Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam: Khi lãnh đạo huyện đi kiểm tra rừng

06/07/2018, 09:59 - Lượt đọc: 24

BT- Mùa mưa đã bắt đầu. Mùa của những cỏ cây đâm chồi, nảy lộc, các cánh rừng bạt ngàn thay áo mới xanh mướt, đầy sức sống. Đi rừng để trải nghiệm những thú vị rất riêng của rừng.

                
   Các lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam đi    kiểm tra rừng tại khu vực núi Đền.

Có đi thì mới rõ

Vào một ngày nghỉ cuối tuần của tháng 6, chúng tôi tham gia một chuyến kiểm tra rừng khá đặc biệt của huyện Hàm Thuận Nam. Nó đặc biệt là bởi tham gia đoàn, ngoài lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng còn có cả Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh, chia sẻ, dù mới về huyện được vài tháng, nhưng đây đã là lần đi kiểm tra thực tế rừng lần thứ 3 của anh. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, lãnh đạo huyện vừa đi kiểm tra thực tế rừng để nắm tình hình, vừa thăm hỏi, động viên tinh thần anh em làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Điểm kiểm tra lần này là khu vực núi Đền, cao hơn 400m, thuộc lô 10 - 11 của tiểu khu 283, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét. Trước khi  bắt đầu lội rừng, Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Diệp “phổ biến kinh nghiệm”, mùa này đi rừng, nhất là leo núi cần chú ý muỗi, cây gai và sự trơn trượt của đá. Do vậy Chủ tịch huyện đề nghị mọi người hết sức chú ý, cẩn thận.

Men theo con đường nhỏ, dốc, gồ ghề những đá pha lẫn đất vừa dính vừa trơn từ dưới chân núi đi lên, đúng như Chủ tịch UBND huyện đã cảnh báo, quả thực mùa mưa, muỗi trong rừng nhiều như trấu. Đi thì không sao nhưng cứ dừng lại nghỉ là muỗi lại lao vào chúng tôi từng bầy như những con thiêu thân, hết đám này đến đám khác. Muỗi chích bất kể chỗ nào trên người, đuổi chỗ này, lại đậu chỗ khác. Mà có đuổi cũng không xuể. Do đó, dù mệt nhưng mọi người đều ráng đi vì sợ muỗi đốt, chỉ khi nào mệt lắm thì mới dừng lại nghỉ ngơi một chút rồi lại đi.

Vừa đi, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hiến vừa thông tin cho chúng tôi biết: Hàm Thuận Nam hiện có tổng diện tích đất  rừng và đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch 3 loại rừng là 52.347 ha, chiếm 49,45% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng đặc dụng 18.079 ha, chiếm 34,53% đất lâm nghiệp; rừng phòng hộ 10.232 ha, chiếm 19,56% đất lâm nghiệp; rừng sản xuất 24.036 ha, chiếm 45,91% đất lâm nghiệp. Những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng được cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm. Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án; củng cố, kiện toàn ban chỉ huy các cấp; thay thế, kiện toàn các tổ, đội về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Việc thành lập các tổ truy quét chống phá rừng được UBND huyện phê duyệt và triển khai thực hiện rộng rãi từ huyện đến cơ sở. Đồng thời chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng phối hợp kịp thời ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Bố trí lực lượng thường xuyên trực 24/24 giờ sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu các tình huống phát sinh.  

Rừng đã xanh lá

Qua hơn một tháng được giải hạn bằng những cơn mưa đầu mùa, nhiều loại cây nhỏ có gai vươn cành ra con đường nhỏ, khiến hành trình của đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Một số người sơ sảy đã bị gai cào rách da, chảy máu. Sau gần 2 tiếng đồng hồ vất vả, cuối cùng đoàn chúng tôi cũng lên được đến đỉnh núi Đền. Tại đây, phóng tầm mắt ra xa là một khoảng không gian xanh bao la của núi rừng, Phó Chủ tịch UBND huyện kể, cách đây hơn 1 tháng, nhìn cả rừng chỉ thấy lá vàng, những thân cây trơ trụi và đá. Nay mới sau một thời gian ngắn có mưa, cây lá lại đua nhau đâm chồi nảy lộc. Nơi đây như được thay thế bởi một lớp áo xanh đầy sức sống.

Những năm qua, dù công tác phòng, chống phá rừng được cả cấp ủy và chính quyền huyện quan tâm, nhưng với địa bàn rộng, hiểm trở, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, cộng với cuộc sống của người dân sinh sống gần rừng, ven rừng còn nhiều thiếu thốn nên công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như, trong 6 tháng đầu năm 2018 toàn huyện đã phát hiện lập hồ sơ xử lý hành chính 21 vụ vi phạm lâm luật; 22 vụ cháy rừng với tổng diện tích 59,05 ha (chủ yếu là cháy thực bì, cỏ khô); 8 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp mới với tổng diện tích 61.461 m2. Để làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, UBND huyện cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, truy quét chống phá rừng ở các khu vực trọng điểm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phấn đấu kéo giảm 10% số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tổ chức tuần tra, quản lý các khu vực dễ xảy ra cháy rừng và bằng mọi biện pháp để ngăn chặn, chữa cháy rừng kịp thời…    

Sau khoảng 15 phút nghỉ ngơi trên đỉnh núi, chúng tôi lại bắt đầu hành trình đi xuống. Đi lên đã khó, nhưng khi xuống còn khó hơn nhiều. Do các đồng chí lãnh đạo huyện muốn kiểm tra toàn bộ rừng ở khu vực quanh núi, nên chúng tôi đã không đi xuống bằng con đường cũ, mà phải rẽ từng đám cây bụi cao ngang thân người để mò mẫm bước trên từng tảng đá trơn trượt xuống núi. Mặc dù đi kiểm tra này khá vất vả và tương đối nguy hiểm nhưng lại rất thú vị. Bởi khi đó, mới thực sự cảm nhận hết cái không khí rất riêng của núi rừng, nhất là thỉnh thoảng lại bắt gặp những bông hoa rừng tuyệt đẹp e ấp ẩn mình sau những tán lá.

Mất gần 2 tiếng đồng hồ nữa chúng tôi mới xuống được đến chân núi và kết thúc hành trình của chuyến kiểm tra rừng. Trải nghiệm thực tế qua chuyến đi giúp chúng tôi thấu hiểu hơn những khó khăn, sự gian nan, vất vả của những người làm công tác bảo vệ rừng và càng yêu rừng hơn.

Đình NhưỢng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam: Khi lãnh đạo huyện đi kiểm tra rừng