Theo dõi trên

Hồng Nhạn xứ biển

02/09/2017, 09:00

Về chị

BT- Chị là Lâm Thị Hồng Nhạn, sinh ra và lớn lên tại phố biển La Gi. Chị từng là Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Hàm Tân (nay là thị xã La Gi) nhiều năm liền; là chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2000. Hiện chị nghỉ hưu tại phường Phước Hội, La Gi.

                
      
   Chị Hồng Nhạn (trái) tiếp cố Tổng Bí    thư Nguyễn Văn Linh khi ông thăm La Gi năm 1992. Ảnh tư liệu

Căn nhà nằm gần cuối đường Lê Lợi, mặt hướng ra phía biển Đông, chỗ ở của chị, nguyên trước đây là hiệu thuốc bắc Đại Đồng. Nơi ngày xưa cô nữ sinh Hồng Nhạn theo cha hoạt động cách mạng. Nơi lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam  bay trong gió đúng vào thời điểm lịch sử cuối năm 1972. Nơi chị 2 lần giã biệt gia đình bước vào vòng lao lý. Nơi, 25 năm sau ngày thống nhất, chị tần tảo nuôi người mẹ  liệt sĩ và người em là thương binh, cũng là nơi tết năm 2000, chỉ trong 1 tuần, chị 2 lần chít khăn tang tiễn biệt mẹ và em trai về cõi vĩnh hằng.

Nhà xưa giờ còn mỗi mình chị. Nhang khói trầm lặng tỏa bay. Bước chân chị nhỏ nhoi lên xuống chiếc cầu thang hẹp. Gió biển thì thầm qua ô cửa nhỏ, dễ làm người ta chạnh lòng vào nỗi nhớ. Tự nhiên vào thời khắc này lòng tôi thấy thương chị hơn. Cuộc đời chị là sự thầm lặng hiến dâng. Đồng đội chị kể lại: Ngày xưa cô nữ sinh Hồng Nhạn đẹp người, đẹp nết, sống chân thật, bao dung, được nhiều chàng trai  tơ tưởng. Nhưng định số lại an bày để chị ở vậy nuôi mẹ, nuôi em và cống hiến. Có người lại bảo: Kể từ tan vỡ mối tình đầu, chị quyết lòng ở vậy. Cũng có người nói, tuổi thanh xuân của chị gần như gởi chốn lao tù với 2 lần bị bắt, bị đày đi Côn Đảo, khi ra tù lửa yêu đương đã lạnh tàn. Với tôi, cho dù nguyên nhân gì đi nữa, chị Nhạn như bao nhiêu người con gái Việt Nam khác đã hy sinh tuổi thanh xuân mình cho cuộc chiến vệ quốc vĩ đại nhất. Đó là sự hy sinh lớn lao rất đáng trân trọng. Đúng ra tôi không nên chạm vào những nỗi niềm thăm thẳm tự đáy lòng của chị, nhưng khi viết về chị, tôi lại không thể bỏ qua sự mất mát lớn nhất của đời con gái mà chị gánh chịu. 

Theo cách mạng

Sinh năm 1942, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha làm nghề thầy thuốc, mẹ giỏi thi phú... năm 15 tuổi, Hồng Nhạn tìm đến cách mạng. Năm 1958, chị được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, rồi với vai nữ sinh, được tổ chức phân công hoạt động nội thành, chuyên vận động thanh niên, học sinh tham gia chống Mỹ cứu nước. Năm 1968, chị bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Sau nhiều lần tra tấn chúng không khai thác được gì ở chị đành thả chị về. Không nao lòng, thoái chí, chị vẫn kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, theo con đường mà 2 người anh chị đã chọn, đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Đầu năm 1973 cơ sở bị bại lộ. Địch phát hiện cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cất giấu trong nhà chị. Số cờ chị chuẩn bị để treo đúng vào thời điểm ký Hiệp định Pari. Địch lấy cờ Giải phóng treo lên nóc nhà rồi bắt chị và người em trai Lâm Hồng Đồ, sinh viên trường luật. Địch đưa chị từ nhà tù này sang nhà tù khác, vừa dụ dỗ, vừa dùng nhiều hình thức tra tấn dã man, hòng buộc chị khai ra cơ sở cách mạng. Nhưng không, chị luôn giữ vững khí tiết. Biết không moi ra được gì ở chị, cuối cùng chúng đày chị đi Côn Đảo với án tù chính trị vô thời hạn.

