Theo dõi trên

Kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường: “Chỉ cần 2 loại hồ sơ: thiết kế, môi trường đủ cơ sở cấp giấy phép khai thác cát”

15/06/2017, 09:16

BT - Giữa năm ngoái 3 doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá mỏ cát xây dựng, gồm DNTN Sơn Thắng (TP. Phan Thiết) được làm thủ tục tại mỏ cát xây dựng xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc rộng 15 ha; Công ty TNHH Trung Nguyên - mỏ vật liệu san lấp Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) rộng 20 ha; Công ty TNHH Nguyên Bình - mỏ cát bồi nền xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết rộng 17 ha. Các DN trên trải qua nhiều khâu thủ tục theo quy định tại hai Điều 47, 50 của Luật Khoáng sản năm 2010. Theo đó, DN lập hồ sơ cấp giấy phép thăm dò khoáng sản gồm 6 loại: đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, đề án thăm dò phù hợp quy hoạch, bản đồ khu vực, cam kết bảo vệ môi trường. Rồi thủ tục thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản gồm 4 loại: đơn đề nghị, bản sao đề án, giấy phép thăm dò khoáng sản, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng công trình thăm dò, báo cáo kết quả thăm dò kèm các phụ lục bản vẽ tài liệu nguyên thủy có liên quan và bản đồ số hóa… Với nhiều loại giấy tờ này đã mất đến 320 ngày DN mới được...

         
   

         

         Hậu quả nạn khai    thác cát lậu để lại ở Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc

Ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thừa nhận: “Luật Khoáng sản năm 2010 quy định thủ tục cấp phép khai thác đối với VLXD thông thường và khoáng sản quý hiếm khác như vàng, bạc, titan, than đá… như nhau. Trong khi thực tế các loại khoáng sản VLXD thông thường có giá trị thấp, phương pháp khai thác lộ thiên, thiết bị khai thác đơn giản. Vì vậy, việc quy định thủ tục cấp phép các loại khoáng sản giống nhau là không hợp lý. Chính vì lý do lập nhiều thủ tục cấp phép, mất nhiều thời gian đối với VLXD thông thường, các cơ sở, DN có tâm lý e ngại lập thủ tục hồ sơ, nên lén lút khai thác vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần, gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng cảnh quan môi trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương, như ở xã Gia An, Tánh Linh; Hàm Liêm, Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc; huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tuy Phong”. Ông Lê Hùng Việt nói thêm, ở một góc độ khác, tồn tại khai thác cát lậu lâu dài, do một số địa phương chưa xử lý mạnh mẽ, cương quyết đối với người đứng đầu chính quyền sở tại, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép, tái diễn nhưng không xử lý dứt điểm.

Được biết, thời gian qua UBND Bình Thuận đã có các văn bản đề nghị bộ, ngành Trung ương chỉnh sửa thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đối với loại khoáng sản làm VLXD thông thường theo hướng đơn giản thủ tục, không như thủ tục cấp phép các loại khoáng sản quý, hiếm hoặc có giá trị cao như vàng, titan, cát trắng thạch anh. Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “UBND tỉnh vừa kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường tham mưu Chính phủ xem xét cắt giảm thủ tục thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với một số loại khoáng sản VLXD thông thường, đơn giản, như đá chẻ, cát bồi nền, cát xây dựng, vật liệu san lấp. Chỉ cần hồ sơ thiết kế, hồ sơ môi trường là đủ cơ sở cấp giấy phép khai thác khoáng sản VLXD thông thường này”. Có được điều ấy, nhiều DN nhỏ và vừa Bình Thuận mới có điều kiện khai thác mỏ cát quy mô nhỏ, cung cấp cho đông đảo khách hàng đang có nhu cầu xây dựng hàng năm; đóng góp ngân sách địa phương khá lớn khi khai thác tài nguyên này. Nguồn cung hợp pháp dồi dào, nạn cát tặc sẽ dần được đẩy lùi, chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong quản lý, chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu hoành hành lâu nay.

 Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường: “Chỉ cần 2 loại hồ sơ: thiết kế, môi trường đủ cơ sở cấp giấy phép khai thác cát”