Theo dõi trên

Giáo viên và nghề “tay trái”

26/09/2017, 08:44

BT- Để bám trụ với nghề giáo, không ít giáo viên đã phải làm thêm nhiều công việc “tay trái” như buôn bán, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt…

                
   Nhiều cô giáo làm thêm từ việc bán hàng    online.

Đủ nghề “tay trái”

Thực tế hiện nay, nhiều thầy, cô giáo ở các bậc học ngoài công việc giảng dạy ở trường, họ còn tranh thủ làm thêm các công việc khác nhau để có thêm thu nhập nhằm ổn định cuộc sống.

Vợ chồng cô giáo Lê Thị Phượng đều là giáo viên dạy học ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Bắc Bình), cô Phượng dạy môn lịch sử, còn chồng cô dạy môn giáo dục công dân. Hơn 13 năm gắn bó với nghề giáo, đồng lương của hai vợ chồng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Cho đến khi vợ chồng cô mua đất, cất nhà ra ở riêng thì phải vay mượn thêm ngân hàng. Để có tiền trả nợ hàng tháng, lo cho con ăn học và trang trải cuộc sống, vợ chồng cô đã làm thêm tinh bột nghệ và chanh đào ngâm mật ong bán để có thu nhập. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi hay những ngày nghỉ, vợ chồng phụ giúp nhau mua nghệ về bào vỏ, nghiền nát và lọc lấy tinh bột, phơi khô để bán. Ngoài ra, vợ chồng cô Phượng còn mua chanh đào về tự tay làm thành sản phẩm mật ong ngâm chanh đào đóng thành từng hũ để bán. Thông qua mạng facebook, zalo hay những người thân, giáo viên trong trường sản phẩm của cô được nhiều người tin dùng. Từ nguồn thu nhập thêm này, mỗi tháng vợ chồng cũng kiếm thêm được 2 triệu đồng, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng không vì thế mà vợ chồng cô xao nhãng công việc chính dạy học ở trường, mà luôn hoàn thành tốt nhiệm và hàng năm đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Hay như trường hợp cô bạn của tôi hiện là giáo viên dạy Văn ở huyện Đức Linh, cũng làm nghề “tay trái” bằng việc mở quán bán nem nướng. Mỗi tháng cũng kiếm được gần 2 triệu đồng từ công việc này để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hoặc chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, chúng ta dễ dàng nhận ra có rất nhiều cô giáo làm thêm từ việc bán hàng qua online với các sản phẩm đa dạng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép… 

Giáo viên kỳ vọng

Theo khảo sát cho thấy, các giáo viên đến với nghề “tay trái” thường là những giáo viên không dạy thêm, chủ yếu là dạy các môn phụ. Sau khi hoàn thành công việc ở trường, họ sắp xếp thời gian những lúc rảnh rỗi, ngày nghỉ hoặc dịp hè, mỗi người chọn cho mình một công việc làm thêm phù hợp để tăng thêm thu nhập. Thường các cô giáo chọn công việc như buôn bán, kinh doanh còn các thầy thì chăn nuôi, làm rẫy, làm ruộng. Các giáo viên ví von: sáng sớm đến trường, nhà xe của giáo viên như cái chợ thu nhỏ. Người thì mang theo mỹ phẩm, quần áo, người thì đèo theo mấy chục quả trứng, rau sạch... Một giáo viên chia sẻ, thay vì mua các sản phẩm ở ngoài thì các giáo viên trong trường giúp nhau bằng cách mua các sản phẩm của nhau. Tôi rất yên tâm về các sản phẩm của thầy cô cung cấp đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc, đặc biệt có nhiều thực phẩm sạch như rau, giá đỗ, gạo... vì các giáo viên tự làm ra”. Vất vả kiếm thêm đồng tiền từ việc làm thêm là vậy nhưng các thầy, các cô vẫn không quên công việc chính giảng dạy và không từ bỏ nghề.

Các giáo viên đều kỳ vọng  thời gian tới không phải trăn trở về việc lương không đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Có như vậy giáo viên sẽ toàn tâm, toàn ý chăm lo chuyên môn, hết lòng với học sinh mà không còn vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền.

Hà Trúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên và nghề “tay trái”