Theo dõi trên

Giữa rốn dịch Covid-19

17/03/2020, 09:47

BT- Phan Thiết giữa tâm dịch Covid-19, có những khoảng lặng. Đường phố vắng lặng. Có nước mắt của khó khăn, có hơi ấm của tình người. Một Phan Thiết nhỏ bé vốn yên bình, có những ngày – đêm thức trắng, thấp thỏm. Trong đại dịch, người ta trao đi tình thương nhưng cũng bất chợt ngộ ra rằng, sự chân thành, chân thật trên đời này đáng giá biết bao.  

                
   Đo thân nhiệt cho người dân khu cách ly.

Nước mắt hy vọng

Vậy là, ngót tuần lễ quê hương tôi đã đối diện trực tiếp với dịch Covid-19. Có một sự thay đổi đến kỳ lạ. Hôm qua sầm uất. Hôm nay nhà nhà đóng cửa im ỉm. Đường phố vắng lặng, xe cộ thưa thớt. Tất cả là vì dịch. Mới 19h00 sau khi  Bộ Y tế công bố ca dương tính thứ 34 (BN34), có lẽ chưa bao giờ tôi phải chứng kiến nhiều điều đến vậy. Hình ảnh đó, thôi thúc và ám ảnh tôi. Bác xe ôm thinh lặng nhìn con phố vắng hoe trong sự mòn mỏi. “Biết chớ, cũng lo nhưng cứ cầu may thôi con. Nghỉ lấy gì đắp đổi đây” - bác Xuân - người đàn ông chạy xe ôm quen thuộc ở góc ngã tư Thủ Khoa Huân – Tôn Đức Thắng, lặng thinh buông hờ câu nói. Đêm xuống, tôi trở lại khu chợ đêm sầm uất và xôn xao nhất Phan Thiết. Tất cả đều tĩnh lặng. Cũng chẳng còn tiếng rao quen thuộc lanh lảnh của cô Hai – người đàn bà bán xôi đêm mỗi tối. Chắc cũng rệu rã vì âu lo.

Dưới ánh sáng vàng vọt của đèn cao áp, chiếc xe lăn độc hành trên con phố Mậu Thân. Tôi nghe rõ âm thanh rin rít của tiếng đẩy cần xe. Người đàn ông 70 tuổi, khắc khổ, đen đúa, bởi nắng mưa và sự cô độc trên hành trình đi tìm sự sống. Ông là Nguyễn Thành Minh – ở khu phố 4, phường Hưng Long. “Mấy ngày nay không bán được tờ vé số nào. Không có người ra đường để bán. Cả ngày bán được có mấy tờ. Hôm qua cũng vậy, hôm nay cũng vậy… Bao giờ dịch mới hết?”. Tôi nghe câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng không ai có thể chắc chắn lúc này. “Chú ráng nhé! Sẽ ổn thôi” - tôi nói, chỉ hy vọng giúp ông nhẹ nhõm phần nào gánh nặng. Ông tật nguyền, ngồi trên xe lăn, đi bán cho người đời “hy vọng”. Với ông hy vọng, chỉ là đủ trang trải cho gia đình mỗi bữa cơm, cho người vợ cũng đang bệnh tật nằm nhà. Ước mơ đơn giản thế thôi. Ông đưa xấp vé số, rồi bật khóc trên thành chiếc xe lăn, như một phản xạ. Nước mắt, sẽ giúp ông vơi đi một ngày mệt nhọc, chứ chẳng thể xua được muộn phiền đang chất chứa. Ông đẩy xe tiếp tục hành trình trong đêm, cái dáng người co quắp trên chiếc xe lăn cũ, chiếc nón rộng vành sụp xuống theo bóng đêm, nhỏ dần và mất hút trên con đường vắng lặng bóng người giữa tâm mùa dịch.

