Theo dõi trên

Đánh giá, rút kinh nghiệm về cơn bão số 12 và 14: Vẫn còn tâm lý chủ quan

06/12/2017, 08:29

BT- Chỉ trong tháng 11/2017, liên tiếp 2 cơn bão mạnh (12 và 14) đã xuất hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ. Bình Thuận dù không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành để đối phó bão vẫn được đặt lên hàng đầu.

                
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai kiểm tra    hồ chứa trước bão.

Chưa tập trung cao độ

Ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ở tất cả các địa phương, các ngành, đơn vị đã triển khai nghiêm túc các mệnh lệnh, ý kiến chỉ đạo theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức tốt công tác thông tin, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, hướng dẫn, bố trí bến bãi neo đậu an toàn. Các lồng bè nuôi trồng thủy sản được gia cố, chằng buộc chắc chắn, không cho người ở lại trên tàu và lồng bè. Qua cơn bão số 12 rồi đến cơn bão số 14, người dân đã có ý thức tốt hơn trong công tác phòng chống thiên tai, bão, lũ, chấp hành nghiêm lệnh chỉ đạo của các cấp chính quyền. Tăng cường kiểm soát và vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa nước, thành lập tổ điều hành, theo dõi, cập nhật và xả lũ hạ thấp mực nước hồ trước khi bão đổ bộ nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa. Mặt khác, lập phương án di dời, sơ tán dân ở khu vực ven biển và vùng thấp, trũng khi bão đổ bộ, gây mưa, lũ trên diện rộng, chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết trước khi sơ tán, chằng chống nhà cửa, công sở, kho tàng, trường học.

Tuy nhiên, một số người dân và chính quyền địa phương ở một số nơi còn chủ quan, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Trong đó, công tác phòng tránh bão ở một số cấp chính quyền và bộ phận người dân chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt và thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với bão mạnh. Ý thức chấp hành của một số chủ tàu vẫn chưa nghiêm, một số tàu còn neo buộc vào chân cầu, lan can đường bộ ven bờ sông, nếu có lũ về sẽ gây nguy hiểm. Bến bãi, luồng lạch, cảng ra vào bị bồi lắng, cạn, hẹp, quá tải, rất khó khăn cho tàu thuyền ra vào hoạt động, phải neo đậu bên ngoài chờ thủy triều lên cao mới vào được.

 Thực hiện “4 tại chỗ”

Theo dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Nam Trung bộ, trong đó có Bình Thuận. Do đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các cấp, ngành thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh phương án sơ tán, di dời, kịch bản khi có bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ; xác định loại hình thiên tai để điều chỉnh kế hoạch phòng chống thiên tai phù hợp thực tế địa phương. Kế hoạch sơ tán phải chu đáo, phương án phải rõ ràng, tuyên truyền và thông tin cho mọi người dân trong cộng đồng biết, hiểu rõ, chấp hành. Lưu ý không để người dân ra ngoài đi lại khi đang có bão đổ bộ. Phải chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ” từ hộ gia đình. Phối hợp với Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng dân cư, khắc phục tư tưởng chủ quan...

Tại cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm về cơn bão số 12 và 14 tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, hiện nay Bình Thuận đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết trong thời gian tới diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, công tác rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với bão hết sức cần thiết. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc sơ tán, di dời dân, thậm chí có thể cưỡng chế ra khỏi nơi nguy hiểm khi bão đến. 

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh giá, rút kinh nghiệm về cơn bão số 12 và 14: Vẫn còn tâm lý chủ quan