Theo dõi trên

Đầu tư năng lượng tái tạo: Không loại trừ việc “đăng ký để sau đó sang nhượng”

23/03/2018, 08:55

BT- Bình Thuận có đến 70/100 dự án đầu tư năng lượng mặt trời của cả nước nên điều cảnh báo này rất có ý nghĩa.

                
      
Bình Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng về    điện gió, điện mặt trời. Trong ảnh là các trụ điện gió của một nhà    máy điện gió tại huyện Tuy Phong. Ảnh: Ngọc Lân

1. 2 năm gần đây, số dự án đầu tư vào tỉnh nhiều nhất, sôi động nhất và ấn tượng nhất thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo mà cụ thể là điện mặt trời. Sự ấn tượng nhất ấy không chỉ vì nhiều người phát hiện ra một tiềm năng khác, một lợi thế khác từ vùng đất thiếu mưa thừa nắng của Bình Thuận mà còn vì những dự án đầu tiên của lĩnh vực này được công bố có số vốn đầu tư rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước. Năm trước, tại hội nghị thu hút đầu tư tại tỉnh đã công bố ngoài 5 dự án điện mặt trời đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chấp thuận đầu tư, còn có gần 30 dự án điện mặt trời xin đăng ký triển khai trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, theo quy hoạch hiện trên toàn  Bình Thuận có hơn 40 vị trí quy hoạch đưa vào danh mục thu hút dự án điện mặt trời, tập trung nhiều nhất ở Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân… Sự nhộn nhịp này được ghi nhận ở tầm quốc tế. Cụ thể, theo báo cáo cập nhật gần đây của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ - USAID, đến năm 2017, chỉ riêng điện mặt trời đã có hơn 100 dự án mới tham gia thị trường, trong đó riêng Bình Thuận có hơn 70 dự án.

2. Mới đây, trong một chuyên đề riêng về thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Tổ chức minh bạch thế giới đã có cảnh báo về tình trạng quản trị kém, mức độ minh bạch thông tin thấp có thể trực tiếp dẫn đến rủi ro tham nhũng trong thị trường này. Như trên đã nói, riêng Bình Thuận chiếm đến 70/100 dự án đầu tư năng lượng mặt trời của cả nước nên điều cảnh báo này rất có ý nghĩa. Vấn đề nổi lên mà ai cũng cảm nhận cuộc đổ bộ vào Bình Thuận đầu tư điện gió hay điện mặt trời của các nhà đầu tư, với mục đích chính là tìm vị trí đặt dự án, một yếu tố quyết định mang lại hiệu quả kinh doanh sau này. Đơn giản bởi những vùng tiềm năng, nơi có sức gió tự nhiên lớn hoặc cường độ nắng và giờ nắng cao, sẽ là những vùng có lợi thế kinh tế lớn hơn. Ý thức được điều đó, nhiều doanh nghiệp dù không có năng lực đầu tư hoặc không muốn đầu tư lĩnh vực này vẫn tham gia cuộc đổ bộ và nhanh chân đăng ký đầu tư dự án, giành trước những vùng tiềm năng, để rồi sau này sang nhượng kiếm lời từ những nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thực.

Chuyện đáng nói, điều ấy được ẩn nấp rất kỹ trong hàng loạt thủ tục từ cấp phép hoàn toàn theo đúng quy trình - có kiểm tra, có đánh giá năng lực lẫn mục đích của nhà đầu tư cho đến  “ma trận” đền bù giải tỏa đất đai cho người dân có đất nằm trong vùng dự án. Lâu nay, chưa thấy việc đền bù giải tỏa đất của dân trong vùng dự án mà nhanh được. Với nhà đầu tư thực thì bị thiệt hại chút ít liên quan đến kế hoạch sử dụng đồng vốn. Còn với nhà đầu tư cơ hội thì đó là dịp quá tốt để sang nhượng dự án kiếm khoản lời lớn, nhất là theo quy định hiện nay chính quyền sở tại phải thực hiện đền bù đất cho dân rồi giao đất sạch cho chủ đầu tư. Vì cách này vô tình khiến người dân bị ép nhận tiền đất rẻ so với giá thị trường, trong khi người dân và chủ đầu tư có thể thương lượng với mức tiền chấp nhận được.

3. Một vấn đề khác, ai cũng nhận thấy là những dự án đầu tư điện mặt trời ngốn đất quá lớn, ngang ngửa điện gió. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất dành cho các dự án điện mặt trời đến 7.730 ha. Còn cụ thể từng dự án, loại nhỏ cũng chiếm 50 ha, loại lớn chiếm đến vài trăm ha. Như  Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, diện tích 309 ha; Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW tại huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết, diện tích 211 ha...Có nghĩa quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể cho phát triển điện năng tái tạo, sẽ ảnh hưởng cuộc sống của rất nhiều người dân. Nếu đầu tư thực thì còn có thể. Nếu đầu tư theo kiểu cơ hội trên thì nhà đầu tư thực và người dân sẽ bị thiệt hại nhiều mà nhiều người ví, đó như luồng gió chướng trong đầu tư.

    
  

  Minh bạch   là cần thiết

    Tổ chức   minh bạch thế giới khuyến cáo rằng nên minh bạch hóa thông tin trên thị   trường, trong đó bao gồm minh bạch hóa quy hoạch, quy trình cấp phép và   minh bạch hóa thông tin giám sát thực thi… để thị trường năng lượng tái   tạo vận hành hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ cho thị   trường này phụ thuộc khá lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư năng lượng tái tạo: Không loại trừ việc “đăng ký để sau đó sang nhượng”