Theo dõi trên

Dạy con trước “làn sóng” xâm hại tình dục

18/04/2017, 14:26

Ngày… tháng… năm

BT- Mới tuần trước, đồng nghiệp đưa tin về cô bé P. ở Hàm Thuận Bắc bị xâm hại tình dục nhiều lần dẫn đến có con khi em chỉ mới 14 tuổi. Sự việc có lẽ sẽ không bi kịch khi mẹ em bị tâm thần, cũng là nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục, sinh ra em và mới mất cách đây hơn 1 năm. Cách đó không lâu, tôi lại đọc tin bé C. 10 tuổi (Hàm Tân), bé gái 5 tuổi (La Gi)… cũng là nạn nhân khi “thú tính” của những người đáng tuổi anh, tuổi cha nổi dậy. Và những thông tin ấy đang đầy rẫy trên mạng xã hội, báo chí làm tôi có cảm giác tuổi thơ của những đứa bé lên 4, lên 5 sao đầy những rủi ro, không ngoại trừ hai cô con gái của mình mặc dù cha mẹ đã cố gắng bao bọc chúng.

Người lạm dụng tình dục những đứa trẻ còn thơm mùi sữa cũng làm cha, làm chú, làm ông, nghĩa là họ cũng có con, cháu trạc tuổi này sao nỡ hành động như vậy? Họ có đau đớn không nếu con, cháu mình rơi vào tình huống tương tự? Nhưng nhìn lại bao nhiêu vụ xảy ra, thì không ai còn muốn đặt ra một câu hỏi nào khác ngoài sự căm phẫn trong bất lực. Người ta nói lạm dụng tình dục trẻ em là tội ác, im lặng cũng là tội ác. Nghĩa là biết chuyện trẻ bị xâm hại mà không lên tiếng đấu tranh cho các bé là tội lỗi lớn, nhưng lên tiếng kiểu gì cho hiệu quả khi chúng ta vẫn thấy việc giải quyết, xét xử những vụ trẻ em nghi/bị lạm dụng tình dục còn đầy những “lỗ hổng” và “khoảng trống” như thừa nhận của những người có trách nhiệm và chuyên môn trong bảo vệ trẻ em.

Ngày… tháng… năm…

Hôm nay xem lại phóng sự về trường hợp bé C. (Hàm Tân) do phóng viênbáo Thanh niên thực hiện, tôi lại không cầm được nước mắt. Câu nói của bé C. “anh ấy làm con đau” cứ văng vẳng bên tai mình, ánh mắt đầy sợ hãi của bé và hình ảnh bà mẹ đi đòi công lý cho con trong khổ đau, vô vọng khi người bị tố cáo hiếp dâm đã được đưa vàobệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa) để giám định tâm thần! Họ hết lần này đến lần khác đứt ruột mô tả lại cảnh con mình bị xâm hại cho các “cơ quan chức năng” thấu hiểu nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê năm 2016 cả nước có 1.211 trẻ em bị xâm hại. Còn Bộ Y tế cho biết mỗi năm giám định khoảng 2.000 vụ xâm hại, trong đó trẻ vị thành niên chiếm 1/3. Dù đây là thực trạng quá nhức nhối nhưng các cơ quan này vẫn khẳng định con số trên chưa… chính xác. Số thực lớn hơn nhiều do bị hại và gia đình ngại nói ra.

Ngày… tháng … năm…

Mỗi ngày tắm cho con, tôi lại ra rả màn hỏi-đáp: “Người khác chạm vào chỗ này (nói tới đâu tôi chỉ tay tới đó) thì sao?” – “Con không cho và về méc mẹ”, hai đứa con gái trả bài. “Người ta hù nếu méc mẹ họ sẽ đánh con thì sao?” – “Thì con càng phải méc mẹ”, chúng lại đua nhau nói. Con thuộc bài mẹ cũng chẳng thấy vui, bởi cái tuổi ấy lẽ ra chỉ có sự yêu thương, trong sáng và vui chơi thì con lại phải nhai đi nhai lại bài học đề phòng và cách nhận biết cái ác.

Một hôm đưa con ra công viên. Trong lúc mẹ mải mê lo chuyện riêng, hai con vô tư trêu đùa với một người đàn ông lớn tuổi không quen biết đứng bên cạnh. Người đàn ông ôm hai đứa vào lòng khiến hai bé… hí hửng cười toe toét! Thấy người ta cưng nựng, các con khoái chí, chỉ có mẹ phản ứng kịch liệt bất kể người khác có cảm thấy mẹ quá đáng hay không. Hóa ra lời mẹ dạy chỉ được thuộc trong phòng tắm nhà mình!

Có lẽ, thói quen hay bẹo má, ôm hôn, thậm chí véo vào “chỗ kín” của trẻ không có gì sai để thể hiện tình yêu thương của người lớn. Và chẳng mấy người cho rằng hành động của mình là một kiểu xâm phạm thân thể trẻ em. Bởi vậy, thông tin một nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam phải ngồi tù 9 tháng ở Mỹ vì tội ấu dâm, không ít người bất ngờ trước sự cứng rắn của pháp luật nước này. Tuy nhiên, nếu biết rằng ở Mỹ, các hành động tắm chung, ngủ chung, các tiếp xúc thân thể, âu yếm cơ thể trẻ, sờ, nghịch bộ phận sinh dục trẻ có thể bị quy vào tội lạm dụng tình dục thì mọi người sẽ không còn ngạc nhiên với mức phạt này.

Tôi nhớ bản thân mình từ nhỏ đến lớn chưa từng được học về việc “véo” chỗ này, “thơm” chỗ kia trên thân thể trẻ thì bị xử lý như thế nào. Từ mình, tôi suy ra nhiều người lớn khác. Từ chỗ không biết, nhiều người đã “lạm dụng” trẻ mà cứ ngỡ yêu thương. Nhiều người đang bị “lạm dụng” cứ ngỡ bình thường…

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy con trước “làn sóng” xâm hại tình dục