Theo dõi trên

Dấu ấn Bình Thuận ở Trường Sa

14/02/2017, 08:45 - Lượt đọc: 24

Cuộc gặp ở cuối hành trình

BT- Ngay khi con tàu HQ - 936 rời quân cảng Cam Ranh, tôi đã hỏi những người mình gặp trên tàu nhưng cũng chưa gặp ai là người Bình Thuận. Tôi biết chắc chắn, trong số cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa sẽ có người quê Bình Thuận. Nhưng có gặp được nhau hay không đó là “duyên”…

                
Những người Bình Thuận đang công tác tại    Trường Sa chụp ảnh cùng tác giả.

Trong lịch trình công tác, chúng tôi sẽ đến thăm, tặng quà tết cho 14 đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. 7/1/2017, chúng tôi còn 1 đảo nữa là kết thúc hành trình. Tôi vẫn chưa tìm được người Bình Thuận. Tôi gặp thượng tá Ngô Đình Xuyên - Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh, để hỏi trong số cán bộ chiến sĩ đang công tác trên đảo có ai là người gốc Bình Thuận hay không? Lật qua, lật lại tờ giấy ghi trích ngang lý lịch, thượng tá Xuyên ồ lên một tiếng. “Bình Thuận có 2 chiến sĩ đang công tác trên đảo. Giờ chắc anh em đang làm nhiệm vụ. Để anh báo cho người phụ trách, 14h chiều em xuống đó gặp nhé!”, thượng tá Xuyên nói. Khỏi phải nói tôi mừng như thế nào khi ước muốn tìm được người Bình Thuận ở Trường Sa đã thực hiện được.

Chào thượng tá Xuyên, tôi đến chùa Vinh Phúc để gặp trụ trì Đại đức Thích Tuệ Nhân. Đại đức Thích Tuệ Nhân đi cùng chúng tôi trên tàu HQ - 936, thầy mời chúng tôi ghé thăm chùa để uống nước. Tôi đang loay hoay tìm đường đến chùa thì một người mặc quân phục của Binh chủng Phòng không - Không quân ra chào và hỏi: “Anh có biết nhà báo ở Bình Thuận trong đoàn công tác hiện đang ở đâu không?”. Tôi trả lời không chút suy nghĩ: “Tôi đây, mà có gì không anh”. Vừa dứt câu trả lời, Thượng úy Phòng không - Không quân đưa tay bắt chặt: “Em là người Bình Thuận mà. Em tên Thảo, ở trạm còn có 2 người nữa cũng quê Bình Thuận. Lát mời anh ghé trạm chơi nhé!”, Thượng úy Thảo nói trong khi vẫn xiết tay tôi chặt cứng. Đúng là niềm vui nhân đôi, ở điểm cuối của cuộc hành trình, tôi đã tìm được người Bình Thuận và cũng có người Bình Thuận tìm tôi.

 Cay nồng ớt chim Bình Thạnh ở Trường Sa

Sau cuộc trò chuyện với Đại đức Thích Tuệ Nhân, chúng tôi đến nhà ăn của đảo để dùng cơm trưa. Vừa ngồi xuống bàn, điện thoại của tôi có một số điện thoại lạ gọi tới. Đây là số điện thoại 3G tôi mang ra Trường Sa dùng để gửi tin bài về Tòa soạn Báo Bình Thuận chứ không phải là số tôi hay dùng nên rất ít người biết. Nhấn nút nghe mà trong lòng tôi cứ thắc mắc. “Em là Thảo gặp anh hồi sáng đó. Mời anh qua đơn vị ăn cơm trưa”, thì ra là đồng hương mời cơm. Tôi nhanh chóng đến trạm rada T44. Bữa cơm người lính Trường Sa khá đầy đủ, bao gồm một dĩa thịt luộc, một tô canh mướp, một bát cá kho, một bát cà muối và chén nước mắm dầm ớt xanh. “Cà muối này mới được gửi ra từ đất liền. Có khách quý đơn vị mới mang ra dùng” - anh Sơn người ngồi cạnh tôi cho biết. Bữa cơm hôm đó không có sơn hào hải vị mà sao ngon lạ thường. Tôi chợt nhớ đến nhà thơ Tản Đà, một trong những người nổi tiếng về trình độ ẩm thực. Theo ông, để có một bữa ăn ngon phải hội đủ 4 yếu tố: Một là thức ăn ngon, hai là lúc ăn ngon, ba là chỗ ăn ngon, bốn là người cùng ăn ngon. Nếu theo chuẩn này thì bữa cơm trưa với đồng hương Bình Thuận ở Trạm T44, vượt chuẩn ngon. Không chỉ là ăn lấy no mà đó là bữa cơm của tình anh em, những người cùng quê xa xứ. Sau bữa cơm, chúng tôi ngồi uống nước trà. Cuộc trò chuyện của chúng tôi rôm rả hẳn lên khi nói về chuyện gia đình. Hóa ra, anh Phạm Minh Thảo (quê ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc) từng công tác 5 năm tại đảo Phú Quý. Anh Thảo là con trai trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội là liệt sĩ, bà nội, bố mẹ cũng là những người có công với cách mạng. “Ra Trường Sa công tác với tôi không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một vinh dự. Ra đây mới thấy biển đảo quê hương đẹp biết bao. Được đóng góp chút công sức bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc là vinh dự lớn”, anh Thảo vui vẻ cho biết.

