Theo dõi trên

Lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

31/10/2017, 11:16

BT- Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh vừa có công điện đến các sở, ban, ngành, địa phương về việc đối phó áp thấp nhiệt đới.

Theo tin từ Trung tâm dự báo KTTV Trung ương, Vùng áp thấp trên vùng biển phía Đông biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Hồi 1 giờ 00 phút ngày 31/10/2017, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 7,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Tây Nam quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ 00 phút ngày 01/11/2017, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 7,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 -7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; rủi ro thiên tai: cấp độ 3.

Để chủ động đối phó với diễn biến của ATNĐ, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh yêu cầu UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo kịp thời cho nhân dân để chủ động phòng tránh, đề phòng ATNĐ đổ bộ trực tiếp gây mưa, lũ lớn. Rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân khi có ATNĐ đổ bộ, mưa, lũ lớn kết hợp phải xả lũ công trình hồ chứa thủy lợi ngập lụt trên diện rộng xảy ra. Đối với các địa phương vùng biển phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, có trách nhiệm thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động tìm nơi trú ẩn, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm ảnh hưởng của ATNĐ. Giao trách nhiệm cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết có trách nhiệm quản lý, kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh số lượng tàu thuyền hiện đang hoạt động trên biển theo quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh kiểm tra an toàn các hồ chứa nước, công trình đang xây dựng; chủ động điều tiết nước hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình, thông báo kịp thời cho UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai &TKCN các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khu vực hạ du biết trước khi vận hành xả lũ theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và các địa phương kiểm tra, rà soát chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư theo kế hoạch đã được phân công, sẵn sàng tham gia ứng phó, di dời sơ tán dân, giúp dân chằng buộc nhà cửa, kho tàng khi có yêu cầu hoặc lệnh điều động ứng cứu.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ và tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời cho chính quyền và đến mọi người dân biết để chủ động phòng tránh.

Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận có trách nhiệm thông báo liên tục các bản tin diễn biến về ATNĐ, các Công điện chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đến các địa phương, các ngành và nhân dân trong tỉnh biết, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả. Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết phát quảng bá trên sóng thông tin để các tàu thuyền đang hoạt động trên biển không đi vào khu vực có ATNĐ.

Tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24 giờ) theo dõi diễn biến của ATNĐ, chỉ đạo, ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

K.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lại xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông