Theo dõi trên

Kiểm soát chặt chẽ việc bán trang phục vũ trang Việt Nam

18/02/2019, 08:52 - Lượt đọc: 36

BT- Thời gian qua ở nhiều địa phương trên cả nước đã phát hiện nhiều trường hợp các đối tượng mặc trang phục vũ trang Việt Nam nhằm mục đích lừa đảo, gây rối, thậm chí có đối tượng còn mặc quần áo của cảnh sát cơ động để chặn xe, trấn lột tiền người vi phạmluậtgiao thông. 

                
   Một số loại quân trang ngành công an được    bày bán trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Còn nhớ năm 2012, Công an thành phố Hà Nội khám phá thành công vụ giả danh quân nhân để lừa đảo “chạy” trường, đồng thời bắt giữ Bùi Thị Hạnh (SN 1980), trú tại tỉnh Hòa Bình. Đối tượng này thường mặc quân phục sĩ quan, đeo quân hàm thượng úy mạo danh công tác tại một tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng và có nhiều mối quan hệ có khả năng lo đầu vào các trường, học viện thuộc lực lượng vũ trang. Khi bị bắt đối tượng này khai nhận đã thực hiện thành công 18 vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng của các bị hại ở Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ. năm 2013, Công an huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội bắt quả tang Vũ Tuấn Anh (SN 1994) trú tại huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội mặc trang phục của cảnh sát cơ động đứng chặn phương tiện tham gia giao thông tại khu vực huyện Ứng Hòa để kiểm tra và trấn lột tiền người vi phạm giao thông. Gần đây nhất vào ngày 16/6/2018, đối tượng Nguyễn Hồng Thái (SN 1985) mặc sắc phục Cảnh sát đứng tại khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh giả danh cán bộ công an nhân dân nhằm mục đích gây rối, kích động người dân. Để có trang phục mang sắc phục quân đội, công an không có gì là khó bởi hiện nay trên địa bàn các tỉnh, trong đó có cả tỉnh Bình Thuận việc bán tràn lan quần áo lực lượng vũ trang vẫn đang diễn ra. Các bộ trang phục thường được bán ở các vỉa hè, vệ đường nơi có nhiều người qua lại là những bộ quần áo của bộ đội, cảnh sát giao thông, cảnh sát nhân dân, mũ các loại với giá chỉ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Các bộ trang phục dành cho lực lượng vũ trang còn kèm theo cầu vai, mũ, thắt lưng thuộc nhiều cấp bậc khác nhau. Đối với trang phục dành cho cảnh sát giao thông thường kèm theo súng giả, còi, gậy, thắt lưng… giống hệt các bộ trang phục dành cho Cảnh sát giao thông. Những bộ trang phục của ngành vũ trang không chỉ được bày bán tại vỉa hè mà còn được rao bán cả trên mạng Internet. Những bộ đồ này được khá nhiều phụ huynh ưa chuộng mua cho con em mình, sau đó chụp ảnh và đưa lên facebook. Năm 2017, Công an Bình Thuận phát hiện bắt đối tượng giả mạo công an và mua bán trái phép quân trang của lực lượng công an nhân dân trên mạng xã hội facebook. Đối tượng bị bắt là Võ Nhậttrường (18 tuổi) trú tại khu phố 5, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết. Trước đó, Trường đã lập facebook sử dụng 2 tên “Võ Nhật Trường” và “Nguyễn Nhật Huy” để thực hiện hành vi mua bán quân trang trái phép qua mạng Internet. Qua kiểm tra nhà riêng của đối tượng, lực lượng công an thu giữ nhiều quân trang của lực lượng công an nhân dân, trong đó có còng số 8 và bảng tên giả mang tên Võ Nhật Trường. Ngoài ra, trên trang facebook của Trường còn đăng bán hàng loạt các quân hàm cấp úy, cấp tá.

         
         Đối với việc quần áo chuyên ngành công an, quân đội được bày bán    tràn lan trên các thị trường, ngày 1/12/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo    các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh về việc xử lý tình trạng    kinh doanh, mang mặc trái phép quân trang quân dụng có màu sắc, kiểu    dáng giống quân phục của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, trang    phục giống quân đội nước ngoài và quân phục chế độ cũ.

Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an, quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang… là những mặt hàng thuộc danh mục cấm kinh doanh. Cá nhân, tổ chức nào kinh doanh mặt hàng cấm này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý việc buôn bán quần áo màu công an, bộ đội vào hành vi “buôn bán hàng cấm” còn gặp nhiều vướng mắc. Các đối tượng chủ yếu bán hàng giả, hàng nhái trong khi đó Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chưa có đăng ký bảo hộ về kiểu dáng, màu sắc cho quân phục, lễ phục. Theo báo cáo của các đội quản lý thị trường, trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở kinh doanh lưu động quy mô nhỏ bày bán áo rằn ri kiểu dáng, màu sắc gần giống lực lượng ngành quân đội và quần áo trẻ nhỏ có màu, kiểu dáng gần giống màu của công an giao thông và quân đội với số lượng ít. Do các cơ sở kinh doanh này chủ yếu là kinh doanh lưu động, không có địa chỉ cố định nên việc nắm tình hình, kiểm tra và xử lý các cơ sở trên gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường nắm tình hình kinh doanh mang mặc trái phép quân trang, quân dụng có màu sắc, kiểu dáng giống quân phục của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trên địa bàn. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương để kiểm tra, xử lý theo quy định.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát chặt chẽ việc bán trang phục vũ trang Việt Nam