Theo dõi trên

Đôi vợ chồng chiến sĩ

21/12/2018, 10:56

BT- Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, anh Nguyễn Thanh Đồng vinh dự có mặt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

                
Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Duy Thỉnh.

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết, anh cùng đồng đội tạm biệt gia đình, người thân lên đường tập kết ra Bắc và ít lâu sau đó, năm 1959 anh cùng một số đồng đội được điều động  vào chiến trường cực Nam Trung bộ.

Ngày 25/5/1960, anh được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy cùng 4 đồng chí phục kích đánh tiêu diệt tiểu đội biệt kích Mỹ tại La Hoang, bắt tù binh, thu vũ khí, bảo vệ đồng bào vùng căn cứ miền núi lúc bấy giờ.

Gần 4 năm chiến đấu, công tác ở chiến trường Bình Thuận, anh  tìm mọi cách nhờ cơ sở, đồng đội bắt liên lạc với gia đình chị Xê (vợ anh) để đưa chị ra rừng. Năm 1963, chị Xê rời gia đình, thoát ly ra rừng hoạt động cùng chồng. Chị được bố trí vào Ban hậu cần của Tỉnh đội; còn anh Đồng ở các đơn vị tập trung của tỉnh. Từ lúc này, hai người vừa là vợ chồng, vừa là đồng chí, đồng đội của nhau, cùng nhau trên một chiến hào chống Mỹ.

Nói đến chiến tranh là nói đến sự tàn khốc, sự ác liệt, là nói đến gian khổ, hy sinh… giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nỗi lo của người hậu phương đối với người ở mặt trận, ở tuyến trước lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Tâm trạng ấy càng đậm nét đối với đôi vợ chồng: anh Đồng, chị Xê. Thương nhau lắm nhưng biết làm sao khi anh ở mặt trận hàng ngày, hàng giờ giáp mặt với cái chết để giành lại sự sống, còn chị ở tuyến sau. Họ chỉ gửi đến nhau tình cảm vợ chồng qua những lá thư động viên, thăm hỏi và chúc nhau hoàn thành nhiệm vụ. Thỉnh thoảng từ chiến trường về tỉnh họp, anh ghé qua Ban hậu cần thăm chị trong chốc lát rồi lại vội vã ra đi để lại chị nỗi nhớ mong.

 Tình cảm vợ chồng của người trong chiến tranh quý giá vô cùng, nó được tính bằng ngày, bằng giờ. Tình cảm đó vô cùng mãnh liệt và thủy chung và chính trong cuộc sống khó khăn ấy một niềm vui vô hạn  đến với anh. Năm 1968, chị Xê sinh cho anh một cháu trai mạnh khỏe, khôi ngô và đặt tên cháu là Nguyễn Thanh Minh. Theo chị, Thanh Minh có nghĩa là trong sáng, đồng thời là tên cháu và tên cha nếu ghép lại thành hai chữ: Đồng – Minh, có nghĩa là cùng một chí hướng cao đẹp. Việc đặt tên cho con và ý nghĩa của nó thể hiện tình thương của chị đối với anh, của người vợ đối với chồng thương yêu.

Niềm vui đến với anh Đồng chẳng được bao lâu,  tai họa đã đổ ập xuống đối với anh. Chị Xê, vợ anh vì nhiệm vụ đã mất. Anh mang trong mình nỗi đau: vợ mất, con chưa đầy 2 tháng tuổi… trong khi đó chiến trường luôn ác liệt, đâu có điều kiện để anh chăm sóc, nuôi dưỡng con… Sau nhiều đêm suy nghĩ, được sự góp ý của đồng đội, anh đi đến quyết định tìm cách đưa cháu về vùng địch chiếm, nhờ họ hàng nuôi (hiện nay cháu Minh đã trưởng thành, có gia đình riêng tại Phan Thiết).

Năm 1969, anh Đồng về công tác tại phòng chính trị Tỉnh đội Bình Tuy. Và đến tháng 11/1974, anh lập gia đình với chị Tuyết ở chiến khu. Sau hòa bình, đến năm 1987 chị nghỉ hưu, còn anh tiếp tục công tác đến 1988. Hai anh chị sinh được 3 cháu, 2  trai và 1  gái, đều đã trưởng thành.

Hơn 40 năm trong đời binh nghiệp, anh  trải qua các chức vụ: đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, huyện đội trưởng. Ở mỗi cương vị đảm nhiệm, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, quân đội, nhân dân giao phó.

Hiểu về anh bởi tôi có nhiều năm tháng chiến đấu, công tác cùng anh. Tôi lại càng quý anh hơn, khi trở về đời thường, dù tuổi  cao, sức yếu, nhưng nếp sống, sinh hoạt trong con người anh vẫn toát lên vẻ đẹp của người lính và vẫn còn nguyên vẹn bản chất bộ đội Cụ Hồ. Anh xứng đáng nhận danh hiệu 60 năm tuổi Đảng, là tấm gương cho chúng tôi noi theo. Tình bạn, tình đồng chí, tình anh em của chúng tôi  mãi mãi không phai nhạt. 

Đại tá: Nguyễn Thành Tâm

(Nguyên Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Bình Thuận)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi vợ chồng chiến sĩ