Theo dõi trên

Gian nan, nguy hiểm nhưng vẫn đam mê

21/06/2018, 10:16 - Lượt đọc: 42

BT- Không ít người cho rằng nghề báo được đi đó đi đây, biết nhiều và cũng được nhiều người  biết. Thế nhưng ít ai biết những chuyện trong nghề mà các nhà báo phải đối mặt…

                
   Tác giả trong một lần đi cầu treo tự chế    với bà con.

Gian nan và nguy hiểm

Phóng viên ở Báo Bình Thuận, nhà báo nữ chiếm khá đông, đa phần đều có gia đình. Khó nhất là mấy em có con nhỏ, mỗi lần đi công tác xa có khi 4 - 5 giờ sáng phải dậy cho kịp lịch hẹn, mùa hè trời còn sáng, đến mùa lạnh nhìn trời tối đen. Thường đàn ông đi công tác chỉ cần xách ba lô, còn chị em trước đó còn lo mua đồ ăn chế biến sẵn “để dành cho cha con nó ăn”, rồi gửi con chỗ nào cho an tâm vì “ba nó cũng đi làm xa sợ đón không kịp”. Đâu phải chuyến đi nào cũng có xe đưa đón, mà chuyện một mình một ngựa phóng xe sáng đi chiều về mệt phờ người nhưng tối vẫn phải cặm cụi mở máy viết đến khuya, để sáng kịp nộp bài cho mang tính thời sự. Nghe mấy nhà báo trẻ Thu Hà, Thanh Duyên, Kiều Hằng, Thùy Linh, Minh Vân… sau những chuyến đi mệt phờ, gặp bao khó khăn khi tiếp cận, điều tra nhưng viết được nhiều đề tài hay mang hơi thở cuộc sống, các em như quên hết bao mệt mỏi. Khó nhất là khi làm những điều tra hay phóng sự phải đến tận nơi, có khi phải giả dạng làm nghề khác để tiếp cận vụ việc, về rồi mà vẫn còn run lỡ nó biết nó đánh cho thì không biết thế nào, vì chỗ ấy hoang vắng quá, chỉ toàn mấy người khai thác cát lậu. Chuyện trèo đèo, lội suối, băng động cát để có những bài hay cũng là chuyện bình thường. Có khi làm cho xong việc từ sáng đến gần 2h chiều mới ra kiếm gì ăn đại cho đỡ đói….

 Có phóng viên khi viết điều tra lúc bài ra còn run vì không hiểu sao họ biết cả số điện thoại nhắn tin vào “hỏi thăm”. Mới đây nhất là chuyện một phóng viên viết theo đơn tố cáo về một công ty trên địa bàn Phan Thiết, bởi họ huy động khá nhiều tiền của dân chỉ trả lãi 1-2 lần sau đó im hơi lặng tiếng. Mấy ngày liền ra khỏi cổng cơ quan là thấy mấy đối tượng mặt mũi bặm trợn đi đi lại lại, hỏi thăm tên tác giả khiến phóng viên ấy cũng sợ phải né đi đường khác và báo cơ quan có trách nhiệm để bảo vệ… 

Vẫn mãi đam mê

Biết còn gian nan và nguy hiểm vậy mà khi hỏi em nào cũng bảo “nếu chọn lại em cũng chọn nghề báo” bởi sự yêu nghề, đam mê. Nếu ai không yêu nghề, không đam mê thì sẽ không theo đeo đuổi cho đến bây giờ. Biên chế cơ quan có hạn, đa phần các em chỉ ký hợp đồng, điều đáng lo không biết lúc nào sẽ bị cắt hợp đồng vì theo chủ trương tinh giảm biên chế, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức kể cả các cơ quan báo chí. “Em thấy buồn lắm nếu phải rời xa môi trường này, giờ mà phải làm lại từ đầu cũng không dễ dàng gì” - một phóng viên gắn bó hơn 6 năm tâm tư. Làm báo bây giờ khó hơn trước nhiều bởi lẽ nếu chỉ viết một chiều, nếu chỉ khen không cũng chưa đủ mà cần có sự phản biện. Chính vì vậy mà các phóng viên nhiệt huyết luôn tâm niệm phải giữ gìn hình ảnh, thương hiệu bài báo của mình, tờ báo của mình bằng cách thông tin kịp thời nhưng phải chính xác, khách quan, trung thực, đầy đủ và có đạo đức người làm báo.

Chính vì đam mê yêu nghề mà các phóng viên sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi ban biên tập, tòa soạn lãnh đạo phòng phân công dù phải thức khuya, dậy sớm, dù phải đi đường xa, kể cả những nguy hiểm, cám dỗ đời thường. Qua đó, xứng đáng là những chiến sĩ năng động, dũng cảm trên mặt trận tư tưởng văn hóa, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, và ngược lại...

Thu ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian nan, nguy hiểm nhưng vẫn đam mê