Ngày 30/4/1975 miền Nam  giải phóng. Ngày 6/5/1975, chiếc tàu chở những người tù Côn Đảo cập bến Rạch Dừa - Vũng Tàu. Tại đây chị vô cùng hạnh phúc khi được thấy đất liền; được gặp người anh con ông bác ruột trong đoàn quân tiến về Sài Gòn: Phóng viên chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Hai mươi năm xa cách, phút giây hội ngộ bất ngờ đầy xúc động, hai anh em ôm nhau, nước mắt chan trên nụ cười. Cũng từ dịp gặp gỡ này, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long có được khoảnh khắc kỳ diệu với bức ảnh “Mẹ con người tử tù”. Bức ảnh góp phần tạo nên vinh quang cho ông qua Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao tặng lần thứ nhất. 

Từ nhà tù trở về

Chị về lại La Gi, về lại mái nhà xưa. Bên cạnh niềm vui sum họp, trong chị lại chồng chất những lo toan với người mẹ già và đứa em cựu tù Côn Đảo bị đánh đập thành người đãng trí. Nhưng với bản chất kiên cường, chị  vượt qua mọi gian khó để vừa tham gia công tác phụ nữ, vừa nuôi mẹ, nuôi em. Hai mươi lăm năm, khoảng thời gian bằng một phần tư thế kỷ có ngắn ngủi gì đâu qua nhiều đêm thức trắng, qua bao lần lặn lội xuống xã, xuống thôn. Không biết đi xe đạp, xe gắn máy, đường gần chị lội bộ, đường xa chị đón xe ôm. Cứ vậy 25 năm chị ròng rã lăn lộn với phong trào phụ nữ.

Hai mươi lăm năm tham gia công tác phụ nữ, hai mươi năm được bầu làm Chủ tịchhội. Bảy lần đắc cử Hội đồng nhân dân huyện. Chừng ấy thời gian, chừng ấy chức vụ nói lên bề dày uy tín và tính năng động của chị. Rất vô cùng xứng đáng, năm 1990 và năm 2000 chị 2 lần được Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận tặng bằng khen 10 năm giỏi việc nước, đảm việc nhà. 5 năm liền được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tặng bằng khen giỏi việc nước, đảm việc nhà. Năm 2000 chị được bầu chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Con người chị rất thẳng thắn, trung thực nhưng cũng rất nhạy cảm. Đang cười rộn rã như suối reo, bất chợt có nỗi niềm chi đó, nước mắt đã rưng rưng. Có lần hai chị em ngồi tâm sự, tôi đánh bạo hỏi: “Không có chồng con chắc buồn lắm phải không chị?”. Chị cười to rồi trả lời: “Ai cũng bảo vậy nhưng mình thấy có chi đâu”. Hai chữ “chi đâu” cuối câu nó lìm lịm, cay cay, buồn buồn sao ấy! Mắt đỏ hoe, chị khéo léo chuyển vấn đề: “Hồi mẹ với em còn sống, nhiều đêm thức trắng hai tay cầm quạt dỗ  giấc ngủ cho mẹ, cho em vẫn không biết mệt. Còn bây giờ, sớm tối một mình đối diện với kỷ niệm, với di ảnh người thân mới thấm thía nỗi cô đơn!”.

Dễ cười, dễ khóc vậy nhưng khi lao vào đấu tranh cho lẽ phải, người ta lại thấy chị kiên cường không khoan nhượng.

Vâng, tất cả đã tạo nên một nét rất riêng của chị Lâm Thị Hồng Nhạn. Một con người kiên cường và nhân hậu. Thẳng thắn và nghĩa tình.

Sóng vẫn âm vang nơi bãi bờ cách bến. Gió vẫn thầm thì qua ô cửa nhỏ. Xin được một lần sẻ chia cùng chị...  

NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồng Nhạn xứ biển