Theo dõi trên

Đừng “rẻ rúng” sự sống sau những chầu nhậu!

02/11/2018, 10:44 - Lượt đọc: 3

BTO- Những ngày qua, dư luận bất bình trước sự việc người phụ nữ gây tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng ở ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) đêm 21/10/2018. Vụ tai nạn khiến 1 người tử vong và nhiều người bị thương. Đáng chú ý, chị này lái xe trong tình trạng nồng độ cồn trong hơi thở cao gần 4 lần so với mức cấm đối với người điều khiển xe ôtô. Nhưng thử nhìn lại xung quanh mình, nhiều người sẽ không khỏi giật mình khi hình ảnh những “bợm nhậu” lái xe trong tình trạng đã ngà ngà, chuếnh choáng hơi men đang diễn ra như “cơm bữa”...

                
      Kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh minh hoạ)

Vào mỗi buổi tối, dạo một vòng quanh TP. Phan Thiết, nhất là các tuyến đường trung tâm, dù là thời điểm trong tuần hay cuối tuần, các quán nhậu vẫn tấp nập người ra, kẻ vào. Sau một ngày làm việc, phần lớn cánh đàn ông chọn cách giải trí bên bàn nhậu và dường như đã trở thành “văn hóa”. Thế nhưng, sau khi nhậu “quắc cần câu”, họ vẫn có thể loạng choạng trèo lên xe gắn máy hoặc chui vào xe ô tô để điều khiển. Ai can ngăn thì họ thường gạt đi và nói: “Tôi đã say đâu...”. Hôm sau tỉnh rượu, có thể họ không nhớ nổi vì sao mình có thể lái xe về được đến nhà, thậm chí còn tự khâm phục mình. Cứ thế, hầu hết vẫn an toàn về đến nhà nên hôm sau vẫn vô tư uống và lái xe. Tuy nhiên, không ít người trong số đó đã vĩnh viễn không trở về hoặc phải mang thương tật cả đời sau một vụ TNGT có nguyên do từ rượu bia. Chỉ tính riêng ở tỉnh ta, từ đầu năm đến nay xảy ra 7 vụ TNGT liên quan đến rượu, bia, chiếm 2,3% tổng số vụ. Qua tuần tra, kiểm soát lực lượng Cảnh giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 685 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, trong đó có 17 xe ô tô tải, 19 xe ô tô con và 649 xe mô tô.

Theo nghị định 46/2016/NĐ-CP, ở mức cao nhất, người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 - 4 tháng. Đối với người điều khiển ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, bị tước Giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng. Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi lái xe mà trong người có nồng độ cồn nhưng chỉ dừng ở mức phạt hành chính là quá nhẹ so với hậu quả có thể xảy ra. Từ đó người điều khiển phương tiện có tâm lý “nhờn luật”, xem thường tính mạng của chính mình và người khác. Có ý kiến cho rằng, cần phải xem xét nâng chế tài xử phạt, đưa hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe vào Bộ luật Hình sự thì mới đủ sức răn đe. Phải để cả xã hội nhận thức rằng, hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia là hành vi thiếu văn hóa và tiềm ẩn tội ác.

                
      Ảnh minh hoạ

Về quan điểm trên, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ông Khuất Việt Hùng cho rằng, hiện nay có nhiều nước đã hình sự hóa lỗi uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, mỗi nước có điều kiện khác nhau, môi trường thực thi pháp luật hình sự khác nhau. Riêng với Việt Nam thì không phù hợp. Ông đồng tình với việc duy trì chế tài mạnh, xử phạt bổ sung với tài xế uống rượu bia như thêm hình phạt lao động công ích, hoặc phải học lại mới trả bằng lái. “Quy định hiện đã đủ mạnh, quan trọng là thực thi thế nào” - ông Hùng nói.

Có thể khẳng định, không có hình thức chế tài nào hay thiết bị đong đo nào có thể thay thế ý thức của từng người. Mỗi người hãy tự nhớ rằng, đằng trước và đằng sau tay lái, vô lăng đều là những cuộc đời, là số phận của những gia đình, là bình yên của xã hội. Hãy đừng rẻ rúng sự sống, đừng tự xóa đi hạnh phúc của chính mình bằng những chầu nhậu rồi ra về lất khất sau tay lái. 

K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng “rẻ rúng” sự sống sau những chầu nhậu!