Theo dõi trên

Khó khăn giữ rừng vùng giáp ranh

26/03/2019, 09:08

BT- Theo đánh giá của huyện Bắc Bình, qua 5 năm thực hiện Quyết định số 1947 về Quy chế phối hợp bảo vệ rừng của tỉnh, số vụ vi phạm khai thác, vận chuyển gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn huyện tuy có giảm nhưng mức độ thiệt hại còn lớn. Tình trạng khai thác gỗ trái phép vùng rừng giáp ranh và các khu vực nội huyện thuộc xã Phan Sơn, Phan Lâm vẫn chưa ngăn chặn triệt để…

                
Hiện trường 1 vụ phá rừng ở Bắc Bình.

 Nỗ lực phối hợp 3 bên

Rừng huyện Bắc Bình giáp với rừng tỉnh Lâm Đồng là huyện Di Linh và huyện Đức Trọng, bao gồm 22 tiểu khu với tổng chiều dài vùng giáp ranh khoảng trên 90 km. Tài nguyên rừng của Bắc Bình khá phong phú, đa dạng với nhiều loại gỗ quý như hương, trắc, sao, căm xe…  Đối tượng phá rừng vùng giáp ranh hầu hết là công dân thuộc các xã Tà Năng, Ninh Loan, Đà Loan, Đa Quyn thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên xâm nhập vào khu vực rừng của huyện Bắc Bình khai thác gỗ trái phép và vận chuyển về tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ. Tại Bắc Bình, đối tượng phá rừng chủ yếu là công dân thuộc các xã Phan Thanh, Phan Hòa, Bình Tân, Sông Lũy, Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, thị trấn Lương Sơn thường xuyên tổ chức lén lút vào các khu vực rừng của xã Phan Tiến, Phan  Sơn, Phan Lâm, Bình An để khai thác gỗ trái phép. Sau  đó, các đối tượng này vận chuyển bằng xe bò, xe máy độ chế theo các tuyến về hướng huyện Bắc Bình để tiêu thụ.

Trước tình hình trên, thực  hiện  Quyết  định  1947 của tỉnh về Quy chế phối hợp giữa chủ rừng, UBND cấp xã và Hạt Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. UBND huyện xây dựng các quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình (Bình Thuận) với huyện Di Linh, Đức Trọng (Lâm Đồng). Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo kịp thời các lực lượng chức năng tổ chức phối hợp tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Mặt khác, huyện đã chỉ đạo nhiều biện pháp cụ thể, kiên quyết ngăn chặn, xử lý đẩy lùi tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép, chống người thi hành công vụ trên địa bàn huyện.  5 năm, Bắc Bình đã tổ chức được 882 đợt kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các khu vực trọng điểm xảy ra phá rừng và vùng giáp ranh. 

Tiếp tục truy quét chống phá rừng

         
      Qua 5    năm, toàn huyện có 944 vụ vi phạm các quy định Nhà nước về quản lý    bảo vệ rừng được xác lập hồ sơ xử lý, trong đó, 915 vụ xử lý hành    chính, 29 vụ khởi tố hình sự. Tổng số tiền thu phạt và bán lâm sản    tịch thu gần 6 tỷ đồng đã nộp ngân sách theo quy định của Nhà nước.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của huyện, tình trạng khai thác gỗ trái phép vùng rừng giáp ranh với các xã Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng - huyện Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng và các khu vực nội huyện thuộc xã Phan Sơn, Phan Lâm vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc tổ chức phối hợp truy xét, triệt phá các đối tượng cầm đầu, băng nhóm phá rừng, chống đối, cản trở lực lượng bảo vệ rừng còn hạn chế… Để thực hiện tốt Quyết định 1947, huyện Bắc Bình đang yêu cầu Hạt Kiểm lâm chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra truy quét chống phá rừng, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt là các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác trái phép lâm sản vùng giáp ranh; vùng nội huyện, nhất là tại lâm phần Ban QLRPH Sông Lũy. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp kịp thời với các trạm bảo vệ rừng của chủ rừng tổ chức kiểm tra rừng theo quy chế phối hợp giữa 3 bên.

Đối với các đơn vị chủ rừng thực hiện kiên quyết các biện pháp chống phá rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, có kế hoạch khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng và trồng lại rừng trên đất bị phá, bị lấn chiếm. Chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng chủ động bám rừng, kiểm tra, ngăn chặn hoặc phối hợp nhất là các khu vực có nguy cơ phá rừng cao, khu vực còn nhiều cây gỗ có giá trị kinh tế. Đối với các xã trọng điểm phá rừng như Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến cần chỉ đạo công an, địa chính xã phối hợp kiểm tra, xác minh, quy chủ, kiên quyết  xử lý các vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và xóa bỏ các tụ điểm tàng trữ, kinh doanh, chế biến lâm sản, động vật  rừng trái phép…

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn giữ rừng vùng giáp ranh