Theo dõi trên

Giữ lại “nếp nhà”

10/09/2019, 11:08

 BT- Ngoài kia, thông tin về những vụ án đau lòng khiến cho cả xã hội không khỏi bàng hoàng. Đạo lý nghìn năm dường như đã mai một. Nhưng ở một nơi, nếp nhà vẫn đang được gìn giữ và những việc làm tốt đang được xây dựng trên nền tảng văn hóa…

                
Ông Lẽo bên bàn thờ và những cuốn sổ ghi    truyền thống gia tộc.

 Phát huy truyền thống dòng tộc

Nhìn bề ngoài, thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp (Bắc Bình) không có gì khác biệt so những ngôi làng trên dải đất Việt Nam. Vẫn những ngôi nhà mái ngói đã ngả màu thời gian. Tôi về nơi đây khi kỳ nghỉ hè của bọn trẻ đã gần hết. Trong khoảng sân rộng trước nhà làng Bình Đức, tiếng trẻ con cười vang một góc trời hè. Phía ghế đá, những người mẹ, người bà đang ngồi nhìn đám trẻ nô đùa. Khung cảnh sao bình yên đến lạ. Có lẽ, dễ đến cả chục năm tôi mới thấy một cảnh rất quê ở thời kỳ kinh tế thị trường đã thay đổi nhiều nếp sinh hoạt ngàn xưa. Khi tôi hỏi thăm nhà ông Lẽo, Tộc trưởng dòng họ Đặng - Nguyễn, người phụ nữ độ 60 tuổi chỉ tay về phía xa. “Nhà ông Lẽo ở đằng kia, qua ngã 4, rẽ vô con hẻm bên tay mặt rồi đi tiếp... À mà thôi, nói con cũng không nhớ đâu. Tèo, con lấy cái xe đạp dẫn chú tới nhà ông Lẽo”, người phụ nữ nói lớn. Vừa dứt lời, một đứa bé chạy ra phía bờ tường, lấy cái xe, đạp nhanh về chỗ tôi. Tôi cảm ơn rồi đi theo đứa bé đang chờ phía trước. Đúng là nhà ông Lẽo không xa nhà làng là bao, nhưng phải đi qua những con hẻm khá nhỏ ngoằn ngoèo.

                
Nhà làng Bình Đức, minh chứng của “Ý Đảng,    lòng dân”.

Tiếp tôi trong căn nhà khang trang treo đầy những giấy khen, bằng khen, ông Lẽo, tên đầy đủ là Đặng Văn Lẽo cười niềm nở. So với số tuổi 87, ông Lẽo vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. “Nói là xây dựng dòng tộc văn hóa tự quản an ninh trật tự, chứ thực ra là duy trì, phát triển nếp sống của tộc họ đã có từ bao đời nay. Tuy nhiên, mình cũng phải thay đổi một chút cho phù hợp với tình hình hiện nay. Lớp trẻ bây giờ suy nghĩ tân tiến hơn, mình áp dụng như xưa thì khó lắm”, ông Lẽo bắt đầu câu chuyện.

Sự thay đổi một chút mà ông Lẽo vừa nhắc tới bắt đầu từ việc xây dựng quy ước sinh hoạt tộc họ. Năm 2013, hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông Lẽo đã đề xuất việc xây dựng mô hình dòng tộc văn hóa tự quản an ninh trật tự. Đề xuất được mọi người đồng ý nhưng khi đưa quy ước sinh hoạt dòng họ Đặng  - Nguyễn để mọi người thống nhất thì không dễ dàng. Bởi, để đưa được 14 chữ  “bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, không phân biệt đối xử nam nữ” vào trong khoản 2, điều 2 của bản quy ước, tộc đã phải tổ chức nhiều cuộc họp. Đồng bào dân tộc Chăm sống theo văn hóa mẫu hệ. Người phụ nữ trong hôn nhân hay trong cuộc sống gia đình vẫn có những “ưu tiên” nhất định. Giờ “không phân biệt đối xử nam nữ” thì nghe có vẻ không xuôi. Rồi, ngay cả trong hội đồng gia tộc có 12 thành viên thì có đầy đủ các thành phần: Già, trẻ, trai, gái. Ai đời, mấy đứa nhỏ mới lớn lên lại ngồi trong bàn điều hành cuộc họp gia tộc…

Nhưng đó là khó khăn của những ngày đầu. Khi mọi người đã hiểu thì cái quy ước sinh hoạt lại là cái khung để mọi người nhìn vào mà ứng xử với nhau, hội đồng gia tộc chính là nơi họ chia sẻ những khó khăn gặp phải trong cuộc sống.  “Hiện nay, nam hay nữ đều như nhau cả. Cái quan trọng là cả 2 cùng xây dựng, vun đắp cho gia đình lo cho con cái ăn học tới nơi, không làm điều xấu. Khi được bầu vào hội đồng gia tộc, từng thành viên phải tự cố gắng xây dựng uy tín bằng những việc làm hàng ngày. Từ đó làm gương cho các hộ khác noi theo. Nhưng tập tục thờ cúng tổ tiên, văn hóa dân tộc thì mình phải duy trì và truyền đạt cho con cháu biết”, ông Lẽo tâm sự.

