Theo dõi trên

Hỏa hoạn – nỗi lo thường trực!  Bài 2: Phòng cháy, thoát hiểm - yếu tố sống còn

10/04/2018, 08:40

BT - Nguy cơ hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng, khu đông dân cư luôn tiềm ẩn khó lường. Do vậy phòng cháy hơn chữa cháy, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết là một trong những giải pháp nhằm kiềm chế và giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy.

         
   

      

      Hiện trường vụ cháy    nhà nghỉ Viễn Châu, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam.

Cháy do chủ quan

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCCCHCN) - Công an tỉnh, tại những cơ sở kinh doanh, chung cư, nhà cao tầng thường có số lượng người đông, công năng sử dụng phức tạp, tập trung khối lượng chất dễ cháy lớn nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, các cơ sở lại chưa quan tâm đúng mức và thực hiện các biện pháp an toàn PCCC, người dân còn mang tâm lý chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt. Một số hộ bố trí các vật dụng dễ cháy tại các khu vực ổ cắm điện, tự ý câu mắc, đấu nối điện không an toàn, thắp hương, đốt nhang, vàng mã thiếu kiểm soát, để vật dụng chèn, bít lối đi…Điển hình vụ cháy xảy ra vào ngày 19/2, tại cơ sở thu mua đóng gói thanh long Linh Đan thuộc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Linh Đan, nằm trên quốc lộ 1A thuộc thôn Dân Hiệp, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Vụ cháy được xác định do nguyên nhân chập điện, tuy không gây chết người, nhưng đã thiêu rụi hoàn toàn 2 kho lạnh với diện tích 300 m², 108 tấn thanh long, dàn máy lạnh và cấu kiện khung thép mái tôn, ước tính thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. Hay vụ cháy nhà gần chợ Phan Thiết xảy ra cuối năm 2017, do chập điện, làm mọi người không khỏi hú vía, khi khu vực cháy đông dân cư, buôn bán sầm uất, nhà san sát nhau.

 Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ cháy, làm 10 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 35 tỷ đồng. So năm 2016, số vụ cháy tăng 10 vụ, tăng 6 người bị thương và thiệt hại tăng hơn 31 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, xảy ra 24 vụ cháy (tăng 8 vụ so quý I/2017), làm 2 người bị thương và thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng. Từ những con số trên cho thấy, tính chất nghiêm trọng, cũng như là diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy.

    
    Các vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng đều rất   nguy hiểm, bởi đây là nơi tập trung đông người, nếu không bình tĩnh xử   lý, đám cháy sẽ nhanh chóng lây lan, gây khó khăn cho công tác chữa cháy   và cứu nạn, cứu hộ.

Trong năm 2017, Phòng Cảnh sát PCCCCHCN  đã mở các đợt tổng kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý nhằm đánh giá thực trạng, mức độ nguy hiểm về cháy, nổ tại các khu công nghiệp, chợ, ngân hàng, khu chung cư, nhà cao tầng… Qua đó, đơn vị kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập về công tác PCCC để kiến nghị các cơ sở có biện pháp, giải pháp ngăn chặn, khắc phục nguy cơ dẫn đến cháy, nổ đảm bảo an toàn PCCC. Đơn vị đã lập biên bản và phạt tiền 107 vụ vi phạm về PCCC, với tổng số tiền 356 triệu đồng. Trong đó quyết định đình chỉ hoạt động đối với tầng 8 của một khách sạn, vì xây dựng vượt quá số tầng cho phép và không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, không có lối thoát nạn khi có sự cố xảy ra.

Làm gì khi có cháy?

 “Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cần phải quan tâm đến công tác PCCC ở nơi mình sống, tìm hiểu thêm về kỹ năng, kiến thức PCCC, thoát hiểm trong các tình huống, tham gia công tác tập huấn chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa mini, thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình, cũng như các vật dụng điện khác để đảm bảo an toàn khi sử dụng…”, đó là khuyến cáo của Thượng tá Nguyễn Khắc Hoài – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCCCNCH, khi nói về phòng cháy, chữa cháy.

Theo Thượng tá Hoài, thực tế ý thức phòng cháy cũng như trang bị kỹ năng ứng phó, thoát hiểm khi có cháy của người dân hiện nay còn bỏ ngỏ, chủ quan. Trong khi yếu tố quan trọng, thậm chí mang tính sống còn đối với tính mạng khi cháy xảy ra. Các vụ cháy, nhất là tại các khu chung cư, nhà cao tầng đều rất nguy hiểm, bởi đây là nơi tập trung đông người, nếu không bình tĩnh xử lý, đám cháy sẽ nhanh chóng lây lan, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, trước hết cần điện thoại báo ngay cho lực lượng cứu nạn theo số 114 và nhanh chóng thông báo cho những người trong gia đình và những người sống trong khu vực. Sử dụng mặt nạ chống khói hoặc khăn vải, chăn mền, khẩu trang và quần áo mặc trên người nhúng ướt nước che mặt, mắt, mũi để tránh khói độc và nhiệt độ cao từ đám cháy tỏa ra, cố gắng bò hoặc khom người gần sát nền nhà hành lang, men theo tường hành lang để đến cầu thang bộ nơi gần nhất để thoát xuống đất. Nếu bị kẹt trong nhà, trong phòng thì phải dùng khăn vải, chăn mền đã nhúng ướt chèn chặt các cửa, các khe hở để tránh cho khói lọt vào, đồng thời ra ban công, cửa sổ vẫy tay gọi cứu giúp. Có thể dùng dây, vải hoặc các vật nối vào nhau để thoát xuống nơi an toàn, lưu ý các vật nối vào nhau phải kiểm tra khả năng chịu lực của các vật đó, nối dây buộc vòng ngang người để đảm bảo an toàn trong trường hợp bị trượt tay khỏi dây. Tuyệt đối không được ẩn nấp trong tủ, sau cửa, dưới gầm giường hoặc những chỗ khuất kín, vì đây là những chất dễ bắt cháy rất nguy hiểm và khó phát hiện khi lực lượng chức năng đến ứng cứu.

Minh Vân – Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỏa hoạn – nỗi lo thường trực!  Bài 2: Phòng cháy, thoát hiểm - yếu tố sống còn