không biết nói sao để nó chịu quay lại nhà ngoại. Thôi đành nói với con như một người lớn thực thụ ít nhiều biết đến dịch bệnh Covid-19. Dù mới 6 tuổi nhưng hôm rày, đài phát thanh, tivi đọc ra rả chuyện phải rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang… nên bé gật đầu đồng ý. Tôi mừng chảy nước mắt, vì cuộc di dời con bé về nhà ngoại lần 2 thành công. Thế là trong 2 tuần đầu, tôi giải quyết nhanh việc sắp xếp “2 toa tàu” bé nhỏ gọn gàng và cứ thế cho đến hiện tại. Với bé nhỏ, sau bữa sáng, tôi gửi hàng xóm nhờ trông giúp. Buổi chiều, tôi xin lãnh đạo cơ quan ở nhà làm việc online để vừa trông bé. Vốn dĩ công việc đã áp lực, nhiều ngày đầu tôi muốn nổ tung giữa những mè nheo của trẻ và guồng quay của bài vở, deadline (thời hạn cuối để hoàn thành công việc) không thể trễ hẹn… Và bỗng nhiên, tôi nhận ra mình trông con được đi học lại tựa như trông mẹ đi chợ về.

Có lẽ nhiều ông bố, bà mẹ cũng cùng cảm giác như tôi và hơn thế, nếu nhà đông con, thậm chí 1 con nhưng không ai giữ. Những gia đình không có nội, ngoại ở gần có lẽ càng đau đầu hơn khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Người nhờ vả ông bà ở quê vào trông cháu giúp. Người nhờ người khác trông với chi phí như giữ trẻ còn nằm nôi. Chị Hương gần nhà tôi, làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân. Áp lực tài chính buộc chị không thể nghỉ làm trông con, nội ngoại lại không ở gần. Chồng chị lại không còn phép. Chị đành phải gửi cậu bé 4 tuổi cho một chị gần nhà trông giúp với phí 150.000 đồng/ngày. 1 tháng chị mất hơn 3 triệu đồng, gấp đôi chi phí ngày thường chị gửi bé ở trường khiến bữa cơm gia đình chị ít đi thịt, cá, không khí của gia đình cũng trầm lắng hẳn.

Nhưng cái khổ tiền bạc không bằng cái khổ này. Hơn 1 tháng trời, thay vì tụi nhỏ được đến trường, học hành nề nếp, vui chơi với bạn bè, thì chúng bị “nhốt” trong nhà, làm bạn với ti vi, ipad, điện thoại, thậm chí có đứa rơi vào ma trận của game online. Cu Tin – con chị Hương sau 1 ngày bị “cấm cung” với cô giáo, chiều về bé cứ nài nỉ: “Mẹ ơi! Con muốn đi công viên, siêu thị. Ở nhà cả ngày con buồn lắm rồi”. Nhưng ngại đến chốn đông người, chồng chị lại đi tiếp khách, ở nhà còn khối việc phải làm, chị cứ viện đủ lý do từ chối con. Thằng bé giãy nảy, la khóc đòi đi cho bằng được, khiến chị bực bội, nổi cáu và thế là thằng bé bị 1 trận no đòn... Chỉ việc đơn giản ấy thôi, đã khiến nhiều vợ chồng lời qua tiếng lại, chưa tính đến việc phân công nhiệm vụ: “Anh giữ con hay em giữ con?”. 

Cái khó ló cái khôn

Với trẻ nhỏ thì phức tạp thế nhưng với học sinh THCS, THPT tại Bình Thuận thì trong thời gian dịch bệnh này, lại học được nhiều điều mới lạ: học trực tuyến, ôn bài qua mail, zalo… Những ngày qua, học sinh THCS tò mò về phương pháp trực tuyến miễn phí của thầy Bùi Hữu Trực - Giáo viên bộ môn toán, lớp 9G,trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo. Chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính để tải phần mềm Zoom và nhập mã số 2789692396 là học sinh có thể vào học lớp trực tuyến của thầy. Thầy hướng dẫn thêm cách bật micro, cách đưa tay phát biểu để tương tác giữa thầy và trò như một lớp học bình thường. Tôi đang gật gù về lớp học hữu ích trong cảnh này thì nhận được tin cô giáo chủ nhiệm của con thông báo phụ huynh đến trường để lấy tài liệu về ôn tập. Ngay sau đó, tài liệu được phụ huynh scan và chia sẻ lên các nhóm zalo của lớp để mọi người tham khảo. Ở một số trường tiểu học khác, các giáo viên cũng thông qua gmail gửi đề ôn tập môn toán và tiếng Việt để phụ huynh ôn tập cùng con tại nhà. Sau giờ cơm, tôi thấy nhiều ông bố, bà mẹ ngồi cạnh con cùng nhau ôn bài theo đề cương sẵn có. Có lẽ nhờ công nghệ 4.0 mà việc triển khai ôn tập cho các em cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, phụ huynh được định hướng các bài tập nên không còn lúng túng như thời gian đầu.

Từ trước đến nay, chưa khi nào học sinh nghỉ học dài ngày đến vậy. Ngay cả dịch SARS khởi phát tại Trung Quốc, đã lây lan ra 32 quốc gia và vùng lãnh thổ và tràn vào Việt Nam vào năm 2003 với bác sĩ, y tá tại bệnh viện Việt – Pháp bị lây nhiễm.Tuy nhiên, chỉ sau 45 ngày chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam đã được WHO ghi nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Thời điểm ấy, học sinh cả nước không phải nghỉ học như bây giờ, vì vậy tình cảnh các trường học hiện tại, nhất là trường tư thục phải đóng cửa đã ảnh hưởng nặng nề đến chủ trường lẫn giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nhiều giáo viên phải đi làm việc khác để kiếm sống như bán hàng online, phụ bán quán ăn… Ôi dịch bệnh Covid-19, cái tên này chắc không ai quên nổi khi khiến nhiều ngành nghề điêu đứng, nhiều gia đình lâm vào cảnh chới với, khó khăn. Và bên trong từng gia đình nhỏ ấy, những thành viên đã trải qua các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố trong mùa dịch. Nhưng khi dịch bệnh đi qua, các thành viên trong gia đình đều an toàn, thì không ai khác, chính tôi và những người phụ nữ khác trong gia đình đã có thể nói rằng, vừa trải qua “cuộc chiến” với thời gian dịch bệnh quá đỉnh.

    
    Tôi bỗng thấy tội cho   những đứa trẻ, trong đó có cả con mình. Hơn 1 tháng trời, thay vì tụi   nhỏ được đến trường, học hành nề nếp, vui chơi với bạn bè, thì chúng bị   “nhốt” trong nhà, làm bạn với ti vi, ipad, điện thoại, thậm chí có đứa   rơi vào ma trận của game online.

M.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cuộc chiến” với thời gian