Theo dõi trên

Hoài sơn… mùa tết

28/12/2018, 10:30 - Lượt đọc: 360

 Vào rừng

BT- “Định vô núi Tà Đặng hay rừng sến? Nếu đi rừng sến, cần mang nước nhiều một chút vì ở đó ít suối”,  Năm Rừng, một người ngoài 50 tuổi, vừa rót trà ra chiếc ly nhỏ vừa hỏi Hai Tích, người lớn nhất trong nhóm đàn ông.

Tối hôm trước, Hai Tích và gần chục anh em khác ngủ tại nhà Năm Rừng để sáng ra vào khu  Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, bởi vậy khi Năm Rừng thức dậy pha trà sớm, cả nhóm cũng thức theo. Hai Tích đáp: “Đi phía động sau nhà mình đây, chú!”. Năm Rừng thủng thẳng: “Hướng đó là thẳng vô núi Tà Đặng. Rừng ở Tà Đặng cây to, hoài sơn có phần dày”. Lúc này trời sáng tỏ. Nhóm đàn ông tỏ ra vội vàng. Mỗi người  xách trên tay một chiếc giỏ nhựa kiểu giỏ đi chợ, bên trong  có chiếc túi vải đựng cà mèn cơm, chai nước, còn tay kia cầm một chiếc thuổng cán dài, không quá nặng. Bắt đầu từ Hai Tích, nhóm đàn ông, từng người xỏ một đầu cán thuỗng qua đôi quai chiếc giỏ nhựa, rồi gánh lên vai. Chiếc thuỗng trở thành chiếc đòn, gánh mọi thứ đi rừng. Họ theo lối đi nhỏ ngang qua bàn nước trà của  Năm Rừng ra nhà sau, rồi từ đó leo con dốc cát đầu tiên để vào vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú…

                
Hoài sơn bán theo ký tại nhà Năm Rừng.

 Nhà Năm Rừng

Xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) có 4 thôn: Kê Gà, Văn Kê, Thạnh Mỹ và Cây Găng, nằm dọc đường tỉnh 719, bọc lấy một phần Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có diện tích khoảng 11.886 ha. Từ hồi chiến tranh, rừng ở đây đã đùm bọc người dân trong vũ trang đánh địch, cũng như cung cấp một phần lương thực - thực phẩm cho dân. Chính vì vậy, ngày nay, nghề đào hoài sơn, một loại củ có nguồn gốc từ rừng, ăn được, vẫn được  nhiều gia đình ở Tân Thành gìn giữ. Năm Rừng là một trong những gia đình như vậy, nhưng anh khác với nhiều người là từng sống nhiều năm trong rừng, từ hồi tham gia đội công tác xã. Năm Rừng thuộc 10.000 ha rừng trên đất thấp của toàn khu bảo tồn như thuộc lòng bàn tay mình. Tân Thành xưa nay vẫn “trước biển, sau rừng”. Đất hẹp, chẳng màu mỡ nên cả thời chiến tranh, người dân chẳng lúc nào dư dật. Người tham gia cách mạng ở trong rừng vì vậy lại càng gian nan. Những lúc địch truy lùng, thiếu gạo tiếp tế, Năm Rừng đào hoài sơn nấu đủ món, ăn trừ bữa cả tháng. “Hoài sơn nấu lá giang, lá bép, me đất… làm canh, chà thành bột đổ bánh xèo… món nào cũng ngon. Được cái, không bị say như củ nần...”, Năm Rừng nói  khi Hai Tích ngủ lại nhà ông lần đầu để hôm sau mua hoài sơn chở về Bà Rịa - Vũng Tàu, vào mấy năm trước. Chính vì vậy, sau giải phóng khi rỗi việc công an xã, Năm Rừng vẫn vào rừng đào khoai, lấy mật ong… phụ vợ nuôi con. Các con ông lớn lên cũng tiếp tục vào rừng như cha. Cả gia đình gần đây trở thành điểm cung cấp hoài sơn cho các nơi. Sống với nghề cung cấp, Năm Rừng học để biết thêm chút ít về sản phẩm mình bán ra, để giới thiệu với khách. Chẳng hạn, Năm Rừng hay nói với nhiều người: “Hoài sơn còn gọi là củ mài, sách gọi là thư dự, sơn dược... ngon bổ và không phải nơi nào cũng có. Là một trong những vị thuốc cổ, được ghi trong sách “Danh y biệt lục”, “Thang dịch bản thảo”. Đông y cho rằng: Hoài Sơn trị tiêu khát, cầm tiêu chảy, bổ  tỳ, bổ âm…  vị ngọt, tính bình. Bổ tỳ mà không làm khô  người, bổ âm mà không làm đầy trệ…, vì vậy mọi người nên ăn hoài sơn một đôi lần trong năm…”.

