Theo dõi trên

Đất bằng dậy sóng

04/01/2020, 09:41

BT-  ... Và hình ảnh xanh tươi kia bình thường đáng lẽ phải vui, nhưng trong tình huống này lại minh chứng rất rõ cho tính cố chấp của những nông dân đã sản xuất lúa đông xuân ngoài kế hoạch và cả sự bất lực của ngành chức năng.

                
Cảnh trơ gốc rạ ở cánh đồng Chà Vầu

 Mong ăn may?

Từ khi tuyến kênh cấp 2 D8-9 của hệ thống thủy lợi Phan Rí –Phan Thiết hình thành cùng với tuyến kênh 812 - Châu Tá nằm ở bên này, đã tạo ra cánh đồng trù phú, thuộc thôn Bình Phụ, xã Sông Bình. Người dân sản xuất ở đây không bao giờ nghĩ sẽ có lúc phải… bỏ vụ, nhất là lại vụ đông xuân, vụ cho năng suất cao nhất trong năm. Đó là lý do vì sao xã Sông Bình ra thông báo khu vực này không sản xuất theo chỉ đạo của UBND huyện Bắc Bình nhưng xã nói cứ nói, dân làm cứ làm. Kết quả, bây giờ cánh đồng khoảng 160 ha này đang có 90% diện tích đã xuống giống lúa đông xuân, cây lúa được khoảng 10 - 15 ngày tuổi. Tuổi lúa cho thấy làm sau thông báo của chính quyền, nên có thể hình dung các công đoạn để cây lúa có mặt hiện tại là cả quá trình chui lủi lẫn manh động. 

                
Những máy bơm nước để cố định trên kênh    D14.

Chúng tôi đi trên con đường song song tuyến kênh cấp 1 D8 rồi qua tuyến kênh cấp 2 D8-9. Những gì có trên lòng kênh cho thấy đêm trước đó là những va chạm lẫn hành động cố chấp để có bằng được vụ lúa đông xuân ở đây. Những máy, ống bơm nước còn ngổn ngang, những tấm bạt chặn nước chảy trên kênh… chưa kịp dọn dẹp. Cánh đồng khu C lẫn cánh đồng Ba Bông, lúa đang chuyển xanh. Anh Phan Anh Cường, Trưởng trạm Thủy nông Sông Lũy, người bị 2 đối tượng ở thôn Láng Xéo cầm rựa rượt đuổi chém vào đêm 13/12/2019 vừa rồi khi làm nhiệm vụ dẫn nước và đóng các cống trên tuyến kênh tại cánh đồng Ba Bông này nói một cách ngỡ ngàng: “Công nhận cây lúa dễ sống, mấy hôm trước thiếu nước vàng úa mà có nước về mới 2 ngày nay đã xanh trở lại!”. Nét mặt của anh đăm chiêu. Tôi hiểu, có bao nhiêu nghìn khối nước đã bị trộm, bị giành để cả 2 cánh đồng này được xanh trở lại và điều đó ảnh hưởng đến những kế hoạch khác cho cung cấp nước sinh hoạt, cho tưới thanh long, cho gia súc gia cầm uống như thế nào. Và hình ảnh xanh tươi kia bình thường đáng lẽ phải vui, nhưng trong tình huống này lại minh chứng rất rõ cho tính cố chấp của những nông dân đã sản xuất lúa đông xuân ngoài kế hoạch và cả sự bất lực của ngành chức năng. Bất lực ấy, theo anh Cường không phải vì lực lượng mỏng, không quyết liệt. Bất lực ấy là không thể bịt hết hàng nghìn ống thông nước tại các tuyến kênh ra ruộng. Hợp lý lâu nay bây giờ lại bất lợi, vì tuyến kênh nước nằm trên cao, ruộng dân nằm dưới thấp nên khi mở nước theo phiên cho tuyến kênh thì nước chảy đến đoạn nào, ruộng ở xung quanh đoạn đó có nước. Nếu quyết liệt không tạo ra tiền lệ xấu trong dùng nước thì nước đâu cho dân sinh hoạt, gia súc gia cầm uống. Biết thế nhưng làm sao mà giữ?

Chuyện kênh cao hơn ruộng, không giữ được nước của anh Cường bỗng trở nên không khớp với tình hình, khi chúng tôi đến tuyến kênh D14, đoạn tại thôn An Bình, xã Bình An, hiện có khoảng 80 ha lúa đông xuân ngoài kế hoạch. Nơi đây tuyến kênh thấp hơn ruộng lúa nhưng vẫn không giữ được nguồn nước, thậm chí còn xảy ra căng thẳng hơn Bình Phụ. Đã có những va chạm, xô xát ở đây vì nước. Trên bờ kênh có nhiều máy bơm như đặt cố định. Những ruộng lúa ven kênh đang có nước, đang xanh nhưng không biết sẽ cầm cự đến khi nào, khi việc mở nước luân phiên ở đây chỉ 1 lần/tháng. Mà nước được mở dựa vào lịch cho cung cấp nước sinh hoạt, cho tưới thanh long, cho gia súc gia cầm uống chứ không phải dựa vào lịch sản xuất cây lúa nên chắc chắn, 80 ha này không thể có yếu tố ăn may như mong đợi. Chính mơ ước về một sự ăn may nào đó mà dân có đất ven các tuyến kênh, tập trung vùng đầu nguồn đã cố xuống giống, làm tăng diện tích sản xuất ngoài kế hoạch ở Bắc Bình từ 480 ha của đầu tháng 12  lên 700 ha vào bây giờ…

                
Ống dẫn nước thuông vào thân kênh D8.

