Theo dõi trên

Gặp cựu chiến binh Tiểu đoàn Lá Bép

27/07/2018, 16:08

BT- Lạc Tánh, một trưa tháng 7 mưa dầm, tôi ngồi trò chuyện với ông Tư Hào (Đào Ngọc Hào) (ảnh), nghe ông kể về một thời làm bộ đội Cụ Hồ của mình, trong đó có một thời được chiến đấu trong Tiểu đoàn Lá Bép (D 186).

Chính nhờ những chiến công vang dội trên đất cực Nam Trung bộ gắn với cái thời cơ khổ “lá bép sống qua ngày” ấy mà Tiểu đoàn Lá Bép - 186 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và ông Tư Hào, sinh ngày 1/10/1940, là cựu chiến binh Tiểu đoàn Lá Bép cuối cùng còn sống của Bình Thuận cũng vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng nhì.

Kết nạp Đảng bên gốc cây

Theo ông Tư Hào, người gọi tên Tiểu đoàn Lá Bép đầu tiên là nhà văn Nam Hà. Trong một lần ông về phỏng vấn chiến sĩ Quỳnh đánh xe tăng bằng súng AK báng đỏ… Đó là vào những năm đầu 1960, bộ đội ta đói quá, người ốm, mắt sâu, kiệt sức mà lương thực của đường dây tiếp tế chưa tới được, ngay cả cái công thức hàng ngày 4M, (tức mì, măng, môn, muối), cũng không còn nữa. Bà con dân tộc thiểu số thấy vậy nên hái đem cho một loại lá và chỉ cho cách nấu với đọt mây trong ống lồ ô gọi là canh thụt và cũng chỉ luôn cho cách nhai sống trong những lúc chiến đấu không đun lửa được. Chính nhà văn Nam Hà đã cùng ăn lá bép với chiến sĩ trong những ngày này, xúc động quá nên ông gọi tên Tiểu đoàn 186 là Tiểu đoàn Lá Bép, là tiểu đoàn quân số thiếu phải bổ sung thêm quân ở địa phương được miền Bắc chi viện quân khu VI vào tháng 8/1961.

Ngày ấy, ông Tư Hào mới 21 tuổi là một chiến sĩ khỏe mạnh trong tiểu đoàn nhưng cũng có lúc muốn rã rời thân thể vì đói. Nhớ lại ngày đầu đi thoát ly, ông Tư Hào từ giã vợ với một bộ quần áo mới may và một cái võng dù cuộn bỏ trong cái giỏ tre giả đi câu cá. Vậy mà rồi biền biệt phải 10 năm sau mới liên lạc lại được, lúc bấy giờ bất ngờ Tiểu đoàn Lá Bép hành quân qua khu rừng Hàm Phú, là nơi làm ruộng của cha vợ. Người vợ thân yêu luôn chờ tin chồng đã bắt được liên lạc và gửi cho ông một cái đài (radio) hiệu Panasonic, dùng 4 pin trung. Cái đài này hiện ông Tư Hào còn giữ như một kỷ vật vô  giá. Nhờ cái đài này mà trung đội ông luôn nghe được tin tức từ miền Bắc xa xôi. Theo các bước hành quân đánh trận của Tiểu đoàn Lá Bép, ông Tư Hào đi khắp các vùng Tây nguyên, quân khu VI, từ Blao, Di Linh, Bình Thuận đến tận cánh đồng Chó Ngáp, Trung ương Cục miền Nam. Tiểu đoàn Lá Bép nhiều lần được Tư lệnh Quân khu Năm Ngà (tướng Nguyễn Minh Châu) khen ngợi.” Ông Tư tự hào nói với chúng tôi như thế.

Ông Tư Hào được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25/5/1969. Bên một gốc cây bằng lăng, lá cờ Đảng và ảnh Bác Hồ được treo lên thẳng thớm, ông Tư đứng nghiêm trang trong bộ đồ tự nhuộm bằng vỏ cây dừng, quay mặt về hướng cờ Đảng và Bác, một bàn tay nắm chắc đưa lên tuyên thệ, lời tuyên thệ xuất phát từ lòng trung thành tuyệt đối và quyết tâm vì dân, vì nước, vì Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mặc dù lúc ấy chỉ có Đại đội trưởng và Chính trị viên Đại đội nhưng sự thiêng liêng của buổi lễ kết nạp Đảng còn ấn tượng với ông mãi đến bây giờ.  

