Theo dõi trên

Đào tạo nghề theo hướng thực học, thực nghiệp

16/05/2019, 08:46 - Lượt đọc: 60

BT- Năm 2018, toàn tỉnh có 11.057 người được đào tạo nghề, đạt 24,37%, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn thấp hơn so bình quân của cả nước 15,63%. 

                
   Học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình    Thuận. Ảnh: Đ.Hòa

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Năm 2018, toàn tỉnh có 11.057 người được đào tạo nghề, đạt 24,37%. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển mới đào tạo nghề nghiệp cho 3.309 người. Trong đó đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp 141 người, tập trung ngành điều dưỡng; đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 3.168 người. Điều này chứng tỏ số người chưa qua đào tạo ở tỉnh ta còn khá nhiều và nguồn lao động trình độ cao rất hạn chế.

Đánh giá về nguyên nhân chênh lệch trên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) Đức Linh thừa nhận, năm 2018 có 276 học sinh THCS không đậu vào các trường THPT, tuy nhiên chỉ có 4 em đăng ký học trường nghề hoặc vào cơ sở GDTX, còn lại đa số chấp nhận học ở các trường dân lập. Dù trước đó trung tâm thường xuyên phối hợp với các trường trung cấp nghề của tỉnh và Đồng Nai để tuyên truyền, định hướng học nghề cho học sinh THCS. Qua đó cho thấy nhận thức về học nghề của phụ huynh và học sinh chưa đầy đủ, chỉ muốn con em tiếp tục học lên cao dù lực học của các em yếu.

Đồng quan điểm trên, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bắc Bình cho biết: Công tác dự báo và thông tin cung – cầu lao động về giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động trong và ngoài tỉnh còn nhiều bất cập, chưa sát và kịp thời đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng 4.0. Khả năng tiếp thu kiến thức của một bộ phận học viên, nhất là vùng dân tộc thiểu số gặp khó khăn. Một số học viên tuy tích cực tham gia học nghề nhưng việc nắm bắt kiến thức và áp dụng vào sản xuất, tìm kiếm việc làm rất hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi Trần Thanh Quế thì cho rằng: Công tác dạy nghề cho lao động ở nông thôn càng ngày càng khó khăn hơn, bởi người lao động không mặn mà với việc học nghề. Những nghề thiết thực như trồng rau, trồng cây cảnh, trồng cây ăn quả lao động đã đăng ký đi học hết. Việc tuyển sinh lao động đúng độ tuổi từ 18-35 tuổi rất khó, bởi phần đông các lao động đều đã được học qua một nghề nào đó, hoặc lao động đi làm xa, không có nhu cầu học nghề. Thêm vào đó tâm lý của một bộ phận người lao động không chịu xa gia đình nên việc học nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động còn gặp nhiều khó khăn. Điều đáng quan tâm nữa là vận động được nông dân tham gia học nghề đã khó, giữ cho bà con lên lớp đến hết khóa lại càng khó hơn. Bởi với nhiều người dân, đi học là xem như mất một ngày công lao động, vì vậy tình trạng nhiều người bỏ học giữa chừng cũng không phải là chuyện hiếm ở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn... 

Đào tạo phải gắn với thực tiễn

Ông Trần Văn Bình – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa gắn với nhu cầu thực tiễn, đây là lỗ hổng cần được vá kịp thời bằng cách định hướng nghề nghiệp sâu kỹ hơn. Bởi thực tế nhiều em do tác động của gia đình, bạn bè và phong trào xã hội đã đăng ký học nghề không đúng với nguyện vọng, tương lai nên chuẩn đầu ra hạn chế. Thậm chí một số lao động khi được nhận vào làm việc tại doanh nghiệp nhưng một thời gian ngắn lại xin nghỉ. Điều này gây sự lãng phí lớn cho gia đình, doanh nghiệp, nhà nước trong đào tạo. Thêm nữa việc đào tạo nghề hiện nay còn dàn trải, chưa chú trọng vào đào tạo chuyên sâu. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các trường, trung tâm. Đơn cử như các resort có 13 ngành nghề không thể thiếu. Các doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp với trường để đào tạo song song, thay vì cử đi đào tạo lại, tránh mất thời gian cho người học và doanh nghiệp.

 Làm thế nào để tăng cường tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng, thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo ngành, nghề trọng điểm. Đến cuối năm 2019 tuyển mới đào tạo nghề nghiệp cho 11.000 người, trong đó trình độ cao đẳng là 710 người, trung cấp là 855 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 9.435 người, đòi hỏi các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giáo dục nghề nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đa dạng phương thức tuyển sinh, thu hút đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trung cấp và liên thông lên trình độ cao đẳng. Chú trọng đào tạo nội dung thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun, tín chỉ. Các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo tiếp tục đổi mới theo hướng thực sự thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bám sát và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động trong tỉnh…

    
      Mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp hiện còn   “lỏng lẻo”. Toàn tỉnh mới có 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hợp tác với   doanh nghiệp gồm các trường: Cao đẳng Nghề Bình Thuận, Cao đẳng Cộng   đồng Bình Thuận, Cao đẳng Y tế Bình Thuận và Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ   thuật Công đoàn Bình Thuận, chiếm tỷ lệ 17%.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề theo hướng thực học, thực nghiệp