Theo dõi trên

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết đất cho đồng bào

18/05/2017, 08:48

BT- Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Tuy nhiên địa bàn tỉnh hiện còn có trên 8 ngàn hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.

                
   Đồng bào DTTS thu hoạch mì.

Trên 8.300 hộ thiếu đất

Bình Thuận có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 đồng bào DTTS, chiếm trên 8% so với dân số của tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú rộng khắp ở các địa bàn trong tỉnh với hình thức phổ biến là sống xen kẽ nhau. Riêng một số dân tộc sống tập trung hình thành các thôn, xã thuần như các dân tộc: Raglai, K’ho, Chơro sống ở 11 xã thuần và 20 thôn xen ghép thuộc địa bàn vùng cao; dân tộc Chăm sống ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép ở ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; các dân tộc Tày, Nùng, Hoa sống ở 2 xã và 2 thôn xen ghép ở vùng đồng bằng, núi thấp. Theo thống kê đến cuối năm 2016, đồng bào DTTS đang sở hữu gần 16 ngàn ha, trong đó 4.273 ha đất trồng cây lâu năm, 11.544 ha đất trồng cây ngắn ngày.

Theo kết quả rà soát chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, năm 2016 vùng đồng bào DTTS có 4.250 hộ/17.501 khẩu thuộc diện hộ nghèo và có 1.913 hộ/8.323 khẩu thuộc diện hộ cận nghèo. Theo đó, toàn tỉnh có 8.309 hộ thiếu đất theo loại đất là trồng cây hàng năm, lâu năm, đất rừng sản xuất. Nguyên nhân thiếu đất do tách 2.778 hộ đồng bào DTTS, còn lại 5.531 hộ chưa giải quyết đủ đất theo định mức quy định tại Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy. Cụ thể, huyện thiếu nhiều nhất là Bắc Bình 3.905 hộ/4.426 ha; Tánh Linh 2.800 hộ/3.829 ha; tiếp đến là các huyện Hàm Thuận Bắc 689 hộ/611 ha; Hàm Tân 503 hộ/635 ha; Hàm Thuận Nam 152 hộ/152 ha; Tuy Phong 143 hộ/143 ha; Đức Linh 117 hộ/70 ha. Đối với người nông dân “tấc đất là tấc vàng”, do đó khi thiếu đất dẫn đến nhiều hệ lụy như: tình hình kinh tế không ổn định, con cái không có điều kiện học hành nên không thể thoát nghèo bền vững. 

Chuyển đổi nghề nghiệp

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và báo cáo của UBND các huyện về kết quả rà soát quỹ đất, thời gian tới có thể bố trí đất sản xuất cho 3.040 hộ/3.012 ha. Còn lại 5.269 hộ do địa phương không còn quỹ đất sản xuất nên sẽ giải quyết bằng hình thức chuyển đổi nghề nghiệp. Cụ thể, huyện Bắc Bình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho 1.868 hộ và bố trí giải quyết đất sản xuất 2.000 ha/2.037 hộ; Tuy Phong hỗ trợ cho 94 hộ và giải quyết đất 49 ha/49 hộ; Hàm Thuận Bắc chuyển đổi nghề cho 310 hộ và bố trí đất sản xuất 260,5 ha/379 hộ; Hàm Thuận Nam chuyển đổi nghề cho 152 hộ; Hàm Tân bố trí giải quyết 609 ha/503 hộ; Tánh Linh hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2.728 hộ và bố trí giải quyết đất sản xuất 94 ha/72 hộ.

Trong tổng diện tích đất sản xuất dự kiến bố trí cho đồng bào DTTS có 593 ha/3.012 ha do UBND các xã quản lý; 1.930 ha/3.012 ha do các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý và 489 ha/3.012 ha do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận quản lý. Trên cơ sở đề xuất giải pháp tạo quỹ đất cấp cho đồng bào DTTS với tổng diện tích như trên, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích 2.419 ha hiện do Ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận quản lý để giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý và bảo vệ rừng.

T.HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết đất cho đồng bào