Theo dõi trên

Kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển

15/10/2017, 09:35 - Lượt đọc: 13

BTO - Sáng 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghịtrực tuyến với các tỉnh thành trong cả nước về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”. Ở đầu cầu Bình Thuận có Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lương Văn Hải và lãnh đạo các sở, ban ngành là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu bảo vệ và Phát triển rừng bền vững tỉnh…

Theo Bộ Nông nghiệp& PTNT, đến năm 2016 tổng diện tích có rừng toàn quốc là 14.377.682 ha, tăng 315.826 ha so với năm 2015.Trong đó, rừng trồng 4.135.541 ha, tăng 249.203 ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015…Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyêndiện tích rừng tiếp tục giảm, với diện tích rừng hiện có 2.558.646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015. Riêng 9 tháng của năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 1.257 ha, giảm 3.078 ha (71%) so với cùng kỳ năm 2016; đã xử lý hành chính 10.985 vụ, xử lý hình sự 263 vụ…

Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Bình Thuận

Tại Bình Thuận, diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến cuối năm 2016 là 365.682,15 ha, trong đó diện tích đất có rừng 314.881,48 ha, độ che phủ rừng 40,3%. Trong 9 tháng đầu năm 2017, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên toàn tỉnh đã phát hiện lập hồ sơ xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 337 vụ, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 163 vụ. Mặt khác, tình hình phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình với Đức Trọng, Di Linh- tỉnh Lâm Đồng vẫn còn phức tạp…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chúng ta đã làm được nhiều việc, nhất là trong nhận thức và hành động. Việc xử lý nghiêm một số trường hợp và  tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương đạt kết quả đáng mừng. Độ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước và đặc biệt năm 2017, độ che phủ rừng dự báo đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, thực trạng còn nhiều vấn đề, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là một số giải pháp chưa có tính khả thi cao.Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu các biện pháp có tính khả thi cao hơn, thiết thực hơn “từ thực tiễn mà các đồng chí thấy được, quan sát được”. Trong đó có các biện pháp về xã hội hóa nghề rừng, giải quyết việc làm, tạo sinh kế, cải thiện đời sống người dân sống trong rừng, gần rừng…Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các dự án cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra vi phạm như tại một số địa phương trong thời gian qua. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học và được sự xem xét, thỏa thuận của Bộ NN&PTNT. Kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển; không chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã hoàn thành. Không giải quyết ngoại lệ về miễn, giảm, chậm thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế đối với dự án mới. Tổ chức rà soát, đình chỉ, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi; đồng thời xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng. Phải kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua.

Riêng tỉnh Bình Thuận, mục tiêu, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là quản lý tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp quy hoạch bảo vệ phát triển rừng và quy hoạch sử dụng đất của địa phương trong từng thời kỳ; giữ vững chất lượng rừng hiện có. Phấn đấu đến năm 2020, khoán bảo vệ rừng 168.184 ha, trồng rừng tập trung 18.338 ha…

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển