Theo dõi trên

Đoàn thanh niên giữa vòng xoáy dịch! 

17/02/2020, 09:42

BT- Số người Việt Nam nhiễm dịch bệnh Covid-19 tính đến sáng ngày 15/2 chỉ có 16  ca nhưng số trường hợp đăng tin sai sự thật trên trang cá nhân của mạng xã hội được ngành chức năng phát hiện và xử lý gấp nhiều lần. Nhiều người cho rằng, dịch từ thông tin nhiễu, sai gây hại còn hơn cả bệnh dịch. Đa số những nội dung sai lệch về dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang cho cộng đồng đến từ thanh niên. Vậy tổ chức của tầng lớp này đã làm gì trong vòng xoáy này?

                
Lê Bá Hưng trao đổi với bạn bè về truyền    thông trên mạng xã hội.

 “Trời! Chắc ở nhà luôn. Không đi đâu hết”; “Mới có mấy ngày mà mấy trăm người chết rồi. Kinh khủng quá!”; “Người ta ra chợ, ra siêu thị gom hết gạo, thịt về để dành rồi, tranh thủ thôi. Mấy ngày nữa là cấm ra đường luôn. Tình hình này chắc chết quá!” hay “Địa phương X. đã có người chết vì dịch bệnh Covid-19 rồi. Không ai biết vì người ta giấu thôi. Hãi hùng quá đi!”...

Những nội dung gây nhiễu loạn cộng đồng, hoang mang xã hội như vậy xuất hiện tràn ngập không ít cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội kể từ khi có dịch bệnh Covid-19. Có thể nói, rất nhiều nội dung sai lệch được phát sinh, phát tán từ các bạn trẻ. Trong đó có cả học sinh, sinh viên. Một phụ huynh từng hốt hoảng khi con của mình hỏi, có phải dịch bệnh Covid-19 là do người Trung Quốc ăn súp dơi bị “dính” rồi lây lan cho cả thế giới không?. Đây là lứa tuổi đang tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm sống chưa nhiều, chưa phân biệt được nguồn tin nhưng lại dễ bị lây nhiễm, cuốn theo lời đồn hay thông tin nhạy cảm nào đó. Vì vậy việc phát tán những thông tin không đúng, gây nhiễu từ lứa tuổi này cũng diễn ra với tần suất nhanh hơn các thành phần khác.

Mới đây, khi UBND tỉnh Bình Thuận chưa có quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ thêm 1 tuần, trên mạng đã xuất hiện văn bản ghi UBND tỉnh ký quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ thêm 1 tuần. “Một bạn đã gửi văn bản cho em hỏi, có phải vậy không. Đọc kỹ văn bản em thấy, người có ý kiến chỉ đạo là PCT UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền, trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận không có ai tên đó cả. Đọc kỹ, em phát hiện thêm nhiều sai sót về thể thức văn bản nên em mạnh dạn trả lời cho bạn biết đó là văn bản giả mạo của người có ý đồ xấu. Sau đó em lưu ý các điểm sai của văn bản và đăng lên trang cá nhân của mình để cảnh báo cho nhiều người” -  lớp trưởng Lê Bá Hưng (12C12, Trường THPT Phan Bội Châu, Phan Thiết), học sinh có trang cá nhân trên facebook với 1.737 người theo dõi, kể lại một sự việc mà mình từng xử lý.

Thừa nhận, tin fake từ các bạn trẻ gây hoang mang cộng đồng cả trong mạng lẫn ngoài xã hội là không ít, thậm chí là tràn ngập, ông Trần Sinh Toàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận cho biết: Kể từ khi có dịch, nhận được sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nhận định, mạng xã hội là môi trường lây lan, phát tán thông tin sai lệch rất nhanh và rất nguy hiểm, cần phải có ý kiến chính thống, định hướng đúng nên chúng tôi tăng cường và cập nhật kịp thời thông tin, cảnh báo từ các nguồn chính thống đăng tải trên website trên trang facebook của Tỉnh đoàn. Đồng thời chỉ đạo cho hệ thống các Đoàn cơ sở trực thuộc phát huy mạnh mẽ hoạt động của các câu lạc bộ, các đội nhóm tăng cường truyền thông miệng, truyền thông trên mạng xã hội bằng trang cá nhân của mỗi người với tinh thần “đấu tranh” không mệt mỏi. Ông Trần Sinh Toàn cho biết thêm: Hội doanh nhân trẻ Bình Thuận đã hỗ trợ kinh phí để lực lượng thanh niên phát miễn phí trên 30.000 khẩu trang cho người dân tại những nơi đông người như: khu công nghiệp, chợ, bến xe…; qua đó phổ biến những nội dung mới nhất về dịch cho người dân hay. “Có đi phát khẩu trang miễn phí tại chợ mới thấy còn nhiều người hiểu sai về dịch bệnh Covid-19. Họ còn đồn thổi nhiều chuyện rất phi lý dễ làm cho người dân lo sợ lắm. Vì vậy, khi có điều kiện, tôi vẫn tiếp tục mang thông điệp tích cực đến cho người dân - Huỳnh Hải Thạch, một thủ lĩnh thanh niên ở Tuy Phong chia sẻ.  

“Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ chấp nhận thông tin của mình ngay. Khi chúng tôi truyền thông trên mạng, nhiều người, có cả các bạn trẻ dè bỉu, cho rằng đó là rỗi hơi, thích làm nổi. Nhưng Đoàn thanh niên xác định rõ, đây là cuộc chiến lâu dài nên phải kiên trì đến khi hết dịch thì thôi. Một thông tin đúng sẽ giúp rất nhiều người bớt ảnh hưởng, bớt thiệt hại đi…”, Phó Bí thư Thành đoàn Phan Thiết – Nguyễn Văn Nghị khẳng định như vậy.

CHÂU HẢI PHÚ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn thanh niên giữa vòng xoáy dịch!