Theo dõi trên

Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2019): Không ngừng đổi mới công tác dân vận, hướng đến mục tiêu đồng thuận

14/10/2019, 09:03 - Lượt đọc: 51

BT- Thấm nhuần sâu sắc và thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn coi công tác dân vận là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và là vấn đề chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng.

                
Dự án đường Lê Duẫn được sự đồng thuận cao    trong nhân dân. Ảnh: Đ.H

 Gắn dân vận với nhiệm vụ chính trị

Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, những năm qua, gắn dân vận với thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Trong công tác dân vận chính quyền, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu của người dân trong giải quyết, công khai các chủ trương, thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, người dân. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 326 buổi đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, lắng nghe và kịp thời giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bức xúc, kiến nghị và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật. Song song, dân vận trong quy hoạch cũng được chú ý thực hiện thông qua các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư. Nhờ đó, vai trò trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phát huy nhằm giải quyết thỏa đáng những thắc mắc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Trong đó nổi rõ là Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn tỉnh; các dự án đường trọng điểm trên địa bàn TP. Phan Thiết... 

Mặt khác, công tác phản biện xã hội được Mặt trận, đoàn thể các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức được 3.065 cuộc giám sát đối với các tổ chức, cá nhân. Qua giám sát, đã đề xuất, kiến nghị 2.961 nội dung liên quan và được các cấp, các ngành xem xét, giải quyết đạt 80,81% nội dung kiến nghị. Qua phản biện, Mặt trận, đoàn thể kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các chủ trương, chương trình, đề án, dự án. Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng gắn với việc xây dựng, tuyên dương các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, các cấp, các ngành xây dựng trên 2.600 mô hình tập thể và gần 2.000 điển hình cá nhân gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”...

 Nâng chất lượng công tác dân vận

Từ nay đến năm 2025, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới. Đặc biệt là công tác dân vận sẽ phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện, giải quyết công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, huyện. Đồng thời, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, công tác dân vận phải không ngừng đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện góp phần quan trọng vào việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Theo đó, đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, với cách làm sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hơp pháp của nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ và công tác dân vận trong thực hiện các công trình, dự án có liên quan đến quyền lợi nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo; xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị. Đồng thời, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch…

    
    Từ năm   2020 - 2025, phấn đấu tập hợp phát triển đoàn viên, hội viên vào tổ chức   đạt 80% so với quần chúng; có 90 - 95% tổ chức Mặt trận, các đoàn thể   chính trị - xã hội ở cơ sở đạt vững mạnh; ổn định số lượng cốt cán chính   trị 5% so với tổng số đoàn viên, hội viên và đảm bảo thực chất.

 THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2019): Không ngừng đổi mới công tác dân vận, hướng đến mục tiêu đồng thuận