Theo dõi trên

Lao động cho nông nghiệp công nghệ cao: Ẩn số lớn

21/04/2017, 07:51 - Lượt đọc: 18

BT- Nông nghiệp công nghệ cao phải được vận hành bởi "nông dân trí thức", nhưng trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo.

                
Trồng rau công nghệ cao. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp tích cực, nông dân thờ ơ

Mới đây, chuyến thăm các dự án sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh của Thủ tướng Chính phủ trong dịp về Bình Thuận dự Hội nghị xúc tiến đầu tư càng khẳng định thêm sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ về nông nghiệp công nghệ cao. Vậy nông nghiệp công nghệ cao là gì, có rất nhiều khái niệm nhưng đặc trưng của nền nông nghiệp này là có vốn đầu tư lớn; ứng dụng giàu tri thức, chỉ riêng trên lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học đã sử dụng kiến thức toán học, sinh học, nông học, tin học, thực vật học, di truyền… và sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa, người lao động làm việc ở các dự án này cũng phải có kỹ thuật cao, biết sử dụng máy móc, công nghệ, phải biết sản xuất theo hướng tiến bộ, phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm… Nói chung, người lao động này là nông dân nhưng đòi hỏi của công việc phải có trình độ, nhanh nhạy và hiểu biết.

Nhìn lại nguồn lao động nông nghiệp tại tỉnh, đến thời điểm này có thể nói là phần lớn không đạt chuẩn để vào làm việc tại các dự án ứng dụng công nghệ cao. Đó là trở ngại mà các ngành chức năng liên quan tại tỉnh cần sớm có giải pháp thích ứng, nhất là trước đó các mô hình sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, GbalGAP, những mô hình thể hiện phần nào của công nghệ cao đã cho thấy quá rõ tâm lý của nông dân. Đó là không chịu khó học hỏi cách sản xuất mới, tiến bộ nên khi gặp trở ngại, (như thanh long là do giá cả thị trường) là sẵn sàng quay lưng. Nhưng tại các doanh nghiệp, các mô hình sản xuất theo VietGAP, GbalGAP vẫn thực hiện tốt.

 Nông dân trí thức

Đó cũng là tình hình chung, khi thực tiễn phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh, thành đi trước cho thấy, điểm hạn chế lớn nhất của cuộc cách mạng lần 2 trong nông nghiệp này là yếu tố nhân lực. Cụ thể như tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long, với nhiều trường đại học có tiếng đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao đang thiếu hàng nghìn cán bộ có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Những câu hỏi đặt ra rằng: “Ai sẽ là người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân?”, “Ai sẽ là người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?”, hiện chưa có câu trả lời rõ ràng.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp công nghệ cao phải được vận hành bởi “nông dân trí thức”, nhưng trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao là việc cấp thiết hiện nay. Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã quyết định  thời gian tới sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn chặt với yếu tố thị trường; cụ thể, phần lớn trong công tác đào tạo nghề sẽ gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp đề xuất nhu cầu tiểu chuẩn của lao động. Ví dụ trồng lúa hữu cơ, rau an toàn công nghệ cao, cần đào tạo cho bao nhiêu người, doanh nghiệp đặt hàng với Sở NN&PTNT và Sở Lao động Thương binh và Xã hội để đưa vào quy hoạch đào tạo. Và năm nay là năm xây dựng mô hình điểm về đào tạo lao động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế, chuyện ví von doanh nghiệp là đầu não, nông dân là tay chân trong hướng sản xuất trên được bàn luận nhiều. Dù vậy, lao động cho nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang là ẩn số lớn. 

    
  

  Nông   nghiệp công nghệ cao

    Theo Vụ   Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và PTNT, nông nghiệp công nghệ cao   là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao   gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản   xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công   nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và   chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và   phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động cho nông nghiệp công nghệ cao: Ẩn số lớn