Ở khu cách ly khu phố 2, phường Đức Thắng, những hộ dân lao động ngày ngày xuống cảng, kiếm thu nhập cho gia đình. Dịch xảy ra, họ bỗng nhiên ở không, quanh quẩn trong xó nhà. “Cũng buồn chứ, không biết làm gì. Mỗi ngày xuống cảng làm mướn cho người ta cũng được vài trăm ngàn đồng, giờ ngày nào cũng được lo đồ ăn, được kiểm tra sức khỏe nhưng vẫn thấy buồn, vì không làm được, còn nhiều thứ phải lo. Mong sao cho dịch nhanh qua, để ổn định cuộc sống”, chị Trần Thị Hoài Bão bộc bạch. Những ánh mắt đằng sau những cánh cửa nhận lấy nhu yếu phẩm, họ nhận lấy sẻ chia từ tay nhau. Ấm cúng và cũng ám ảnh. Ở khu cách ly, những cánh cửa khép hờ, lạnh lẽo. Người ta chỉ thò đầu ra ngoài khi cần thiết, còn lại, im ỉm đóng. Phan Thiết của tôi, thoáng chốc quá đỗi lạ lùng.  

                
   “Mấy nay, ngày bán được vài tờ, người đâu    mà bán” – chú Minh cho biết.

“Hủy trắng”

Giữa tâm bão dịch, trước những khốn khó. Ai cũng động viên nhau. Lạ hóa người quen. Quen bỗng thành thân thiết cứ động viên nhau, vượt qua một giai đoạn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều cơ sở dịch vụ phải cho nhân viên nghỉ để đảm bảo an toàn. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Từ khi biết Phan Thiết có ca nhiễm thứ 34, thành phố biển này lập tức bị xáo trộn. Cuộc sống đang bình thường bỗng dưng thay đổi. Lo lắng, hoang mang, là tâm lý khó tránh khỏi. Nhưng hoang mang không phải là đáp án cuối cùng. Hàng loạt doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ. Ngành du lịch coi như mất trắng dù chỉ mới vài ngày trước đó, nhộn nhịp khách song tất cả đã sang trang bởi con virus corona nguy hiểm xuất hiện.

Nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà sữa, nhỏ hơn nữa là những người buôn bán lề đường cũng phải xếp lại mọi thứ… chống dịch. Doanh nghiệp Minh Thủy đã phải hủy trắng gần 30 tour với các công ty lữ hành. Không chỉ nhà hàng mà các cửa hàng cũng chìm trong sự tĩnh lặng. “Ngay từ khi công bố dịch, chị đã phải đóng cửa, hủy hết hợp đồng gần 15.000 khách. Cho nhân viên nghỉ, và phải trả lương cho họ có thể trang trải cuộc sống, xong dịch còn về làm lại. Mà còn nữa, hải sản nhập về, giờ cũng để đó, tổn thất là không thể tránh nhưng biết sao đây. Giờ nhìn cái khung cảnh tĩnh lặng này mà rơi nước mắt, chỉ mong là sớm dập được dịch để ổn định trở lại cuộc sống. Từ 100 người giờ chỉ còn 2 vợ chồng ra vô…” - chị Minh Thủy chủ doanh nghiệp buồn bã chia sẻ.

Rồi một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực trang trí tiệc phải ôm từng bó hoa đi bán khi gần chục tiệc cưới bị hủy trắng. “Buồn thật anh, giờ phải nhờ anh em bạn bè ủng hộ, lấy lại vốn. Hoa đặt đã chuyển tiền, nên không thể khác được. Tiệc khách đặt, do có dịch họ hủy nhưng mình đâu thể bắt bồi thường được, còn làm ăn lâu dài. Nên chịu thiệt một chút. Chỉ lo dịch kéo dài thì sẽ khổ, doanh nghiệp càng lớn càng chết” - anh Phan Minh Cầu - Công ty Bách Việt trải lòng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe cụm từ “hủy trắng”, được các doanh nghiệp dùng. Nghe chừng ảm đạm, như không khí mà Phan Thiết đang hứng chịu. Bây giờ ra đường, muốn hay không cũng hiện hữu sự lạnh lẽo. Cứ tưởng không khí của Tết Nguyên đán vẫn còn đâu đó, nhưng không ở đó là sự hoang vắng.  