 Nước cuối nguồn

Vùng đất rất gần hồ Cà Giây được sản xuất lúa đông xuân rộng khoảng 1.200 ha thuộc đoạn kênh Úy Thay. Đây được xem là diện tích vàng của vụ này, vì đủ tiêu chuẩn sử dụng nguồn nước hiếm hoi của hồ so với rất lớn diện tích còn lại phải bỏ vụ trong tổng hơn 9.000 ha sản xuất lúa của toàn huyện. Ngay cả đoạn liền kề là Đá Giá, rất gần nhưng cũng không thể sản xuất. Vì thế, tuyến kênh tiếp nối là Nha Mưng - Chà Vầu, cung cấp nước cho 2 cánh đồng cùng tên của 4 xã, thị trấn: Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Phan Hòa và Chợ Lầu trở nên xa vời trong sản xuất đông xuân. Có lẽ người dân ý thức điều đó nên nhờ vậy, trên 2 cánh đồng này hầu như đang trơ gốc rạ. Nhưng không phải không có diện tích sản xuất lúa đông xuân ngoài kế hoạch. Tại 2 xã là Phan Hòa, Phan Rí Thành nằm ở cuối tuyến kênh trên cũng có gần 100 ha lúa tự phát. Nhưng khác những nơi đầu nguồn mong ngóng nước về trên kênh để trộm cứu lúa, dân ở đây, theo như lãnh đạo 2 xã này nhấn mạnh là đi sử dụng lại giếng cũ và khoan giếng mới để vừa cứu lúa, vừa tưới thanh long. Mới đầu mùa hạn mà Phan Rí Thành có 100 giếng khoan tưới cho 240 ha thanh long và 11 ha lúa, còn Phan Hòa có khoảng 60 giếng tưới cho 30 ha thanh long và 73 ha lúa. Khoan giếng tưới thanh long thì đương nhiên, vì thanh long được giá đem lại giá trị kinh tế cao nhưng khoan giếng lấy nước cứu lúa, có lẽ là mới nghe lần đầu.

Nhưng như trần tình của ông Bá Hoàng Anh Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Hòa, người dân ở xã quyết định khoan giếng cứu lúa không hẳn vì lợi nhuận, mà vì muốn có lúa để sử dụng, muốn lấy công làm lời và cũng vì ở cái thế đã lỡ rồi nên gắng theo. Và đến lúc này, nhiều người nhận ra, mùa hạn năm nay, không giống như năm trước và không giống cả mùa hạn xem là khốc liệt năm 2015 - 2016. Đó là năm mà Phan Hòa phải huy động 60 người, chia làm 3 tổ để bảo vệ nguồn nước về. Rất nhọc nhằn, vì nước đã quý trong cảnh khan hiếm mà hành trình đi lại mất 3 - 4 ngày, do kéo dài đến 22 km. Không biết năm nay sẽ như thế nào, vì ngoài diện tích thanh long ra, Phan Hòa có đến 3.000 con trâu bò, 20.000 gia cầm, chủ yếu là vịt. “Còn Phan Rí Thành ngoài 240 ha thanh long, còn có 2.500 con bò, 40.000 con vịt chạy đồng cùng nạn nhiễm mặn xâm nhập đang là nỗi lo trước mắt…”- ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Phan Rí Thành nói như thế khi chúng tôi hỏi thăm. Rằng ở nơi cuối tuyến kênh này, lại gần biển nên vào mùa mưa thì lũ lụt dồn về, vào mùa nắng xảy ra hạn thường là nơi gay gắt nhất. Càng thiếu nước, người dân càng băm bổ đi tìm nước bằng cách tiếp tục đi khoan giếng. Nhưng đâu hình dung, nước mặn ngoài biển cũng đang ráo riết tiến vào đất liền. 3 con sông chảy qua địa bàn xã trước khi đổ ra biển là sông Lũy, sông Đồng, sông Cạn hiện đã nhiễm mặn, nước đã rờn xanh, dân không thể tưới tắm gì được... Nhưng chuyện không chỉ ở hạn, nhiễm mặn, những hệ lụy sau đó mà lãnh đạo 2 xã trên trăn trở là lo cứu đói trong 3 tháng cho hộ nghèo, cận nghèo và lo học sinh bỏ học sau tết…

5 năm trước, vào thời điểm hạn như bây giờ, chúng tôi từng chứng kiến  những người dân ở Bắc Bình đã túa vào TP. Phan Thiết để buôn bán tại các chợ, làm thuê tại các quán ăn, cà phê… Và thời điểm này, hình ảnh ấy đang quay lại. Nước đã khiến “đất bằng dậy sóng”… Lúc này, người dân lại mong ngóng sự ra đời nhanh của hồ Sông Lũy, hồ có thể tích lượng nước khổng lồ mà bao lâu nay cứ lặng lẽ chảy ra biển, dù trên địa bàn có mấy hồ chứa lớn nhỏ, có mấy công trình chuyển nước đi nơi khác. Nhưng như có tì vết, theo các lão nông ở đây, cứ 5 năm nơi này lại bị hạn mà hạn lần sau thường khắc nghiệt hơn lần trước. Qua tết này, sẽ biết hạn 2019 - 2020 như thế nào…

Phóng sự: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất bằng dậy sóng