Theo dõi trên

Đề nghị xem xét lại Quyết định 1639 của UBND thị xã La Gi

21/05/2018, 09:32

BT- Xuất phát từ việc ông Nguyễn Viết Vàng khiếu nại ông Hoàng Văn Quang lấn chiếm đất của mình đã khai phá. Năm 2013, UBND thị xã La Gi ban hành Quyết định số 1639/QĐ-UBND ngày 9/12/2013 (sau đây gọi là tắt là: Quyết định 1639). Theo đó, UBND thị xã La Gi không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Vàng và thu hồi luôn diện tích đất đang tranh chấp. Việc UBND thị xã La Gi thu hồi diện tích đất đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã sinh sống, canh tác trên mảnh đất này 18 năm… 

                
   Vợ chồng ông Nguyễn Yên trên mảnh đất họ    đã ở, canh tác 18 năm.

Đất của ông Hoàng Văn Quang vẫn được sử dụng liên tục, ổn định

Quyết định 1639 của UBND thị xã La Gi ban hành để giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Viết Vàng. Theo đó, năm 2011 ông Nguyễn Viết Vàng gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Hoàng Văn Quang lên UBND phường Bình Tân, thị xã La Gi. Vụ việc đã được UBND phường Bình Tân hòa giải nhưng không thành. Sau đó ông Nguyễn Viết Vàng tiếp tục gửi đơn lên UBND thị xã La Gi để được xem xét giải quyết.

Ông Vàng cho rằng nguồn gốc đất tranh chấp với ông Hoàng Văn Quang là do ông khai phá vào cuối năm 1989, đầu năm 1990. Đến năm 1992, gia đình ông chuyển ra khu vực Đồi Dương để buôn bán. Năm 1995, ông Vàng nộp đơn xin xác minh quyền sử dụng đất được UBND xã Tân Bình (cũ), nay là phường Bình Tân ký xác nhận ngày 10/11/1995. Năm 2003, ông Vàng phát hiện ông Hoàng Văn Quang lấn đất của gia đình nên ông gửi đơn khiếu nại đến UBND xã Tân Bình (cũ) nhưng chưa được giải quyết. Còn ông Hoàng Văn Quang cho rằng diện tích đất tranh chấp do ông khai phá từ năm 1992, đến năm 1993 thì làm nhà tạm và sân phơi. Năm 2006, vợ chồng ông Quang đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Vàng tranh chấp. Các năm 2005, 2008 ông Nguyễn Viết Vàng gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền để giải quyết tranh chấp đất đai nhưng không thành.

Để giải quyết vụ việc, các ngành chức năng thị xã La Gi đã làm việc với những người sống lâu năm tại khu vực đất tranh chấp, kết quả cho thấy diện tích đất mà ông Nguyễn Viết Vàng và ông Hoàng Văn Quang đang tranh chấp có nguồn gốc: Vào cuối năm 1989 đầu năm 1990, ông Nguyễn Viết Vàng đến chiếm sử dụng làm nhà tạm để ở. Đến năm 1993, ông Vàng ra khu vực Đồi Dương làm nhà để buôn bán nhưng vẫn còn lui tới căn nhà này. Năm 1994, căn nhà bị sập thì ông Vàng không  còn sử dụng đất cho đến nay. Đến năm 1997, ông Hoàng Văn Quang mới đến khu vực này để làm nhà tạm và sân phơi cá heo. Từ năm 2000, ông Quang cho vợ chồng ông Nguyễn Yên ở cho tới nay. Từ trước tới nay không thấy ông Quang và ông Vàng trồng keo lá tràm trên diện tích đất trên. Nếu có trồng thì cũng bị chết hoặc bị trâu, bò giẫm đạp. Số keo lá tràm có trên đất là do vợ chồng ông Nguyễn Yên trồng để lấy bóng mát. Tại buổi làm việc với tổ xác minh của UBND thị xã La Gi, ông Huỳnh Ngọc Phước, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình (cũ) công nhận chữ ký trong đơn xin xác minh quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Viết Vàng đề ngày 10/11/1995 là do ông ký. Nhưng nội dung chỉ xác nhận ông Vàng là công dân cư trú tại xóm 19, thôn Tân Lý, xã Tân Bình chứ không xác nhận nguồn gốc đất đai, nhà cửa của ông Vàng. Các ngành chức năng thị xã La Gi cũng xác định: Từ năm 1994 đến nay, ông Nguyễn Viết Vàng không quản lý sử dụng khu đất tranh chấp. Đồng thời từ năm 2000 đến nay, ông Hoàng Văn Quang cũng không quản lý sử dụng khu đất nói trên. Mặt khác, từ trước đó đến thời điểm tranh chấp (2006), trong hồ sơ địa chính không có tên ông Nguyễn Viết Vàng và Hoàng Văn Quang, chứng tỏ 2 ông không kê khai quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Từ những căn cứ trên, UBND thị xã La Gi ra quyết định không chấp thuận nội dung đơn của ông Nguyễn Viết Vàng tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Hoàng Văn Quang diện tích 1.240,7m2 tại khu phố 6, phường Bình Tân, thị xã La Gi. Đồng thời UBND thị xã La Gi cũng thu hồi diện tích đất 1.240,7 m2 giao cho UBND phường Bình Tân quản lý theo Điều 38, Luật Đất đai năm 2003.

