Theo dõi trên

Đã hóa rồng được chưa?

01/06/2018, 09:10 - Lượt đọc: 73

BT - Một cây và hai khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp nếu đạt chuẩn thì chắc chắn vùng Hàm Thuận Nam sẽ hóa rồng trong tương lai gần, khi xoay quanh trục trên còn có du lịch với những thắng cảnh trên rừng, dưới biển đẹp có tiếng.

         
   

   

      Du lịch biển Khe Gà (Hàm    Thuận Nam). Ảnh: Ngọc Lân

Một cây

Đi sâu vào vùng giáp giới Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thành mới thấy khát vọng làm giàu của nông dân. Vùng cát mênh mông nơi này từ lúc nào đã trải xanh thanh long bạt ngàn, không có hàng rào vì vườn thanh long ở đây rộng 10 ha là thường, có vườn còn lên đến 50 - 60 ha. Không biết người dân có nói quá không nhưng nếu vậy, mỗi ông chủ phải nuôi một lực lượng lao động không ít, trong bối cảnh lao động thanh long vừa hiếm, vừa đắt đây không phải là sự lựa chọn khôn ngoan trong sản xuất kinh doanh. Nhưng người dân trong vùng bảo không như vậy. Mỗi vườn ở đây chỉ có vài công nhân làm những công việc như tỉa cành, chăm gốc… các việc còn lại trong chăm sóc vườn thanh long đều đã tự động hóa. Cụ thể như việc thường xuyên cần làm trên vườn thanh long là tưới nước, bón phân thì chủ các vườn này đã sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, có hòa tan phân nên tiết giảm nhân công, thời gian rất nhiều. Công nghệ tưới nhỏ giọt tận Israen tưởng rất xa nhưng lúc ấy đã có mặt tại Bình Thuận và lập tức vùng đất thiếu nước này tìm được lời giải cho sản xuất, khi xưa giờ nơi này chỉ sản xuất 1 vụ nhờ nước trời. Khung cảnh trên là vào khoảng năm 2014 - 2015, thời điểm mà việc đầu tư tuyến kênh chuyển nước Sông Móng-Tân Lập còn loay hoay vì thiếu vốn, khi vùng trung tâm huyện Hàm Thuận Nam còn đối mặt với tình trạng đến hẹn là thiếu nước sinh hoạt gay gắt, có thời điểm phải chở nước từ Phan Thiết lên cứu khát.

Nhưng chính trong cảnh khó ấy, người dân vùng thiếu nước này nỗ lực thích nghi cho sản xuất nên kết quả bây giờ, vùng Hàm Thuận Nam có được 30% diện tích thanh long, tức khoảng 3.000 - 4.000 ha đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, sử dụng giống mới…Có thể nhấn mạnh, ngoài việc thúc bách phải thích nghi với vùng đất thiếu nước, điều quan trọng và quyết định là nông dân có khả năng, có tiềm lực tài chính mới có thể biến ước mơ ngàn đời thành thực tế hôm nay. Là phủ xanh những vùng đất gần như hoang hóa, mà thực chất đầu tư vào thanh long tựa như đổ tiền vào đất và kết quả thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Là trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt trên 1 ha thanh long tốn tiền vài chục triệu và nhiều ha như thế… khiến dân kinh doanh khác cũng phải ngã mũ kính chào. Điều đó không hẳn vì mức tiền đầu tư mà còn ở cái gan làm giàu của nông dân. Và từ lúc nào chẳng biết, nhìn lại thấy Hàm Thuận Nam xuất hiện rất nhiều những ông chủ nông dân, những gia đình làm kinh tế mà sức bật ở tầm công ty.

Bỏ qua những thời khắc khó khăn như giá thanh long không ổn định, mất mùa… nhìn chung, nông dân Hàm Thuận Nam đã đi lên nhờ loài cây rồng xanh với mức thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm, từ 32,4 triệu đồng năm 2015 đã lên 34,2 triệu đồng trong năm 2016, rồi 37 triệu đồng của năm 2017 và dự đoán sẽ là 59,618 triệu đồng đến năm 2020. Cũng từ đây, đóng góp của nhân dân trong các phong trào đều tốt như xây dựng giao thông nông thôn chẳng hạn. Hơn 2 năm qua, toàn huyện có 19,139 km đường bê tông xi măng được xây dựng, với tổng kinh phí 18,033 tỷ đồng thì trong đó, tỉnh hỗ trợ 8,845 tỷ đồng, huyện hỗ trợ 2,754 tỷ đồng, còn nhân dân đóng góp  đến 6,434 tỷ đồng.

2 khu công nghiệp

Khách qua Hàm Thuận Nam, ngoài trầm trồ đường sá khang trang, nhà cửa nhân dân đẹp, lạ với kiến trúc này, kiểu cách kia khiến quang cảnh chung đẹp thì còn công nhận sức mạnh của tương lai khi thấy trên địa bàn 1 huyện có đến 2 khu công nghiệp. Bỏ qua những xôn xao hiện tại về việc sử dụng quỹ đất không hiệu quả xung quanh 2 khu công nghiệp này, hiện Khu công nghiệp Hàm Kiệm I đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và thu hút được 10 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 1.191,44 tỷ đồng và 9,01 triệu USD. Còn Khu công nghiệp Hàm Kiệm II đã thu hút được 5 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 269,79 tỷ đồng và 41,4 triệu USD. Điều đặc biệt, dù tỷ lệ lấp đầy diện tích chưa cao nhưng bước đầu 2 khu công nghiệp này đã thu hút hơn 6.000 lao động từ các nơi khác đến làm việc. Đây là hiện tượng hội sinh rất hay, vì lực lượng lao động này không gây mất việc làm cho lao động tại chỗ, vì phần lớn lớp trẻ ở huyện có việc làm xoay quanh chuỗi trồng, chăm sóc, thu hoạch thanh long. Không bị ảnh hưởng còn bổ trợ nhau, nếu như tại 2 khu công nghiệp này có nhà máy chế biến trái thanh long thì sẽ giải quyết điểm “nghẹt thở” hiện tại của vùng chuyên canh cây trồng này về ổn định đầu ra, giá cả. Vì ít nhất, hiện tại người dân đã ý thức thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước nên đã có khoảng 5.000 - 6.000 ha đã sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP.

Một cây và 2 khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp nếu đạt chuẩn thì chắc chắn vùng Hàm Thuận Nam sẽ hóa rồng trong tương lai gần, khi xoay quanh trục trên còn có du lịch với những thắng cảnh trên rừng, dưới biển đẹp có tiếng. Tuy nhiên, với những điểm ưu và khuyết hiện tại khiến Hàm Thuận Nam đang băn khoăn sẽ chỉ thu ngân sách đạt 88,02% chỉ tiêu nghị quyết đề ra đến năm 2020, vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

 Để phát huy tiềm năng của nơi có nền kinh tế toàn diện mà điểm mạnh, điểm phụ trợ đã dần định hình, ông Nguyễn Minh - Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam cho rằng chìa khóa cho phát triển chung vẫn là công tác cán bộ. Huyện ủy sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm với công việc, khuyến khích cán bộ tự học, tự trang bị kiến thức để theo kịp những thay đổi của cách mạng 4.0. Đồng thời khi thực thi nhiệm vụ, cán bộ phải gần dân, sát dân và xử lý những việc nảy sinh sớm ngay dưới cơ sở…

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã hóa rồng được chưa?