Theo dõi trên

Làng ven sông

09/11/2018, 09:24

 BT- Nắng. Cái nắng chói chang dù là đang đi trên sông vẫn không giảm nhiệt được cứ háp vào mặt ran rát. Lần đầu tiên đi đò dọc theo con sông La Ngà thuộc xã Đức Tín, huyện miền núi Đức Linh để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc…

                
Một góc sông La Ngà.

 Những mảnh đời ven sông

Từ ngoài đường tỉnh lộ vào bến đò theo một con đường ngoằn ngoèo nhưng cũng cũng khá dễ đi chúng tôi quẹo xuống bến đò. Có tầm 3 con thuyền nhỏ neo đậu, mấy anh chị ở thôn 9 đã gọi con đò to nhất ở đây vì sợ chúng tôi đi đò nhỏ không quen. Nói là to chứ vừa bước xuống đã thấy chòng chành, không có ghế ngồi vì đò chỉ chuyên chở nông sản, đi từ bên này qua bên kia sông, bà con quen ngồi hai bên thành con đò. Sông La Ngà là phụ lưu cấp I của sông Đồng Nai,  bắt nguồn từ cao nguyên Lang    Biang ở Lâm Đồng, chảy qua Bình Thuận và Đồng Nai với chiều dài khoảng 272 km. Đoạn Bình Thuận, sông La Ngà chảy qua 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh, dài 143 km là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Tánh Linh và Đức Linh, hai huyện trọng điểm lúa. Riêng đoạn chảy qua Đức Linh  dài khoảng 74 km với nét riêng độc đáo tạo nên một phong cảnh rất hữu tình. Thế nhưng vào mùa lũ thì con sông này lại trở nên hung dữ, nước ồ ạt đổ về gây ngập lụt hàng trăm ha. Riêng vùng ven sông Đức Tín này mới đây gây thiệt hại cả trăm ha.

Chỉ cho tôi xem những hàng dừa chết cháy khô ven sông, bờ sông còn nguyên vết xói lở, anh Nguyễn Văn Sáng - Bí thư thôn 9 nói: “Giờ bà con đang trồng lại vụ mùa, thiệt hại nhiều quá, chủ yếu là hoa màu như củ sắn dây, ớt, có cả lúa, tiêu và cây ăn quả đều bị ngập hết. Thôn 9 có khoảng 28 hộ sống ven sông, trong đó có chục hộ đặc biệt khó khăn”. Tấp vào một nhà ven sông, leo lên nhà cô Nguyễn Thị Lan dốc trơn trượt khiến tôi sém bị té, may nhờ anh đi cùng nắm tay kéo lên kịp. Bước vào căn nhà, không thể nói đó là nhà vì chỉ tầm vài m2, đủ kê chiếc giường cũ kỹ. Trước nhà kéo mái tôn ra làm chái bếp. Vật dụng trong nhà không có gì đáng giá ngoài 3 cái xoong móp méo đen nhẻm vì đun củi.

Đang lui cui mở nắp xoong xem cô ăn gì chợt nghe chị Hoa, tổ trưởng tự quản bảo: “Sáng đứa con mình đi ngang thấy cô hết gạo mới cho 10.000 đồng mua gạo đó em”. Hoàn cảnh cô rất tội, sống một mình trong căn chòi ven sông này, khỏe thì đi nhặt củi về nấu, ai thương thì cho tiền, đồ ăn sống qua ngày. Cô bị tai biến mấy năm nay nên không đi đâu xa được, trước còn khỏe thì ai thuê gì làm nấy. Xuống đò đi tiếp, mọi người trong nhóm đều có vẻ trầm lại vì chứng kiến hoàn cảnh của cô. Đi lên một đoạn là nhà cô Nguyễn Thị Biên, thêm một ngôi nhà tạm ngay ven sông. Trước nhà là cầu ao ngắn ngủn để ngồi giặt giũ, rửa ráy. Có 2 con đò nhỏ của hàng xóm neo ngay đó, cũng là phương tiện cô đi nhờ qua bên kia sông. Hơn 60 tuổi, cô vẫn phải đi làm thuê để kiếm sống nhưng rất bấp bênh ngày có ngày không.

                
Ông Hiền trên nhà bè.

Tiếp tục hành trình thấy một nhà bè ngay bên phải, chúng tôi tấp vào. Ông Nguyễn Văn Hiền (66 tuổi) thấy chúng tôi chào, ông cười rất tươi chào lại. Hỏi thăm ông sống một mình trên con bè này đã lâu là Việt kiều Campuchia dạt về đây. Khi nào bắt được cá thì bán hay đổi thức ăn, còn thì ai thương qua lại giúp cho gạo, đồ ăn. Níu con đò nhìn vào bè chỉ có chiếc mền, vài bộ quần áo móc trên mấy cây cột… Cuộc sống lênh đênh sông nước là thế. Nhìn ra sông, dòng sông vẫn trôi lững lờ, thi thoảng vài bụi lục bình trôi như những mảnh đời ven sông này chỉ biết sống qua ngày, không biết ngày mai ra sao…

 Khó nhưng vẫn vươn lên

Đoạn sông này vào mùa mưa thì hung dữ là thế, nhưng vào mùa khô thì bà con nông dân ở đây lại nhờ cả vào nó, bởi con sông mang nguồn nước ngọt tưới mát những vườn cây ăn quả, những vườn hoa màu. Nhìn một vườn xoài trĩu quả ngay ven sông, chợt nhớ tới 2 câu thơ của nhà thơ Lâm Cúc: “Cơn mưa nào đau đáu, cuối tháng ba. La Ngà xanh, cho mùa khô dịu lại”. Có lẽ vì thế mà người dân vùng này họ chấp nhận cái khó, cái khổ để vươn lên vì họ sống dựa vào nguồn nước mát của con sông. Buổi trưa mãi gần hơn 1 giờ mới ghé vào nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Tho ăn cơm với cá nấu canh chua, con cá mới bắt ở sông lên thịt ngọt lừ, làm xua tan hết cảm giác mệt mỏi đi từ sáng.

Chị Tho từ An Giang lên đây lập nghiệp từ năm 1995 cùng gia đình. Nghe chị kể nhà trồng 2,5 ha củ sắn dây, ớt, thuê thêm 2 ha để trồng nhưng mùa rồi lụt ngập hết, tính ra mất cũng cả trăm triệu đồng. “Mất thì giờ trồng lại, quen như vậy rồi chị, phải cố thôi” - Tho cười hiền lành. Tho cũng là người đưa đò lúc chúng tôi trở về, con gái miền Tây có khác, chèo đò thuần thục lắm. Hèn gì lúc bước lên căn nhà xây khang trang chúng tôi đã hơi ngờ ngợ vì sao móng nhà lại xây quá cao, hóa ra để phòng mùa mưa nước không tràn vào nhà. Xung quanh nhà trồng ổi không hạt, trong lúc nói chuyện chị hái cả bịch vào cho chúng tôi ăn, giòn, chua chua vị rất ngon, dù trái hơi xấu do đợt ngập nước vừa rồi.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa ở cũng gần đó từ Vĩnh Long lên đây lập nghiệp. Nhà chỉ có 7 sào chị trồng xoài, thuê thêm 2 sào nữa trồng ớt, nhưng đợt lụt vừa rồi chị bị mất trắng 4 sào. “Xót lắm em, trồng ớt hiệu quả lắm, tầm 3,5 tháng là thu hoạch, năm ngoái  thu cả 20 triệu đồng/sào, giá dao động từ 18.000 - 32.000 đồng/ký. Thôi lần này ráng làm lại!”,  chị trầm ngâm. Vừa ngồi ăn cơm, uống nước dừa ngọt thanh nhà chị Tho trồng, vừa nghe các anh chị ở địa phương kể chuyện ở đây mới hiểu thêm. Nào chuyện xét giảm nghèo mà cũng giao chỉ tiêu vì ảnh hưởng đến phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện. Hội đồng xét đến 6 buổi mới xong, vì hoàn cảnh cứ na ná nhau không biết đưa ai, bỏ ai. Nghĩ cũng lạ, đã nghèo thì sao mà giao chỉ tiêu không được nghèo? Nói theo kiểu các anh chị ở đây, họ nghèo “bền vững”, không thể nào xóa nghèo được vì đó là những gia đình neo đơn, già yếu, bệnh tật triền miên. Giờ đưa ai ra cũng thấy tội! Tuy mấy năm rồi hết nắng hạn lại tới lũ lụt, biết bao khó khăn nhưng bà con trên đây vẫn cố gắng vươn lên chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây sắn dây và cây ớt đang được bà con nông dân tập trung làm, có đến 14 hộ tham gia vào chương trình trồng khoảng 20 ha ớt, chưa kể nhiều hộ tự phát trồng thêm, đầu ra ổn định.

Đức Tín là xã miền núi giáp ranh với thị trấn Đức Tài, xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh và huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, chia làm 6 thôn với 2.219 hộ với hơn 10.000  khẩu,  có 105 hộ nghèo, 204 hộ cận nghèo, riêng thôn 9 có 50 hộ nghèo và cận nghèo. Nơi đây có bến đò ngang qua lại giữa 2 tỉnh, nhiều hộ dân di cư đến sống dọc theo hai ven sông nên công tác quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn. Là địa bàn giáp ranh nên tình hình an ninh trật tự (ANTT) diễn biến khá phức tạp. Xác định công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đẩy lùi tệ nạn xã hội là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề nên cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở đây rất quan tâm đến công tác này và có hẳn nghị quyết chuyên đề.

Qua các đợt phát động phong trào, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng 37 nguồn tin tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến ANTT, giúp lực lượng công an khám phá làm rõ 4/4 vụ phạm pháp hình sự, 6 vụ đánh bạc; thông tin giúp cơ quan công an điều tra, khám phá 2 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, bắt quả tang 6 vụ/14 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; triệt phá 1 điểm trồng cần sa trái phép thu 17,3 kg cần sa tươi tại thôn 8… Ngay làng ven sông, bà con cũng hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng công an với nhiều thông tin về tội phạm vì đưa đò qua lại. Mới đây, Đức Tín đã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc về phong trào này.

Lúc lên đò đưa chúng tôi về lại, chị Tho chỉ tay ra phía trước bảo: “Cầu La Ngà đang được Nhà nước xây đó chị, có cầu rồi làm đường, giao thông giữa 2 tỉnh sẽ dễ dàng hơn, bà con qua sông cũng sướng hơn, không phải đi đường vòng xa hay đi đò nữa”. Nhìn cây cầu đang dần hình thành, nhìn những con đò nhỏ xuôi ngược trên sông, dòng sông vẫn bình thản trôi lững lờ, yên bình, đâu đó vang lên tiếng gọi “đò ơi” nghe da diết. Làng ven sông quê tôi là thế...

Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làng ven sông