Theo dõi trên

Lao động, việc làm: Tìm lời giải cho bài toán khó thời “hậu” Covid-19

15/06/2020, 10:17

 BT- Dịch Covid-19 xảy ra trong những tháng đầu năm 2020, cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cả nước, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm bị ảnh hưởng khá nặng nề. Khi Việt Nam đã cơ bản khống chế thành công Covid-19, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế thì vấn đề lao động, việc làm thời “hậu” Covid-19 sẽ là một bài toán khó cần phải sớm tìm ra lời giải.

                
      Công nhân làm việc tại Công ty in và bao bì Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa.

Trong năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 24.628 lao động, đạt 102,6%; tuyển mới đào tạo nghề cho 14.327 người, đạt 130,25% so với kế hoạch. Để đạt được kết quả trên, ngành lao động – thương binh và xã hội đã triển khai tích cực, nỗ lực tập trung triển khai công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thực hiện thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho người lao động đăng ký tìm việc làm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 24.000 lao động, tuyển mới và đào tạo nghề cho 11.000 người, thấp hơn kết quả đạt được trong năm 2019. Nguyên nhân được ngành xác định là: dù có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết lao động, việc làm, song công tác dự báo và thông tin cung, cầu lao động về giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động trong và ngoài tỉnh còn nhiều bất cập, chưa sát và kịp thời, đặc biệt là trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế so với tiềm năng và yêu cầu, chưa tạo ra nhiều chỗ việc làm mới thu hút lao động dẫn đến thị trường lao động thiếu nhộn nhịp và năng động. Hệ thống pháp luật về lao động và những cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ người lao động chưa hoàn chỉnh. Cơ cấu ngành nghề và cấu trúc đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật và quản lý giỏi, năng suất lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong việc tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, đánh giá, tuyển dụng; có những doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực mở lớp đào tạo, chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương, đoàn thể trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới còn hạn chế...

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2020, dù tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, song toàn tỉnh đã giải quyết được việc làm cho khoảng 12.000 lao động, đạt 50% kế hoạch, giảm 4,8%. Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 5.500 người, đạt 50% kế hoạch, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.000 người, đạt 50% kế hoạch... Đây có thể xem là nỗ lực lớn của ngành lao động trong thời điểm toàn hệ thống chính trị tập trung tổng lực cho công tác chống dịch. Tuy nhiên dịch Covid-19 cho đến nay vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cả nước, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm bị ảnh hưởng trực tiếp, do vậy việc giải quyết vấn đề lao động, việc làm thời “hậu” Covid-19, vẫn sẽ là một bài toán khó cần tìm ra lời giải.

Để giải quyết bài toán hóc búa trên, đối với các ngành chức năng, bên cạnh việc chấp nhận thực tế khó khăn do dịch Covid-19 toàn cầu xảy ra vẫn còn kéo dài không thời hạn, để tìm những giải pháp phù hợp, từng bước giải quyết và khắc phục. Trước hết là ngành lao động nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung cần tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động của Bình Thuận giai đoạn 2017 - 2020. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền công tác tuyển sinh; tăng cường tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường. Đẩy mạnh khai thác, tăng mới đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động. Tập trung các thị trường có nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, thu nhập tốt và an toàn để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi dịch bệnh lắng xuống; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và Quy chế dân chủ cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài, các doanh nghiệp chưa tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ. Đồng thời thường xuyên trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện đúng quy định về khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở đào tạo nghề; kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức giảng dạy các lớp đào tạo nghề. Chú trọng công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng, chất lượng cơ cấp ngành, nghề và trình độ đào tạo. Tiếp tục triển khai chính sách đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để thực hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động, triển khai tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành nghề trọng điểm...

Song những giải pháp trên vẫn chỉ mang tính một chiều mà trách nhiệm chính đặt ra cho ngành lao động. Để tìm ra lời giải cho bài toán khó này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người lao động cần nhận thấy: Covid-19 cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp có thời gian kiểm tra năng lực nhân viên, chọn lọc người tài, tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao. Khi dịch bệnh lắng xuống, hoặc xa hơn là chấm dứt sẽ là lúc các doanh nghiệp tìm cách phục hồi mạnh mẽ; đặc biệt Việt Nam của chúng ta khi đang khống chế thành công Covid-19 được cả thế giới công nhận và khâm phục sẽ thuận lợi lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, dẫn đến làn sóng dịch chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn nước ngoài từ các nước đến Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới và khi đó thị trường lao động cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ chứng kiến những cuộc tuyển dụng số lượng lớn chưa từng có. Do vậy người lao động cần nhận thức vấn đề quan trọng nhất trong thời điểm này là phải giữ gìn sức khỏe của cá nhân và cộng đồng theo đúng quy tắc phòng chống dịch bệnh của Nhà nước; tận dụng thời gian nhàn rỗi công việc để nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề, kỹ năng làm việc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp đối với người lao động. Có như vậy bài toán lao động, việc làm thời “hậu” Covid-19 dù có hóc búa, thì chúng ta vẫn sẽ tìm ra lời giải.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động, việc làm: Tìm lời giải cho bài toán khó thời “hậu” Covid-19