Theo dõi trên

Đánh bắt vi phạm lãnh hải: Ngư dân nói gì?

26/03/2018, 09:15

BT- Lâu nay, vấn đề đánh bắt vi phạm lãnh hải đã nhiều lần được đặt  trên bàn nghị sự. Nhưng nó vẫn âm ỉ, vẫn là nỗi lo của rất nhiều ngư dân, không chỉ riêng một địa phương nào. Thế mới hiểu, vi phạm lãnh hải trong quá trình đánh bắt thủy sản không phải chuyện ngư dân mong muốn.

Xử nghiêm vi phạm

Có thể thấy, chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề về thủy sản và các chính sách pháp luật liên quan đến thủy sản lần này là bước chuyển đổi đúng mong muốn, khi thực hiện hẳn chuyên đề về thủy sản để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của bà con ngư dân trong quá trình hoạt động kinh tế biển. Có thể thấy rõ nhất khi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh Thanh Cảnh đã có buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri huyện đảo Phú Quý.

Tại Phú Quý, các cử tri đã gửi đến các đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương nhiều ý kiến, kiến nghị, thậm chí đề xuất mạnh mẽ những giải pháp ngăn chặn nạn giã cào đánh bắt sai tuyến, việc đánh bắt thủy sản bằng súng điện, thuốc nổ và bố trí lực lượng để ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, cần xây dựng đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản khu vực xung quanh đảo Phú Quý. “Bà con cử tri cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm xây dựng hệ thống theo dõi tàu cá nhằm giảm bớt thủ tục hành chính khi thực hiện chế độ theo Quyết định 48, qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu có nguy cơ vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài, góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm” - một cử tri chia sẻ.

Cử tri cũng có nhiều ý kiến xung quanh những vướng mắc khi triển khai Nghị định 48, 67 của Chính phủ, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con.

Trước những vướng mắc đó, ông Huỳnh Thanh Cảnh đề nghị các sở, ngành liên quan nhanh chóng tiếp thu, tham mưu UBND tỉnh tăng cường giải pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt bằng chất nổ, súng điện, kể cả tình trạng đánh bắt bằng hình thức giã cào. Chỉ đạo sớm triển khai xây dựng đề án bảo tồn biển đảo Phú Quý… Đề cập đến vấn đề đánh bắt trái phép vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài, ông Huỳnh Thanh Cảnh nhấn mạnh: “Huyện Phú Quý là địa phương đứng thứ 2 trong tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm, từ đó đã gây ra những hệ lụy không tốt đối với bà con ngư dân và ngành thủy sản trong nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Tỉnh sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn trình trạng này. Riêng các lực lượng chức năng của huyện Phú Quý phải triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh và xử lý kiên quyết các trường hợp tái vi phạm”.

 Ngư dân cũng phải hiểu luật pháp

Sau Phú Quý, ngư dân La Gi cũng đang có những bức xúc tương tự. Với 2.024 tàu cá, sản lượng khai thác 63.000 tấn, chiếm 30% sản lượng khai thác trong toàn tỉnh. Trước thực trạng ngư trường Việt Nam đang dần bị thu hẹp do nạn giã cào bay, đánh bắt bằng chất nổ, các giàn khoan dầu khí ngoài khơi… dẫn đến tình trạng tàu cá đánh bắt xa bờ vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó cần phải có biện pháp để bảo vệ ngư trường trong nước. Quốc hội cần có biện pháp tăng cường đảm bảo an ninh tại vùng lãnh hải giáp ranh để bảo vệ tàu câu khơi, có chính sách quản lý thuyền câu khơi cả trong và ngoài tỉnh; có biện pháp mạnh nhất xử lý tàu cá vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài để đảm bảo tính răn đe. Ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo công tác nạo vét, thông luồng và thu hút đầu tư các kè biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu an toàn. Liên quan đến yêu cầu bố trí sắp xếp tàu cá neo đậu tại cửa biển La Gi và các khu neo đậu ven biển, thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn củng cố kiện toàn ban quản lý cảng, nâng cao hoạt động quản lý để bố trí tàu thuyền ra vào được thuận lợi”.

Muốn hay không, mọi chuyện có bắt nguồn từ ngư dân, sống nhờ vào kinh tế biển, nên nếu không am hiểu luật phát, nếu vì động cơ không trong sáng sẽ dễ lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Một bài học cho chúng ta, khi EU rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Vậy nên, ngư dân ngày càng phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức và chấp hành đúng quy định pháp luật, không đánh bắt vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài để không làm ảnh hưởng đến ngành thủy sản của quốc gia nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh bắt vi phạm lãnh hải: Ngư dân nói gì?