Theo dõi trên

Kép nhảy

17/07/2018, 09:11

BT- Khiêu vũ là hoạt động văn hóa, một bộ môn nghệ thuật giải trí. Nhưng thực tế ngoài giá trị tinh thần, khiêu vũ đang bị một số người biến thành một sân chơi kệch cỡm của những người rủng rỉnh tiền. Không phủ nhận kép nhảy ở những sân chơi hát với nhau kèm khiêu vũ, các phòng trà thực sự yêu nghề ít ỏi còn tồn tại, kép nhảy có vẻ như thiếu hụt vì thế mà…!

                
   Một sàn nhảy ở Phan Thiết.

Nở rộ như nấm sau mưa

Thành phố Phan Thiết, trước đây nhắc đến khiêu vũ sẽ là Tiếng Xưa, Lâm Kiều, Giai Điệu... Mỗi đêm ở những sân khấu ấy sáng đèn, đáng mừng là khi đó những phòng trà này đã tạo được nên nét sang trọng, lịch thiệp của những người yêu thích khiêu vũ. Thời điểm đó, các ca sĩ phòng trà một thời sống được dù chẳng đình đám như những phòng trà khác như TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng đủ sức tạo ra những điểm vui chơi lành mạnh, thư giãn đúng nghĩa.

Vậy mà, chẳng bao lâu vì những điều khách quan nhu cầu ca hát bỗng trở nên bật dậy, ai cũng có thể lên sân khấu, ai cũng hát, nhiều quán chỉ hát với nhau, hát bất chấp, dân khiêu vũ chuyên nghiệp dần cũng rút khỏi những nơi như thế. Do chạy theo “phong trào” nên không ít quán ế dần và một vài nơi đóng cửa. Giờ chỉ còn lại Lâm Kiều với không gian đúng kiểu ca nhạc khiêu vũ. Thay vào đó, những sân chơi hát với nhau mọc như nấm sau mưa, vừa hát vừa khiêu vũ. Nội thành Phan Thiết có Sơn Ca, Phương Đông, Phương Vy, Lâm Kiều và Giai Điệu nay hoạt động trở lại vào tối thứ ba hàng tuần. Phong trào khiêu vũ phát triển mạnh, đi đâu cũng thấy người ta nhảy, nhảy bất chấp bất kể sân khấu nào. Tuy nhiên, khi phong trào bùng phát, đa phần phụ nữ lại thích khiêu vũ và xem đó là thú vui, là thể dục để có giấc ngủ ngon. “Tối nào cũng đi, đi riết quen. Ở nhà buồn, gần như tối nào chị cũng đi chơi 2, 3 quán” – chị Xuân Mai ở Phú Thủy chia sẻ.

Và ở những sân chơi như thế, gần như họ biết nhau, thân nhau và cũng dễ dàng chê bai nhau để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Giới trẻ thì ít, nhưng phụ nữ trung niên, luống tuổi gần như có mặt hằng đêm ở những sân chơi này: xiêm y lộng lẫy, son phấn đậm đà như muốn lấy lại thanh xuân của chính mình khi đã trải qua cuộc mưu sinh vất vả. Và ở đó, kép xuất hiện để dìu các chị từng bước trên sàn, sẽ xuất hiện kép nhảy! 

Kép nhảy, là ai?

Do quá trình hay hát ở những quán hát với nhau, từ khiêu vũ đến không khiêu vũ, tôi nhẵn mặt các chị, các anh kép. Có người tôi kết thân, như cách xã giao của những con người sinh hoạt trong lĩnh vực văn hóa. Tôi biết T – xuất thân là người thợ sắt. Từng sinh hoạt trong nhóm ca để thỏa đam mê ca hát, nhưng T thích khiêu vũ. Và T bắt đầu tìm đến những bước nhảy, tập tành ngày càng cứng nghề nhưng chưa phải giỏi nghề. Nhảy cũng chẳng đẹp nhưng T lại nhanh chóng “lấy lòng” được những tâm hồn đang trơ trọi. Để có kép nhảy với mình, các chị không những mạnh tay chi cho mỗi đêm 1 ly nước và trả công hậu hĩnh 250.000 đồng. T bắt đầu chuyên tâm làm kép nhảy và lân la ở các tụ điểm kiếm sống. Nghề chính chẳng còn mặn nồng, T để thời gian đáp ứng cho nhu cầu của mình, T không chỉ dìu đào mà còn cặp với rất nhiều phụ nữ “cô đơn” khác. Có 2 đời vợ, giờ nhiệm vụ của T là mỗi ngày đưa vợ 200.000 đồng để thản nhiên cặp kè với khách hàng, thậm chí họ sẵn sàng mặc trang phục đôi, mang giầy đôi. Thậm chí được tặng điện thoại đắt tiền và trả những món nợ cho T trước đó. Người vợ chỉ biết im lặng vì quá hiểu tính trăng hoa nên nhắm mắt cho qua.

Tương tự, H trẻ hơn, xuất thân là dân nông thôn làm quen với ca hát và khiêu vũ. Nắm được nhu cầu, H cũng dần trở thành kép nhảy chính ở một số sân chơi. Có dạo, H là kép nhảy riêng cho một phụ nữ gần 60 tuổi. Và hàng đêm, H trở thành “độc quyền” dìu nhau trên sàn. Kết thúc những cuộc vui, họ cùng nhau ăn uống, lai rai đến khuya. Nhưng chuyện đời khó đoán, thời gian không bao lâu, họ lại xảy ra mâu thuẫn. Ở những sân chơi này, bằng mặt với nhau chứ chưa hẳn bằng lòng, chuyện đơm đặt, nói xấu nhau chẳng mấy chốc bị lộ ra ngoài. H và người phụ nữ đó đường ai nấy đi. Kép nhảy, giờ gần như là nghề kiếm sống nên sau đó H lại gần gũi với phụ nữ khác hơn mình. Đêm đêm họ lại cùng sánh bước ở các sàn khiêu vũ. Không biết vợ của H có biết không? Khi chuyện họ cùng nhau ca hát, cùng nhau mặc đồ đôi công khai trên sân khấu là chuyện cơm bữa. Thậm chí khi người chồng của chị kia vắng nhà, nhạc công còn được mời đến tập nhạc cho cả hai ở nhà riêng.

Khiêu vũ không xấu, mà là một nét đẹp văn hóa cho những ai thực sự đam mê, yêu thích, nhưng nó dần biến tướng của một số người như một cách thể hiện mình, một cách mà những kép nhảy kiếm sống và hình thành nghề. Họ bất chấp dư luận, bất chấp cả những điều tiếng chỉ để thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu của nhau. Hình thành lối sống thực dụng, không chỉ có trong giới trẻ. Xin mượn câu nói của người đã từng gắn bó với khiêu vũ, để kết thúc bài viết này: “Riết sân chơi lành mạnh trở thành rẻ tiền mà một số người trong cuộc cứ nghĩ mình thanh cao”.

Phóng sự xã hội: Lê Cẩm Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kép nhảy