Điểm cung cấp hoài sơn Năm Rừng, do đó ngày càng được nhiều người biết. Ai muốn mua đôi ba tạ cũng nhờ vợ Năm Rừng là cô Dung gom cho. Nhà Năm Rừng trở nên đông người từ tháng 7, khi mùa hoài sơn bắt đầu cho tới tháng 12 hàng năm. Còn vì sao là tháng 7, Năm Rừng giải thích: Trong Khu bảo tồn Tà Cú đa phần là rừng  trên chân đất cát pha thịt. Hoài sơn thích hợp đất ấy. Từ tháng 5 - 6, mưa thường xuyên, đất mềm ra, củ hoài sơn dễ dàng đâm sâu vào lòng đất.  Đến tháng 7 bắt đầu mùa đào vì khi ấy xúc thuỗng nào thì thuỗng ấy đầy đất, đất không chảy lại hố đào như những tháng nắng. Còn tháng 12 là “vét cú chót” vì trời thôi mưa. Điều này giải thích vì sao đêm qua Hai Tích có mặt tại nhà Năm Rừng.

 Hoài sơn mùa tết

Nhóm của Hai Tích, sau khi leo con dốc sau nhà Năm Rừng nhắm núi thẳng tiến. Hai Tích đi sau cùng. Anh nói với mấy người bạn cùng ở Bà Rịa: “Mấy ngày nay trời nắng, đất khô nhanh. Nếu đào, cũng chỉ được mấy ngày nữa thôi. Anh em mình, ai có vốn  thì chịu khó ở  thêm vài ngày, gom cật lực mới đủ hàng bán Tết Kỷ Hợi này. Hoài sơn tết năm ngoái, vợ mình bán 80.000 đồng/kg mà không có hàng”. Hai Tích dứt lời, thì thanh niên rất trẻ hỏi lại: “Em hỏi thiệt,  anh Tích trữ được mấy tấn rồi vậy?”. Hai Tích đáp: “Tiền đâu mà trữ mấy tấn mầy? Tháng trước vợ ông Năm Rừng bán hoài sơn với giá 40.000 đồng/kg, mấy chỗ bên thôn Thạnh Mỹ, giá  50.000 đồng/ kg”. “Hỏi cho biết vậy mà. Trong mấy anh em đây, anh kinh doanh hoài sơn sớm hơn bọn em. Bọn em quá lắm là đi đào lấy công làm lời nuôi vợ con”.  Nghe anh thanh niên trẻ nói vậy, Hai Tích cười giòn. Tiếng cười làm họ quên đi con dốc ngược phía trước khi đi sâu vào rừng. Hôm nay đi vào núi Tà Đặng có khá nhiều nhóm, từ các hướng. Hai Tích nhận ra mấy người cũng mua hoài sơn chở về Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn bán lại như anh. Sức hút của loại củ rừng này thật lớn. Mấy ngày tết, người ta nạp vào người nhiều đạm động vật hơn rau củ quả, dễ bị ích bụng, phải nhờ đến hoài sơn mà giải... Chưa nói, người bị viêm phế quản mãn tính, người cao tuổi trước những cơn gió mùa đông se lạnh, phổi yếu, ho có đàm, chỉ cần 100 - 200 gram hoài sơn tươi nấu nước uống, đàm sẽ bớt. Nhưng thôi đó là chuyện sau,  bây giờ phải là mỗi người một hướng để chiều có một ít củ mang về. 4 giờ chiều là thời điểm Hai Tích hẹn mọi người tập trung về nhà Năm Rừng. Nói rồi, Hai Tích  nhanh chân bước thẳng về chân núi. Ở chân núi Tà Đặng, cây rừng mọc san sát. Những tháng mưa, hoài sơn giăng mắc trên cây, ai tinh mắt dễ nhận ra ngay cái màu xanh sậm, hình trái tim của lá. Nhưng lúc này, sự màu mỡ của lá, cái sắc hơi hồng của thân dây hoài sơn đã nhạt đi bởi nắng gió, nên rất khó nhận biết. Hai Tích từng nghe kể: Gặp đất tốt và xốp, dây hoài sơn có đến mấy chục ký củ, nhưng bây giờ khó lòng tìm thấy dạng hoài sơn như vậy vì mấy tháng qua có hàng ngàn người từ các nơi vào rừng. Bởi vậy khi thấy vài dây khoai nhỏ ở trước mặt, Hai Tích không bỏ qua. Hai Tích hy vọng cả ngày hôm nay, nếu kiên nhẫn và chịu khó leo lên  lưng chừng núi, biết đâu anh sẽ tìm được những dây hoài sơn còn xanh dây, củ to hơn.  