“Thưa nội con mới đi chơi về. Con chào chú”, câu chuyện giữa tôi và ông Lẽo dừng lại khi 1 đứa trẻ độ 12 tuổi, người nhễ nhại mồ hôi vòng 2 tay đứng trước cửa. “Con thằng hai, nó mới đi chơi với mấy đứa trong xóm về. Lớp trẻ bây giờ phải cho chúng nó biết đi thưa về trình. Từ cái nếp văn hóa sinh hoạt hàng ngày nó mới học được những cái lớn hơn. Ra đời, nhiều cám dỗ, nếu nó không có vốn văn hóa thì dễ bị sa ngã lắm”, ông Lẽo giải thích. Những đứa trẻ trong dòng tộc Đặng – Nguyễn được các gia đình rất mực quan tâm. Gia tộc còn xây dựng 1 quỹ khuyến học và 1 quỹ tương thân tương ái. Ông Lẽo đưa cho tôi xem 1 cuốn sổ. Trong đó, mỗi tờ là 1 hộ gia đình, tên từng thành viên, trình độ văn hóa… Trong sổ có cả mục hộ sản xuất giỏi, đơn vị công tác… Ánh mắt tôi chợt dừng lại ở mục đảng viên: 8. “8 đảng viên này có đóng góp gì nổi bật cho tộc họ không ông?”, tôi hỏi. “8, là con số của năm trước, giờ có khi hơn. Trong số đó, có người làm bác sĩ, có người làm cán bộ xã… Nhưng tựu chung là có đóng góp cho gia tộc. Anh là đảng viên, là cán bộ nhà nước thì trách nhiệm phải càng cao. Nhất là khi người trong gia tộc gặp khó khăn hoạn nạn, những đảng viên phải tham gia giúp đỡ bằng khả năng của mình”, ông Lẽo chia sẻ.

 Khơi nguồn những việc làm ý nghĩa

Rời nhà ông Lẽo, tôi được dẫn đến nhà ông Trần Văn Cư, Bí thư chi bộ thôn Bình Đức. Nhà ông nằm trong khu những hộ dân sản xuất gốm gọ, một nghề truyền thống nơi đây. Đảng viên ở đây không nhiều, 17 đảng viên trong chi bộ và 41 đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. So với tổng số 1.852 người của thôn thì số đảng viên không nhiều. Nhưng những phong trào, việc làm có ý nghĩa tại địa phương thì đều do chi bộ phát động.

Khoảng 10 năm về trước, tình hình an ninh trật tự ở thôn Bình Đức khá phức tạp. Mâu thuẫn giữa thanh niên thôn Bình Đức và thị trấn Chợ Lầu khá gay gắt. Tình trạng các nhóm thanh niên đánh nhau thường xuyên xảy ra. Chính quyền và đảng bộ 2 địa phương đã cử cán bộ đến gặp từng thanh niên để thuyết phục, vận động. Mưa dầm thấm lâu, giờ đây mâu thuẫn đã được hóa giải, không ít trai gái ở 2 địa phương đã nên vợ, thành chồng. Năm 2017, tình trạng kẻ xấu lợi dụng đêm tối trộm tài sản của người dân ở khu vực tổ tự quản 3, 4, 5 gia tăng. Trước tình hình đó, Chi bộ thôn Bình Đức đã họp và thống nhất sẽ đóng góp mỗi người một ít để làm công trình ánh sáng an ninh. Với số tiền hơn 10 triệu đồng, một số tuyến đường chính của khu vực trên đã được thắp sáng, tình trạng trộm cắp giảm hẳn. Thôn Bình Đức cũng là một trong những địa phương không có người nghiện ma túy.

Năm 2018, nhà làng Bình Đức xuống cấp trầm trọng, chi bộ thôn Bình Đức đã phát động người dân tham gia đóng góp để sửa chữa nhà làng. Đảng viên là những người đầu tiên ủng hộ việc này. Cuối năm 2018, nhà làng Bình Đức đã được xây mới với số tiền 160 triệu đồng. Giờ thì nhà làng Bình Đức ngoài việc là nơi thờ cúng tâm linh còn là sân chơi cho trẻ con mỗi buổi chiều, là minh chứng cho câu nói “ý Đảng, lòng dân”.

Rời thôn Bình Đức khi ánh đèn đường đã bắt đầu sáng, câu nói của ông Cư làm tôi suy nghĩ nhiều. “Từ khi các tộc họ quan tâm hơn đến việc duy trì phát huy truyền thống dòng tộc, thôn làng thì mọi thứ tốt hơn hẳn”. Truyền thống văn hóa là nền móng để xây dựng một xã hội. Văn hóa dân tộc có được duy trì và phát triển thì đất nước mới ổn định đi lên. Xây dựng Đảng cũng vậy. Muốn xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng thì trước hết bản thân mỗi người phải phát huy được phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam… 

    
     “... Lớp   trẻ bây giờ phải cho chúng nó biết đi thưa về trình. Từ cái nếp văn hóa   sinh hoạt hàng ngày nó mới học được những cái lớn hơn. Ra đời, nhiều cám   dỗ, nếu nó không có vốn văn hóa thì dễ bị sa ngã lắm” .

Phóng sự: Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ lại “nếp nhà”