Theo dõi trên

Đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số: Còn bất cập từ phía người học

29/09/2016, 08:24 - Lượt đọc: 6

BT- Những năm qua, Trung ương, địa phương đều có chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề, cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo chính sách mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, hỗ trợ vốn riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có chi phí xuất cảnh… Những chính sách đó đã tạo điều kiện cho đối tượng là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh tham gia học nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng, tận dụng thời gian nông nhàn để sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình.

                
Hướng dẫn thanh niên xã Mỹ Thạnh chăm sóc    thanh long.

Từ năm 2012 đến nay các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh đã đào tạo 9.490 người dân tộc thiểu số, trong đó đào tạo cao đẳng 15 người; trung cấp 328 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 9.147 người. Bình quân hàng năm các cơ sở dạy nghề đã đào tạo cho 1.895 người dân tộc thiểu số. Con em các dân tộc đã lựa chọn các nghề để học như: Trồng và chăm sóc thanh long; trồng, chăm sóc và khai thác cao su; kỹ thuật trồng nấm, cây lương thực, trồng rau an toàn; học nghề may công nghiệp, thú y; học tiếng Anh chuyên ngành nghiệp vụ lễ tân, du lịch phục vụ nhà hàng… Đa số học viên sau khi học nghề đã vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện được đời sống. Nổi bật là thanh niên xã Đông Tiến, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) đã có nhiều mô hình sản xuất thanh long, cao su, mì đạt năng suất cao. Nhiều thanh niên học các nghề phi nông nghiệp sau khi ra trường có việc làm ổn định…

Tuy nhiên, công tác đào tạo dạy nghề và tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều bất cập, do số lượng đăng ký học nghề hàng năm ít, và tỷ lệ bỏ học giữa chừng chiếm tỷ lệ cao. Mặt khác, việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong quá trình học nghề gặp khó khăn và nhiều hạn chế nên người học nghề không theo kịp chương trình. Sau khi học nghề xong thì phần lớn con em dân tộc thiểu số không muốn đi làm việc ở xa; đa số thiếu tác phong công nghiệp nên việc thực hiện nội quy, quy chế của công ty, đơn vị luôn là áp lực lớn. Từ đó, họ thường xuyên thay đổi việc làm và nơi làm việc, thu nhập không ổn định. Đặc biệt là hàng năm các địa phương phối hợp với các trường dạy nghề, doanh nghiệp tổ chức chương trình hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, nhưng rất ít người dân tộc thiểu số tham gia tìm việc làm…

Từ thực trạng nói trên, ngành chức năng và các địa phương cần có những giải pháp phù hợp hơn trong công tác đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Trước hết là cần hướng nghiệp trong các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú để giúp học sinh dân tộc thiểu số hiểu rõ lợi ích việc học nghề và lựa chọn nghề phù hợp. Bên cạnh thực hiện các chính sách, dự án sẵn có, cần tăng cường các chương trình tạo việc làm được huy động từ nhiều nguồn kinh phí và thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác; tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi về việc làm, trong đó dành một phần nguồn quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số vay để tạo việc làm tại chỗ. Đồng thời, khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.                   

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số: Còn bất cập từ phía người học