                
Vận chuyển hoài sơn về Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ấm tình

 Cả nhóm rời rừng khi chiều đến. Hai Tích rời rừng sau cùng với chiếc giỏ nhựa trong đựng khoảng 10 kg hoài sơn của một ngày đào. Đến nhà Năm Rừng, từng người ngồi bệt xuống nền xi măng, suy tính những điều trong lòng. Chẳng ai nói cười như mọi khi. Năm Rừng nhìn bộ dạng của Hai Tích là biết cả nhóm đào không ra gì. Chờ cho tối lúc cả nhóm tắm rửa xong, bàn định ngày mai tiếp tục đào hay về, Năm Rừng  nói với Hai Tích: “Anh em mình như người trong nhà. Mấy chú buồn, tui cũng chẳng vui. Thôi thì… lâu nay sau vườn nhà tui, chỗ sáng nay anh em leo dốc, tui có trồng hoài sơn theo cách thả chói, theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Hôm kia đào thử, củ khá to. Anh em cần, mai ra vườn mà đào. Giá thì như hoài sơn rừng thôi.  Nếu chưa đủ thì ở lại  nhà tui một hai ngày đi lùng ở Thạnh Mỹ, Kê Gà… thử. Còn trữ hoài sơn cũng dễ thôi. Dùng 4 tấm ván quây lại, dưới đổ cát ẩm, giữa bỏ hoài sơn, trên cùng là lớp cát dày. Bằng cách đó, hoài sơn bán được qua tết…” - Năm Rừng dứt lời, cả nhóm đều bất ngờ. Lâu nay, quen Năm Rừng nhưng họ không biết ông già sống chí tình đến vậy. Có thể đó là cách sống của người Tân Thành, những người mà ngay buổi đầu tiên gặp, Hai Tích đã thấy gần gũi. Hoài sơn của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú rồi sẽ được nhiều người biết. Nhóm của Hai Tích rồi sẽ lên đây nhiều lần vì việc làm ăn, song bên cạnh đó, Hai Tích còn gặp ở đây: Tình người. Tình của những con người ở một vùng đất đầy khó khăn, nhưng nghĩa hiệp và giàu lòng giúp đỡ người khác.

Ký: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoài sơn… mùa tết