Đất ấm

Nếu phải nói gì vào lúc này, có lẽ đôi chút tự hào tan chảy trong tinh thần những ai đang ở trên tuyến đầu trước cơn đại dịch Covid-19. Những đêm thức trắng, ổ bánh mì lót dạ để kịp lấy mẫu chuyển đi. Và còn nữa, những tấm lòng  chia sẻ cùng nhau trong lúc khó khăn sẽ giúp nhiều người hiểu hơn về con người Phan Thiết.

Ở những khu cách ly, hàng ngày các hộ dân được các lực lượng tiếp thực phẩm, trái cây, bánh, nước. Chưa bao giờ mà trong hoạn nạn nhất, nhiều người đã mang tình thương nhất đến với nhau. Không phải giá trị của vật chất, không phải những thứ được đo đếm bằng tiền. Người đến với nhau bằng cái tình trong lúc này. Mỗi ngày y sĩ Dương của Trung tâm Y tế thành phố, đi từng nhà, gõ cửa đo thân nhiệt: “Cô mở cửa ra cho thông thoáng, cố gắng uống nước nhiều, giữ gìn sức khỏe nhé” – chỉ có vậy, nhưng nghe nó vẫn cứ ấm áp đến lạ lùng. “Ngày nào mấy chú cũng vậy, suốt bữa giờ. Tội ghê, còn mấy chú dân phòng ở phường nữa. Cầu mong cho mấy chú khỏe, chứ làm việc nhiều quá trong lúc này cũng nguy hiểm” – cô Nguyễn Thị Đen bộc bạch.

                
   Tiếp tế thực phẩm cho người dân khu cách    ly.

Trong buổi sáng 15/3, lực lượng đoàn viên thanh niên của Đội Cảnh sát kinh tế, Đội Cảnh sát ma túy TP. Phan Thiết cũng đã đến để kịp chuyển những túi gạo, bọc trứng, xúc xích tận tay những hộ trong khu cách ly. Gần 20 đoàn viên thanh niên là chiến sĩ trẻ, nhưng vì trang thiết bị không đủ cũng phải đành đứng bên ngoài để nhường lại cho 2 đồng đội. Thiếu úy Huỳnh Đức Nhu (Đội Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Phan Thiết), cho biết: “Đây là những suất quà mà đoàn viên chúng tôi phối hợp Chi đoàn Công an phường Đức Thắng chung tay, chia sẻ trong lúc khó khăn cùng với bà con. Hy vọng, giúp bà con yên tâm, cùng với chính quyền địa phương trong việc phòng chống dịch, để ổn định cuộc sống”. Cuộc sống là cho đi, là sẻ chia cùng nhau. “Em hy vọng với sự chung tay của toàn xã hội, sẽ giúp người dân bớt hoang mang và lo lắng. Dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, nên chia sẻ lúc này là cần thiết với những người dân trong diện cách ly, vì cuộc sống của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, mất việc làm với nhiều khoản chi tiêu cần chi trả” - Thượng úy Huỳnh Đình Ái (Đội Cảnh sát điều tra về ma túy – Công an TP. Phan Thiết) chia sẻ.

Du khách khi đến Phan Thiết, họ gọi nơi đây là đất ấm. Nhưng hôm nay, trên đoạn đường sầm uất ngày nào trở nên vắng hoe. Khó diễn tả hết được những gì Phan Thiết đang gồng gánh. Sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị, của tập thể y bác sĩ, những bữa cơm vội vàng nguội lạnh, những giấc ngủ tạm bợ trên ghế gỗ của những con người đang dốc sức vì đại dịch. Trong hơi ấm của sự sẻ chia, trong tình người đầm ấm giữa cơn đại dịch, bất chợt tôi nghĩ đến sự chân thành, lòng trung thực của con người, đáng giá biết bao.

    
    Du khách khi đến Phan   Thiết, họ gọi nơi đây là đất ấm. Nhưng hôm nay, trên đoạn đường sầm uất   ngày nào trở nên vắng hoe. Khó diễn tả hết được những gì Phan Thiết đang   gồng gánh.

phóng sự: Quang nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữa rốn dịch Covid-19