Theo dõi trên

Giảm nghèo và dấu ấn của truyền thông

29/08/2018, 08:39

BT- Trong 2 năm (2016  -  2017) tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3%, bình quân mỗi  năm  giảm  1,15%, đạt mục tiêu tỉnh đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,2%/năm. Những kết quả này có một phần đóng góp của công tác truyền thông về giảm nghèo.

                
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được lan tỏa    nhờ truyền thông.

Qua gần 3 năm thực hiện dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Trung ương phân bổ cho tỉnh 1,573 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 40 triệu đồng để triển khai các hoạt động liên quan đến truyền thông giảm nghèo. Từ nguồn vốn trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện hàng chục pa-nô tuyên truyền công tác giảm nghèo tại các địa bàn trong tỉnh. Cùng với đó, tổ chức nhiều cuộc đối thoại, phổ biến các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 tại các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phối hợp với Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Lao động Xã hội đưa tin về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đối với hoạt động giảm nghèo về thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông hợp đồng với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện để hỗ trợ tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác. Với nhiều chuyên mục giảm nghèo, các đài đã tập trung tuyên truyền về những mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao hay những gương thoát nghèo, vươn lên làm giàu tiêu biểu… Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình.

Đối với tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, 3 năm qua, tỉnh đã phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin cho 96 xã thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đã nâng cấp, mở rộng hệ thống phần mềm Một cửa điện tử liên thông 3 cấp; nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ; mở rộng đồng bộ hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến 127 đơn vị cấp xã; mở rộng ứng dụng chữ ký số cho các đơn vị cấp xã… Nhờ đó, thời điểm này, 96 xã đều có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông, internet; 95 xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn. Hầu hết các xã đều đạt tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy vi tính; xây dựng mạng nội bộ (mạng LAN) hoàn chỉnh và có kết nối internet tốc độ cao…

Để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn đầu tư phát triển để có thể triển khai thực hiện các nội dung như: Hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho các hộ nghèo; trang bị phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động cho huyện, xã. Đối với dự án “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh mong muốn Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí để bảo đảm đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo và dấu ấn của truyền thông