Theo dõi trên

Hành trình vượt hạn

24/06/2020, 09:13

BT- Chắc chắn khi dự án lớn mang tầm khu vực này được phê duyệt thì Trung ương cũng đồng thời tính toán nguồn nước cho Hàm Tân để thúc đẩy vùng công nghiệp đầy lợi thế qua việc cho xây dựng hồ La Ngà 3...

                
   Trồng rừng ở Hàm Tân. Ảnh: N.Lân

Biến bất lợi thành lợi thế

Những cơn mưa đầu mùa rải rác ở các xã, thị trấn của Hàm Tân trong mấy ngày qua đã chính thức chấm dứt một mùa khô thiếu nước sinh hoạt gay gắt ở đây. Trên địa bàn có công trình thủy lợi hồ Sông Dinh 3, có đập dâng Sông Phan nhưng chưa đủ hạ tầng và cũng không có nhiều nước để chuyển đi xa, dù là trong cùng địa bàn huyện. Để có nước ổn định cho phát triển vùng đất này, từ nhiều năm trước, tỉnh có triển khai công trình chuyển nước từ Biển Lạc (Tánh Linh) về Hàm Tân nhưng vì nhiều lý do, công trình được hẹn sẽ hoàn thành cuối năm nay. Trong thời gian dài trên, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh ở vùng đất này vẫn phát triển và đã theo hướng biến bất lợi thành lợi thế.

Hiện tại, Hàm Tân có gần 19.000 ha rừng trồng, đều do các hộ dân ở các xã, thị trấn chịu khó trồng phủ xanh trên những vùng đất bạc màu. Phong trào này không phải mới đây mà từ nhiều năm trước, người dân phát hiện đó là cách sản xuất theo kiểu bỏ ống tiết kiệm tốt nhất và cũng tiện nhất cho cải tạo đất. Cứ 3 - 5 năm sau khi trồng, keo lá tràm cho thu hoạch, có năm không được giá nhưng cũng có năm giá cao, thu về từ 50 - 80 triệu đồng/ha. Đó là sức hút của tương lai nên trong 5 năm qua, dân trong huyện đã trồng rừng tập trung được hơn 7.400 ha, trong khi kế hoạch đặt ra chỉ 2.500 ha, tăng gần gấp 3 lần. Ở khía cạnh khác, cũng vì vùng hạn nên tốc độ nắng ở đây đã thu hút các nhà đầu tư điện mặt trời tìm đến. Hiện tại đã có 2 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành. Đó là nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 có công suất 50MWp và dự án điện mặt trời áp mái tại xã Tân Đức với công suất 934KWp. Còn một số dự án điện mặt trời khác đang đề nghị đầu tư đã hứa hẹn xuất hiện ở đây một ngành sản xuất tận dụng được nắng để kiếm ra tiền không thua kém các huyện nhiều nắng khác trong tỉnh.

Chính sự có mặt của điện mặt trời đã làm đa dạng những ngành nghề tập trung tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, khi hiện tại, ngoài một số cơ sở chế biến lâm nghiệp như băm dăm keo tràm, còn có các nhà máy gạch hoffman, tuynel, gạch không nung và vài công ty, cơ sở may mặc. Với chừng ấy lĩnh vực hoạt động và đặt trong hoàn cảnh của Hàm Tân, có thể cảm nhận sự nổi bật của kiểu đầu tư vào điểm ngách, tức phải tận dụng, phải biết khai thác thế mạnh tiềm ẩn nhưng tính đến năm 2020, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp của Hàm Tân cũng đạt được 500 tỷ đồng. Nếu so với đầu nhiệm kỳ, con số ấy tăng gấp 1,504 lần, có nghĩa năm 2015 con số trên ở 332,297 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã góp phần đẩy thu ngân sách huyện đến năm 2020 được 135 tỷ đồng, tăng 36 tỷ đồng so kế hoạch đặt ra. Và cũng nhờ vậy, nhiều người dân đã có việc làm cả trực tiếp và gián tiếp, nhất là ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Mở rộng ra từ nhiều lĩnh vực, toàn huyện có 4.585 người có việc làm, tính ra bình quân mỗi năm có 1.077 người dân tìm kiếm được việc làm, trong khi 5 năm trước lúc đặt ra con số 800 người/năm, có người lo ngại khó đạt ở một huyện nông nghiệp, ít nước như Hàm Tân. Cũng mang yếu tố bất ngờ như thế, việc xây dựng các xã nông thôn đạt chuẩn đã đạt 175% kế hoạch, khi chỉ tiêu chỉ mong 4 xã thì bây giờ đã có 7/8 xã đạt chuẩn.