Từ kết quả xác minh của ngành chức năng thị xã La Gi cho thấy, bắt đầu từ năm 1992 ông Nguyễn Viết Vàng đã không sử dụng cũng như không thực hiện việc sản xuất trên khu đất mà ông tranh chấp với ông Hoàng Văn Quang. Cũng theo kết quả xác minh của ngành chức năng thị xã La Gi làm việc với những người sống lâu năm ở khu vực đất tranh chấp, thì vào năm 1997 ông Hoàng Văn Quang đến khu đất trên dựng trại phơi cá heo. Đến năm 2000, ông Quang cho ông Nguyễn Yên ở và canh tác trên khu đất này cho đến nay. Như vậy, từ năm 1997 đến nay, khu đất của ông Hoàng Văn Quang vẫn có người sử dụng liên tục và có canh tác trên đất.  

Thu hồi đất dựa vào khoản nào trong Điều 38?

Ông Võ Văn Mùa (người được ông Nguyễn Yên ủy quyền) cho biết: Việc UBND thị xã La Gi ra quyết định không chấp thuận nội dung đơn của ông Nguyễn Viết Vàng tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Hoàng Văn Quang diện tích 1.240,7m2 tại khu phố 6, phường Bình Tân là đúng. Vì ông Vàng đã không sử dụng diện tích đất này từ năm 1992. Tuy nhiên việc UBND thị xã La Gi ra quyết định thu hồi diện tích đất trên là không đúng với nguồn gốc sử dụng đất, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của ông Nguyễn Yên, người đang canh tác trên khu đất này từ năm 2000.

Theo kết quả xác minh của ngành chức năng thị xã La Gi thì năm 1992 ông Nguyễn Viết Vàng chuyển ra sinh sống tại khu vực Đồi Dương. Đến năm 2003, ông Nguyễn Viết Vàng phát hiện mảnh đất trên đã được ông Hoàng Văn Quang sử dụng thì mới nộp đơn lên UBND xã Bình Tân đề nghị giải quyết. Như vậy từ năm 1992 đến năm 2003, ông Nguyễn Viết Vàng đã không tới khu đất trên để canh tác nên mới không phát hiện sự việc trên. “Khi ông Quang đến khu vực trên để dựng trại phơi cá heo thì ông Vàng đã bỏ khu đất trên đi nơi khác sinh sống và không có nhu cầu sử dụng khu đất này. Theo quy định tại Điều 38, Luật Đất đai năm 2003 thì sau 18 tháng không canh tác ông Vàng đã không còn là chủ khu đất. Khi ông Quang đến đây thì khu đất này đã trở lại tình trạng hoang hóa. Ông Quang đã phải bỏ công sức khai hoang, chặt cây, làm sân phơi. Như vậy phải tính khu đất này do ông Quang khai hoang chứ không phải đất lấn chiếm”, ông Võ Văn Mùa cho biết.

