Theo dõi trên

Để hạn chế tai nạn giao thông đường bộ: “Văn hóa lái xe” nên là môn thi bắt buộc

08/12/2017, 10:24

BT- Lái xe - ngày nay không còn đóng khung là nghề của một bộ phận người lao động. Lái xe gần như là công việc phổ thông  với nhiều người - những người ham thích ngồi sau tay lái, thích vi vu; người có điều kiện sắm ô tô  riêng… Tương ứng điều đó, các trung tâm dạy lái xe cũng mọc lên ở nhiều nơi. Ngay tại Phan Thiết, ngoài Trung tâm Quyết Thắng, còn có một số trung tâm khác  làm việc này. Thời gian học lái  với bằng B2  là 3 tháng, bằng C từ 3-5 tháng. Trong đó, phần lý thuyết chiếm 30% tổng thời gian. 70% thời gian còn lại dành cho thực hành. Nếu người học lái vượt qua môn lý thuyết và thực hành tại trung tâm sát hạch nào đó… sẽ được cấp giấy phép lái xe. Thoạt nhìn  mấy con số vừa nêu, người chưa am tường việc lái xe, hoặc chưa học qua cảm thấy rằng:  lái xe không có gì quá khó, bằng sự cố gắng sẽ thành công… Song thực tế cho thấy: Từ khi  cầm giấy phép lái xe đến khi lái thuần thục, có được ít nhiều kỹ năng, người lái xe cần nhiều thời gian, nhiều giờ lái trên nhiều địa hình...

“Văn hóa lái xe” vô cùng quan trọng

Trao đổi với nhiều người ham thích lái xe, cho thấy: Nền tảng văn hóa của người lái xe rất quan trọng. Nếu người lái xe có văn hóa cao (không nhầm lẫn giữa văn hóa và trình độ học vấn) thì khi lái họ luôn biểu hiện là người có văn hóa. Đó là, không bấm còi inh ỏi khi vào phố đông, ngang qua  bệnh viện, lúc về khuya trong khu dân cư; không bấm còi giục xe trước chạy nhanh trên đường hẹp để cho xe mình chạy; khi vượt  qua xe trước lúc nào cũng bật đèn tín hiệu sớm, bấm còi nhẹ để xin đường, đặc biệt là không vượt ẩu; khi chạy trên đường dài cùng lúc với nhiều xe thì luôn giữ làn đường, không chèn ép xe nhỏ hơn mình để giành đường… Nói chung, rất mực tuân theo luậtgiao thông đường bộ. Trong khi đó, một người biết lái xe nhưng trình độ văn hóa thấp thường có những biểu hiện ngược lại với người lái có văn hóa cao. Đặc biệt, thường chạy với tốc độ cao, giành đường ngay cả khi đường hẹp;  sẵn sàng uống bia rượu khi đang lái, hoặc trước lúc lái một thời gian ngắn. 

Học lái xe ở Nhật Bản

 Trong dạy lái xe và học lái xe, người Việt có thể học hỏi một số điều từ người Nhật. Ngoài các đức tính: cần cù chịu khó, ham học, ham thích lao động, yêu thiên nhiên… người Nhật còn có  tinh thần trách nhiệm cao.  Các trung tâm đào tạo lái xe của Nhật luôn  yêu cầu người học lái xe phải đề cao tinh thần trách nhiệm trước khi ngồi vào tay lái. Học viên sẽ không học gì trong tuần đầu, ngoài việc xem đi xem lại ảnh các tai nạn giao thông... để qua đó nâng cao nhận thức: bất cứ tai nạn giao thông nào cũng để lại những hậu quả xấu, sự mất mát, thương tâm… Muốn không xảy ra tai nạn, người lái xe cần phải  thật cẩn thận, có trách nhiệm cao khi xe lăn bánh… 

“Văn hóa lái xe” là môn thi bắt buộc

 Để nâng cao nhận thức của lái xe cần thiết phải xây dựng “văn hóa lái xe” thành môn học với nhiều nội dung, cũng như là môn thi điều kiện trước khi học lái. Khi và chỉ khi người học lái vượt qua môn này mới được học lý thuyết, thực hành lái. Một khi môn văn hóa lái xe được coi trọng, người học lái được trang bị tốt về văn hóa lái xe thì khi ngồi sau tay lái, sẽ  quý tính mạng con người hơn, cẩn thận hơn… tai nạn giao thông vì thế khắc giảm.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để hạn chế tai nạn giao thông đường bộ: “Văn hóa lái xe” nên là môn thi bắt buộc