Theo dõi trên

Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội

09/03/2020, 14:22

BT- Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển văn hóa là vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người là để phát triển văn hóa…

                
Ảnh: Đ.Hòa

Tại Bình Thuận, trong những năm qua, lĩnh vực văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo. Công tác thông tin tuyên truyền, cổ động được đẩy mạnh, thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ có hiệu quả thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và quê hương. Nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng tốt, được nhân dân đón nhận, khen ngợi như chương trình nghệ thuật đón giao thừa tết Nguyên đán, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi Đờn ca Tài tử cải lương và ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Bình Thuận, chương trình sân khấu nhạc nước Huyền thoại Làng Chài, Công viên Tượng Cát... Bên cạnh các hoạt động cấp tỉnh, các hoạt động văn hóa hướng mạnh về cơ sở, đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, trong đó có chú trọng phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo của tỉnh. Ngành văn hóa phối hợp với các địa phương xây dựng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh, duy trì tổ chức các lễ hội tiêu biểu và nâng tầm các lễ hội truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa dân. Các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa phong trào đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, so với những thành quả của Bình Thuận trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh… thì trong lĩnh vực văn hóa chưa thật sự rõ nét. Đời sống văn hóa tinh thần ở một số nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. 

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), tiến tới xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển vǎn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Phải coi trọng xây dựng vǎn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vǎn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước; phải chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập. Ngành văn hóa cần tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp hướng về cơ sở, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, thông tin lưu động, chiếu phim, luân chuyển sách, liên hoan, hội thi, hội diễn đảm bảo hiệu quả, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần giảm sự chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng đô thị với vùng nông thôn và các xã miền núi, hải đảo của tỉnh; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, quyết tâm xây dựng, phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội