Theo dõi trên

Khó vì nhiều quy định bất cập, chồng chéo trong tổ chức bộ máy

09/03/2017, 15:28

BTO- Thời gian qua, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện trên địa bàn Bình Thuận sau khi được sắp xếp đã từng bước hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan được xác định rõ hơn. Tuy nhiên, nhìn chung bộ máy hành chính địa phương vẫn còn một số bất cập mà nguyên nhân là do các quy định từ Trung ương còn chồng chéo nhau làm cho cơ sở rất khó thực hiện. Có thể nêu một số trường hợp nổi lên như sau:

1. Mô hình bên trong chi cục lại có đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tư cách pháp nhân đầy đủ, nên bộ máy tiếp tục cồng kềnh. Ngoài một số công chức chuyên môn nghiệp vụ, chi cục cần phải có thêm một bộ máy, biên chế, trụ sở, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, xe công… cho hoạt động. Trong lúc đó, mối quan hệ công tác của chi cục và các đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện vẫn phải thông qua đầu mối quản lý là cấp sở. Vì vậy mô hình này cần phải nghiên cứu cho hợp lý và thực tế hơn.

 2. Theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế thì 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được thành lập Phòng pháp chế. Tuy nhiên các Thông tư liên tịch hướng dẫn trong quy định về cơ cấu tổ chức đều không có Phòng pháp chế. Đồng thời Bộ Nội vụ chỉ giao 1 biên chế cho mỗi cơ quan khi được thành lập Phòng pháp chế. Rõ ràng việc không thống nhất giữa các quy định nói trên gây khó khăn cho quá trình thực hiện ở địa phương.

3.  Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định “không nhất thiết các sở đều có tổ chức Thanh tra, Chi cục và các đơn vị trực thuộc”. Tuy nhiên các Thông tư của bộ, ngành quy định cố định về cơ cấu tổ chức các chi cục dẫn đến khó khăn cho tỉnh trong việc chủ động thành lập hoặc không thành lập các chi cục phù hợp với nhu cầu, thực tế của địa phương.

4. Sự thiếu thống nhất trong các hướng dẫn của Bộ, ngành về quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện gây khó khăn lúng túng cho địa phương khi triển khai thực hiện, ví dụ như:

- Thông tư liên tịch số 34/2015/TTLT-BCT-BNV ngày 27/10/2015 quy định Chi cục trưởng QLTT là Phó Giám đốc sở kiêm nhiệm; trong khi Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV ngày 30/6/2015 cũng của 2 bộ này lại quy định Giám đốc, Phó Giám đốc sở không kiêm chức danh Trưởng các tổ chức, đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân.

- Thông tư 14/2015/TTLB-BNNPTNT-BNV quy định Phòng Nông nghiệp PTNT, Phòng Kinh tế có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản. Trong khi đó Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV và Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT- BCT- BNV ngày 30/6/2055 không quy định Phòng kinh tế và Phòng kinh tế -Hạ tầng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng…

Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực là phù hợp với xu thế phát triển trong quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên một số ngành lớn như Nông nghiệp, Y tế (đặc biệt ở những tỉnh có biển) chỉ bố trí 3 cấp phó sẽ khó khăn cho chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động.

5. Việc thẩm định và phân bổ biên chế chưa có cơ sở khoa học để xác định chính xác nhu cầu cần thiết trong sử dụng biên chế trong các đơn vị của tỉnh. Địa phương không chủ động được trong bố trí nguồn nhân lực khi cần thiết, dẫn đến có những nhiệm vụ không bảo đảm thời gian thực hiện. Chậm hướng dẫn về chức năng bộ máy và hoạt động của một số cơ quan; như đến nay Trung ương chưa có quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện…

Với những vấn đề nêu trên cho thấy trong quá trình xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính các cấp, nhất là cấp tỉnh và cấp huyện vẫn còn những khó khăn trở ngại do những quy định chồng chéo, bất cập từ các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn liên ngành; thậm chí là các Thông tư hướng dẫn của cùng Bộ, ngành về một nội dung cũng “đá” nhau. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, HĐND tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan sớm bổ sung, sửa đổi kịp thời, tạo sự thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho địa phương dễ áp dụng, thực thi trong việc xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 T. NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó vì nhiều quy định bất cập, chồng chéo trong tổ chức bộ máy