Tinh thần Lá Bép

Cũng nên nói thêm cho rõ: Tháng 8/1961, miền Bắc chi viện vào 2 khung tiểu đoàn có quân số thiếu là Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 365. Tiểu đoàn 365 nhập với Tiểu đoàn 120. Tiểu đoàn 120 sau lên đánh ở Tuyên Đức đổi tên thành Tiểu đoàn 840. Mỗi khung tiểu đoàn có 300 người, mỗi đại đội có khoảng 70 người. Tiểu đoàn Lá Bép 186 và tiểu đoàn 840 là hai đơn vị  chủ lực của khu VI (Quân khu VI là vùng đất nay thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắc Nông). “Vậy mà có lúc đại đội tôi chỉ còn 36 người. Mất mát dữ lắm, đau thương dữ lắm nhờ vậy mà con người ta trở nên kiên gan, bền chí hơn và thương yêu nhau hơn, đó là tinh thần Lá Bép.” Khi nói với chúng tôi điều này một bên má ông Tư Hào co giật liên tục, hai mắt ông chợt rướm đỏ. Ông nói tiếp: Nhiều đồng đội của tôi hy sinh trong trận đánh, tôi phải cõng xác băng rừng cả đêm để về nơi an toàn. Tội lắm, có người chôn xuống rồi vẫn bị cọp đào lên tha đi, có người bị thương không đáng phải chết nhưng thiếu thuốc men nên đành nằm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, có người vết thương có chút xíu mà bị hoại thư đành chịu cụt tay, cụt chân… Vậy đó mà chúng tôi vẫn giữ vững, vẫn đánh cho địch thất kinh hồn vía.

Ngày 1/10/1969, ông Tư Hào được đổi về Tiểu đoàn 840, rời khỏi Tiểu đoàn Lá Bép – 186 với bao kỷ niệm, với một thời gian lao mà anh dũng đã làm nên tinh thần Lá Bép vang danh mãi đến tận bây giờ. Từ năm 1976 đến năm 1993, ông Tư Hào về làm Trại trưởng Trại giam Bình Minh rồi nghỉ hưu.

Với “tinh thần Lá Bép”, ông Tư Hào lại một lần nữa kiên gan vượt khó trong những ngày tháng làm kinh tế, điều mà ông gọi là “cho trọn tình nước non, vẹn nghĩa gia đình”. Ông vay vốn mở một nhà máy làm nước đá ở thị trấn Lạc Tánh lấy tên là Nhà máy nước đá Tư Hào, sau lại mở tiếp một nhà máy ở Mê Pu, với khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng ông Tư Hào vẫn cùng với các công nhân vượt qua trụ được mãi đến ngày nay. Hiện tại, dù đã 79 tuổi, ngày ngày ông Tư Hào vẫn chăm coi các cơ sở và một khu rẫy cao su ở Lạc Tánh.

Với người vợ đưa chồng đi thoát ly ngày nào, cô Phan Thị Lan vẫn chung thủy đợi chồng dù cuộc sống gặp rất nhiều gian truân, có lúc tưởng không thể chịu nổi. Vợ chồng ông có tất cả 3 mặt con: Cô Đào Thị Huệ, Đào Ngọc Hoài và Đào Thị Ngọc Hà, tất cả đều đã thành đạt và yên bề gia thất. Nhắc đến vợ con, ông Tư cười rất tươi, ông tâm sự đó là chỗ dựa cuối cùng của ông, là niềm tự hào hiện tại mà ông có thể ngẩng mặt nói với cuộc đời, ông đã sống trọn vẹn với nước, với Đảng và với gia đình.

Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, nhì, ba, Huân chương Niên hạng nhất, nhì, ba và là người làm kinh tế giỏi, trước sau vẹn toàn, ông Đào Ngọc Hào xứng đáng là một chiến sĩ của Tiểu đoàn Lá Bép - 186 anh hùng. Chia tay với ông Tư Hào, tôi chợt nghe văng vẳng câu hát: “Trăng đã dậy rồi, khơi bếp hồng lên nhé! Lá bép rau rừng thêm ấm tình anh nuôi. Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm ngày”. Giai điệu hào hùng của cố nhạc sĩ Huy Du ấy như một thứ âm thanh quay về nặng tính hoài niệm nhưng lại nâng bước chân của người hiện tại, buộc người ta luôn nhớ và nghĩ phải sống thế nào cho xứng đáng với truyền thống của cha anh. Lá Bép giờ đây không chỉ là tên một loại lá nó còn là biểu tượng tinh thần, là ý chí gang thép, là lòng kiên định của những người kháng chiến như ông Tư Hào, như những chiến sĩ của Tiểu đoàn Lá Bép một thời ngang dọc trên đất khu VI quật cường. 

Ký Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp cựu chiến binh Tiểu đoàn Lá Bép