Theo dõi trên

Du lịch Bình Thuận: Góp phần đưa Việt Nam thành “Điểm đến hàng đầu châu Á”

18/01/2020, 14:40 - Lượt đọc: 13

BT- Du lịch Việt Nam là điểm đến lôi cuốn du khách với 3.000 km đường bờ biển, những bãi biển thơ mộng, phong cảnh đa dạng, các thành phố năng động cùng với giá trị văn hóa và lịch sử. Trong những năm qua, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mỗi năm 15% so với mức 5% của toàn Đông Nam Á. Đặc biệt vào năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên được bầu chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á” trong lễ trao giải du lịch thế giới World Travel Awards.

Thế mạnh sẵn có

Với vị trí địa lý ở phía Tây Nam và cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 4 giờ xe chạy về phía Đông, Bình Thuận có nhiều tài nguyên và tiềm năng trở thành một nguồn động lực phát triển du lịch then chốt cho Việt Nam. Chúng ta có 192 km đường bờ biển, thời tiết quanh năm ổn định, chịu ít ảnh hưởng mưa bão hơn so với các tỉnh khác với nhiều điểm du lịch tự nhiên và văn hóa…

Bình Thuận với đặc thù nhiều nắng và gió, Mũi Né trở thành nơi hội tụ của các tay đua lướt ván diều nổi tiếng thế giới đến từ các nước Anh, Pháp, Nga, Đức, Úc. Ảnh: Đình Hòa

TP. Phan Thiết đã được quốc tế biết đến như một thiên đường lướt ván diều và trong tỉnh có những đồi cát đỏ và trắng độc đáo, hiếm có trên thế giới. Với vị trí gần TP. Hồ Chí Minh, nhiều du khách nội địa đi nghỉ cuối tuần ở Bình Thuận để thưởng thức hải sản, nghỉ tại các cơ sở lưu trú giá cả hợp lý và tận hưởng những bãi tắm đẹp... Về doanh thu thì khi so sánh với doanh thu du lịch của cả nước thì Bình Thuận chiếm 2,1%. Đặc biệt từ năm 2020, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào GDP ở mức trên 10%; để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đã định hướng phát triển nhiều khu vực trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia đến năm 2030 và Bình Thuận là một địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, qua đó Bình Thuận đã được định hướng trở thành vùng du lịch trọng điểm và TP. Phan Thiết trở thành đô thị du lịch trọng điểm. Nếu được phát triển bài bản, du lịch có thể được mở rộng để thể hiện một cách tự nhiên bản sắc sinh hoạt thường nhật của tỉnh để tạo ra một môi trường tươi đẹp phù hợp cho cả người dân địa phương cũng như du khách.

Hướng đi cần thiết

Với thế mạnh sẵn có, song Bình Thuận vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn phải vượt qua để phát huy tối đa tiềm năng du lịch. Dù có giao thông, kết nối tương đối đầy đủ cho các du khách nghỉ cuối tuần từ những tỉnh, thành lân cận, thời gian đi lại và điều kiện giao thông vẫn là một thách thức đối với du khách quốc tế và du khách nội địa từ các tỉnh, thành xa hơn. Công tác quản lý môi trường của tỉnh hiện chưa hiệu quả. Tác động từ biến đổi khí hậu là một thách thức dẫn tới tình trạng xâm thực diễn ra tại các bãi biển xinh đẹp của Bình Thuận, đây là một vấn đề cần được kiểm soát. Năng lực dịch vụ để có thể hỗ trợ du khách một cách chưa thực sự chuyên nghiệp. Hoạt động marketing chủ yếu được thực hiện ngoại tuyến với phạm vi tiếp cận thấp; đồng thời, phạm vi tiếp cận của các kênh trực tuyến cũng còn hạn chế…

Đi dọc theo Suối Tiên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đủ hình thù kỳ thú do thiên nhiên tạo thành. Ảnh: Đình Hòa

Do vậy để Bình Thuận thực sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chúng ta phải nắm bắt một cách đầy đủ cơ hội phát triển ngành du lịch của mình, phải khai thác tốt tài nguyên du lịch tự nhiên như đòn bẩy gắn với phát triển cơ sở hạ tầng và các điểm tham quan chính; đồng thời đề xuất giá trị khác biệt để thực sự nổi bật trong những lựa chọn, cả tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu cạnh tranh như hiện nay.

Bước đi cụ thể

Vấn đề đầu tiên, tỉnh phải tập trung vào các chủ đề cốt lõi được chọn nhằm phát huy thế mạnh cạnh tranh của tỉnh so với các điểm đến khác trên cơ sở dựa vào các tiềm lực nội tại và tập trung theo đuổi, đó là: phát triển du lịch biển và giải trí, du lịch thám hiểm và thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng…

Khách quốc tế tham quan tìm hiểu di tích tháp Chăm Po Sah Inư. Ảnh: Đình Hòa

Để phát triển được những vấn đề này, ngoài việc tiếp tục duy trì những phân khúc du khách hiện hữu, Bình Thuận sẽ cần đáp ứng được các phân khúc du khách mới; các phân khúc du khách hiện có đã bao gồm du khách từ thành phố đi nghỉ cuối tuần, du khách quốc tế yêu thích thể thao, giải trí... kèm theo đó chúng ta phải phát triển các sản phẩm dịch vụ và cơ sở hạ tầng cần có để hỗ trợ các đối tượng khách hàng khác nhau, qua đó tạo ra một hệ sinh thái du lịch đa dạng để đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng du khách khác nhau. Bên cạnh đó, Bình Thuận phải xây dựng cho được chương trình quản lý môi trường, tăng cường bảo vệ các bãi biển chính để phát huy cao nhất hình ảnh du lịch xanh, sạch, đẹp của tỉnh nhà, phải xây dựng một chiến lược tài chính hiệu quả và kêu gọi vốn từ nhiều nguồn khác nhau, quan tâm và có chế độ chính sách phù hợp để tập hợp một đội ngũ chuyên trách tài năng. Chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư để thu hút nhiều dự án phát triển du lịch, các nhà đầu tư vào các sản phẩm dịch vụ mới và cơ sở hạ tầng tốt hơn… Đích đến mà du lịch Bình Thuận hướng tới thực sự là rất đẹp, nhưng để đi tới đó, Bình Thuận sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại; một số có thể dự báo trước và một số khác có thể khiến chúng ta bất ngờ. Song trước mắt, nếu chúng ta thực hiện tốt những giải pháp trên, Bình Thuận sẽ dần trở thành nơi “đáng đến”, “đáng lưu lại” và “đáng trở lại” của du khách trong và ngoài nước… và như vậy chúng ta đã góp phần giữ vững thương hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” mà Việt Nam đã được vinh danh.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Bình Thuận: Góp phần đưa Việt Nam thành “Điểm đến hàng đầu châu Á”