Theo dõi trên

Hành vi xâm hại để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài đối với trẻ em

27/05/2020, 16:01 - Lượt đọc: 6

BTO- Sáng nay (27/5), Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã phát biểu ý kiến.

Báo cáo của Đoàn GS về kết quả “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” cho thấy: Thời gian qua CP, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhiều chính sách và văn bản dưới luật được ban hành kịp thời; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai tích cực; Công tác phối hợp liên ngành được thực hiện tốt, thu hút sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên việc tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất đối với trẻ em. Kết quả đã được thể hiện rõ trong báo cáo, Tôi xin không nêu lại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế giám sát tại địa phương, tôi xin có ý kiến 1 số vấn đề cụ thể như sau:

Về đánh giá hậu quả do hành vi xâm hại gây ra: Báo cáo của đoàn giám sát có nêu: Nhiều hành vi xâm hại để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình như tử vong, bị thương tật nặng, sinh con và làm mẹ ngoài ý muốn, bị rối loạn tâm thân, mất niềm tin, phải bỏ học ..., theo tôi đánh giá như thế là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, chưa sát với thực tế cuộc sống.

Thực tế, qua giám sát tại địa phương, ngoài những hậu quả như đã nêu trên, tôi nhận thấy: Trẻ em bị xâm hại còn có nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS ... Về mặt tinh thần, trẻ dễ bị mặc cảm, tư ti, hoảng loạn, phát triển không bình thường, xuất hiện các ảo giác bệnh lý. Nghiêm trọng hơn, nhiều trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục bị sốc về mặt tinh thần nhưng các em không dám kể với người khác, không dám tố cáo đối tượng phạm tội một phần do xấu hổ, một phần do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng. Về mặt xã hội hành vi xâm hại trẻ em còn tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội. Thậm chí, có trường hợp do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nên trẻ em sau khi bị xâm hại lại bị kỳ thị, xa lánh gây tổn thương tinh thần làm cho các em có suy nghĩ tiêu cực, dễ sa ngã vào các loại tệ nạn khác gây tác động xấu đến xã hội.

Do vậy, Tôi đề nghị Báo cáo của Đoàn gíam sát cần được tiếp tục rà soát, đánh giá sâu kỹ và sát với thực tế cuộc sống. Đồng thời, đề nghị bổ sung nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em (thực tế BC của Đoàn GS chỉ mới nêu nguyên nhân của những kết quả đạt được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế mà chưa nêu được nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em), để từ đó xác định trách nhiệm và kiến nghị các cấp, các ngành đưa ra các giải pháp phù hợp, mang tính khả thi cao nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, ngoài những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong BC giám sát, Tôi xin bổ sung một số tồn tại, hạn chế như sau:

(1) Việc tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến các vụ việc xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý của trẻ sau khi bị xâm hại hoang mang, sợ hãi, không dám nói với người lớn, hoặc vụ việc xảy ra một thời gian dài mới tiết lộ thông tin gây khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ để điều tra; tâm lý của gia đình trẻ em bị xâm hại ngại công khai vụ việc vì sợ dư luận bàn tán, ảnh hưởng đến trẻ nên nhiều gia đình thay vì tố cáo kẻ xâm hại lại thỏa thuận để được bồi thường, không tố giác tội phạm. Việc lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại cũng rất khó khăn do tuổi còn nhỏ, tâm lý các cháu chưa ổn định nên có thể mỗi lần khai lại khác nhau.

(2) Công tác tiếp cận trẻ em bị xâm hại gặp nhiều khó khăn: Do nhiều gia đình không muốn cho cán bộ làm công tác trẻ em tiếp xúc với trẻ do lo ngại thông tin bị lộ, do chưa nhận thức được vai trò của can thiệp tâm lý cho trẻ em.

(3) Nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em tại cấp xã hiện nay là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi. Do vậy, việc xác định, phân công theo quy định của Luật trẻ em về công tác bảo vệ trẻ em ở các địa phương gần như là không có (chủ yếu do công chức văn hóa - xã hội hoặc do chuyên trách theo dõi về lao động - thương binh và xã hội đảm nhận. Ngoài ra, kinh phí cho công tác bảo vệ trẻ em ở các địa phương là rất ít, chủ yếu thực hiện từ nguồn xã hội hóa nên công tác hỗ trợ cho trẻ em không linh động, đôi khi không kịp thời.

*  Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, tôi đề nghị bổ sung vào điều 2, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Dự thảo Nghị quyết về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em như sau:

(1) Đề nghị Chính phủ, đưa mục tiêu bảo vệ trẻ em là mục tiêu quốc gia và Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em. Phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em, bao gồm khảo sát, nghiên cứu cập nhật tình trạng, nguyên nhân bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung chỉ tạo triển khai nhiều biện pháp, nhiều kênh truyền thông để nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và nâng cao kỹ năng, kiến thức cho chính bản thân trẻ em; Bố trí kinh phí phù hợp cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng; Bố trí người làm công tác trẻ em ở địa phương theo đúng qui định tại khoản 2, điều 90 của Luật trẻ em để đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo qui định của Luật.

(2) Về giải pháp đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên dự thảo Nghị quyết có đề cập đến 3 nội dung: (1) Tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; (2) Kịp thời phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, cản trở việc thực hiện quyền trẻ em, xâm hại trẻ em; (3)Vận động nguồn lực từ cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, theo tôi các giải pháp nêu trên là chưa đầy đủ, chưa phát huy hết chức năng nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nhiệm vụ nắm bắt thông tin, tình hình.

Do vậy, tôi đề nghị dự thảo Nghị quyết bổ sung giải pháp: Mặt trận và các tổ chức thành viên phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Đòan viên, hội viên và kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Có như thế thì công tác phòng chống xâm hại trẻ em mới được tăng cường và đặc biệt là khắc phục được các tồn tại hạn chế về công tác tuyên truyền , phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em.

 Nguyễn Thị Phúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành vi xâm hại để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài đối với trẻ em