                
So với cây ớt chim ở Bình Thạnh thì cây ớt    chim ở Trường Sa thuộc dạng “lão đại”.

“Anh có biết ớt hồi nãy mình ăn ở đâu không?”, anh Nguyễn Thanh Trúc (quê ở xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) hỏi tôi. Phải nói ớt hồi nãy nhỏ mà rất cay và thơm nồng. Ở Bình Thuận cũng có loại ớt có vị như vậy, nhưng đây là Trường Sa nên tôi không dám chắc là loại ớt đó. “Ớt chim đó. Bọn em mang ra hồi tháng 8/2016 trồng thử không ngờ nó chịu được khí hậu nơi đây” -anh Trúc nói. Mọi người kéo tôi ra xem cây ớt. Ồ, nếu so với cây ớt chim ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong thì cây ớt ở Trường Sa thuộc dạng “lão đại”. Mới trồng được mấy tháng nhưng tán cây ớt ở Trường Sa to cỡ cái lồng bàn người ta vẫn dùng để đậy mâm cơm hàng ngày. Có thể khí hậu Trường Sa có phần hao hao giống với xứ biển Bình Thạnh nên cây ớt này rất nhiều trái. Nếu hái xuống cũng được cả ký. “Nhờ cây ớt này mà bữa ăn nào anh em cũng có ớt ngon để dùng. Những lúc ớt ra nhiều anh em để cho chín rồi hái ngâm với nước mắm dùng dần”, Đại úy Lê Đức Hiến, Trạm trưởng Trạm rada T44 cho biết.

Rời Trạm rada T44, tôi đến gặp hai chiến sĩ Bình Thuận mới ra đảo Phan Vinh nhận nhiệm vụ. Nếu so với bạn bè cùng trang lứa thì Lê Tấn Vũ (khu phố 10, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) và Đặng Huynh (thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết) có phần già hơn. Vũ và Huynh khi vào bộ đội mới gặp nhau nhưng ở hai em có khá nhiều điểm chung. Sinh ra và lớn lên ở cùng một thành phố, nhập ngũ cùng một đợt. Huấn luyện tân binh ở cùng một đơn vị và giờ ra nhận nhiệm vụ ở cùng một đảo. Một điểm khá thú vị là cả hai cùng tình nguyện ra Trường Sa công tác. “Đã là người Việt Nam thì ai cũng muốn một lần ra Trường Sa để tận mắt nhìn thấy, sờ vào biển đảo quê hương. Em tình nguyện ra Trường Sa làm nhiệm vụ một phần để biết biển đảo quê hương đẹp như thế nào, một phần cũng để thử sức bản thân. Được góp sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam là niềm vinh dự mà không phải người trẻ nào cũng có được”, Vũ và Huynh cho biết.

Ngày 9/1/2017, Tàu HQ - 936 đưa chúng tôi rời đảo Phan Vinh về lại đất liền. Tàu nhổ neo, cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh tập trung tại cầu cảng tiễn đoàn. Từ boong tàu đưa ánh mắt ra xa mới thấy đảo Phan Vinh thật hùng vĩ, xứng đáng là điểm tựa cho những chuyến tàu ngày đêm vươn khơi bám biển. Trường Sa đang thay da, đổi thịt và trong sự phát triển chung đó, những người con Bình Thuận đã góp sức mình canh giữ vùng trời, bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ghi chép: Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn Bình Thuận ở Trường Sa