Mở rộng lợi thế

Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Tân nhiệm kỳ 2020 - 2025 qua 12 lần chỉnh sửa nổi lên 2 chỉ tiêu đến năm 2025 có mức tăng cao so với năm 2020, gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 900 tỷ đồng, tăng 1,8 lần và tăng thu ngân sách đạt 200 tỷ đồng, tăng 1,48 lần. Qua đó, có thể dự báo 5 năm nữa, Hàm Tân có một tầm vóc khác, có một sự sôi động khác khi việc chuyển dịch sang công nghiệp thương mại dịch vụ nhiều hơn.

 Bây giờ, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đang được xây dựng,  điều mà khoảng 15 năm trước khi phác thảo hình hài, ai cũng cảm nhận không lâu nữa, Hàm Tân sẽ là đầu tàu phát triển công nghiệp sôi động của khu vực phía Nam tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, đến thời điểm này các khu, cụm công nghiệp mới đủ điều kiện để khởi động. Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 đã được bồi thường giải tỏa được 86,95 ha, trong khi khu công nghiệp Tân Đức, chủ đầu tư đang thực hiện công tác đo đạc, giải phóng mặt bằng. Còn các cụm công nghiệp như Thắng Hải 1, Thắng Hải 2, Thắng Hải 3 và Nghĩa Hòa thì việc triển khai khá nhộn nhịp. Điển hình như cụm công nghiệp Thắng Hải 1 đã thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch đạt khoảng 90% khối lượng, đã thu hút được 4 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.105,377 tỷ đồng, lấp đầy được 69,96% diện tích...

Chính sự nhộn nhịp trên đã khiến Tổng công ty Becamex IDC và VSIP, đơn vị từng thành công trong đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị tại Bình Dương và một số tỉnh, thành trên toàn quốc đã tìm đến vùng Hàm Tân, La Gi. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án hỗ trợ Tổng công ty Becamex IDC triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định... Theo đề xuất của nhà đầu tư Becamex IDC là sẽ hình thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ quanh vùng khu công nghiệp Sơn Mỹ, trung tâm điện khí Sơn Mỹ (Hàm Tân) để tạo thế liên hoàn phát triển các khu công nghiệp, khai thác hiệu quả đất đai khu vực phía Nam của tỉnh, kết nối phát triển liên kết vùng Đông Nam bộ, cụm cảng Cái Mép, sân bay Long Thành.

Chắc chắn khi dự án lớn mang tầm khu vực này được phê duyệt thì Trung ương cũng đồng thời tính toán nguồn nước cho Hàm Tân để thúc đẩy vùng công nghiệp đầy lợi thế trên qua việc cho xây dựng hồ La Ngà 3, nơi tiếp nước dồi dào cho công trình chuyển nước Biểnlạc – Hàm Tân. Đó cũng là điều mà Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh tại Hội nghịxúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2019 rằng làm sao có nước để không chỉ phục vụ sản xuất mà còn phục vụ công nghiệp để vực dậy khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận. Thực sự, Hàm Tân đã có một hành trình vượt hạn và bây giờ đang hứa hẹn một sự khởi đầu khác cho một hành trình mới nhiều thuận lợi hơn. 

    
      Theo Bí thư Huyện ủy Hàm Tân - Võ Thanh Bình, 5 năm tới, khi các khu,   cụm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, lấp đầy diện tích thì   Hàm Tân sẽ lên tầm cao mới. Để đón đầu xu thế ấy cũng như giúp người dân   chuẩn bị tâm thế cho cuộc chuyển dịch sang công nghiệp, huyện đã chỉ đạo   cả hệ thống chính trị quan tâm và tùy từng cơ quan liên quan mà có kế   hoạch, chương trình hành động phù hợp. Hiện tại, huyện đã chú ý đến nâng   cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động   phù hợp với nhu cầu, yêu cầu để phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp.   Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, liên kết với   các cơ sở đào tạo trên địa bàn huyện để có nguồn nhân lực bảo đảm về số   lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ công nhân lành nghề...

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình vượt hạn