Ở một khía cạnh khác, sau khi khai hoang đến năm 2000, ông Hoàng Văn Quang cho ông Nguyễn Yên ở và canh tác trên khu đất ông đã khai hoang năm 1997. Từ đó đến nay, ông Nguyễn Yên vẫn sử dụng ổn định và canh tác trên diện tích này và không xảy ra tranh chấp với ai. Tại thời điểm các ngành chức năng thị xã La Gi kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, thì trên đất có 15 cây keo lá tràm cao khoảng 4 - 5m và 7 cây keo lá tràm lớn mọc rải rác trên đất, cao khoảng 5 - 6m, đường kính 20 - 25cm. Số keo lá tràm này được các cụ sống lâu năm ở khu vực này xác định với UBND thị xã La Gi là do ông Nguyễn Yên trồng. Ngoài ra, trên đất còn có 1 căn nhà xây cấp 4: diện tích 35,6 m2 do ông Nguyễn Yên xây dựng năm 2010 và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính ngày 28/1/2013. “Dù ông Hoàng Văn Quang không trực tiếp sử dụng nhưng ông Nguyễn Yên đã thay ông Quang canh tác trên mảnh đất này. Bằng chứng là số lượng cây trên đất. Năm 2001, ông Hoàng Văn Quang đã bán khu đất này cho ông Yên. Khi ông Yên làm hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, bà Lê Thị Minh Tâm là vợ ông Quang vẫn ký xác nhận điều này. Bên cạnh đó, năm 2013, khi UBND thị xã La Gi lập biên bản vi phạm hành chính với ông Yên về xây dựng không phép, tại sao UBND thị xã không hướng dẫn người dân kê khai đất theo quy định. Lẽ ra, với chức năng nhiệm vụ được giao, khi phát hiện vụ việc, UBND phường Bình Tân phải hướng dẫn người dân kê khai. Nhưng họ lại không làm việc này dẫn đếnnhà nước bị thất thu thuế và ông Yên cũng không được công nhận chủ sở hữu trên mảnh đất mà mình đã ở hơn 10 năm. Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 182/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định rất rõ về trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất. Tại sao UBND phường Bình Tân không áp dụng?” ông Mùa đặt vấn đề.

Ngoài ra, trong đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngày 24/5/2015 của ông Nguyễn Yên, tại phần II, UBND phường Bình Tân xác nhận nguồn gốc sử dụng đất như sau: “1. Nội dung kê khai so với hiện trạng: Nội dung kê khai trong đơn không phù hợp với hiện trạng; 2. Nguồn gốc đất: do ông Trần Định khai phá và sử dụng từ năm 1989 đến năm 1994 thì ông Định không sử dụng để đất trống đến năm 1997 thì ông Quang đến sử dụng phơi cá, đến năm 2000 ông Quang cho ông Yên sử dụng trồng cây trên đất này cho đến nay”. “Điều này chứng tỏ, ông Yên có quá trình sử dụng đất lâu dài, được chính quyền sở tại công nhận. Vậy sự chênh lệch diện tích giữa nội dung kê khai và hiện trạng đất của ông Nguyễn yên đăng ký là bao nhiêu, điều này vẫn chưa được các ngành chức năng thị xã la Gi giải quyết trả lời cho người dân…”, ông Võ Văn Mùa cho biết.

Đặc biệt, trong Quyết định 1639 ở phần quyết định nêu nội dung rất chung chung là: Căn cứ Điều 38, Luật Đất đai năm 2003 thu hồi diện tích 1.240,7 m2 đất trên giao UBND phường Bình Tân quản lý. Nhưng tại Điều 38, Luật Đất đai có tới 12 khoản, quy định từng trường hợp cụ thể bị thu hồi đất. Vậy trường hợp này bị thu hồi dựa vào khoản nào trong Điều 38, Luật Đất đai năm 2003? “Việc UBND thị xã La Gi ban hành Quyết định 1639 không chấp nhận nội dung đơn của ông Nguyễn Viết Vàng với ông Hoàng Văn Quang là đúng. Tuy nhiên, việc UBND thị xã La Gi thu hồi diện tích trên là không phù hợp, chưa xem xét đến quyền lợi của người đang trực tiếp sử dụng đất. Bên cạnh đó, khu đất hiện tại là nơi ở duy nhất của gia đình ông Yên. Vì vậy, việc thu hồi sẽ đẩy gia đình ông Yên vào cảnh không nhà. Tôi đề nghị UBND thị xã La Gi xem xét, thu hồi một phần quyết định 1639”, ông Võ Văn Mùa kiến nghị…

Điều tra: NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị xem xét lại Quyết định 1639 của UBND thị xã La Gi