Theo dõi trên

Lấp “ lỗ hổng trách nhiệm” để cứu môi trường

25/02/2017, 11:27 - Lượt đọc: 87

BTO - Cách đây chừng 3 tháng, tại kỳ họp Quốc hội khóa 14, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi các đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà. Tất cả có 44 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, và trong hầu hết câu hỏi đều có cụm từ “trách nhiệm”.

“Lỗ hổng trách nhiệm” khổng lồ lộ ra, khi sau hơn nửa năm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển đặc biệt nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, vẫn không có ai, không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm. Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, đá qua đá lại, đá lên đá xuống, rốt cuộc chỉ có dân 4 tỉnh miền Trung lãnh đủ hậu quả ô nhiễm.

Vì sao nhiều dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ TN-MT phê duyệt đàng hoàng, nhưng chỉ sau thời gian ngắn hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng? Vì sao ĐTM nếu doanh nghiệp tự làm thì rất khó được phê duyệt, nhưng nếu “thuê” ngay cơ quan thẩm định ĐTM làm thì rất dễ được phê duyệt? Hàng loạt câu hỏi nóng bỏng đặt ra với Bộ trưởng bộ TN-MT.

         
   

      

         Cá chết hàng loạt ở miền Trung là sự cố môi trường đặc biệt nghiêm    trọng - ảnh Internet

Nay thì những bức xúc, chờ đợi của dư luận cả nước đã được giải tỏa phần nào. UBKT TW đảng vừa có kết luận về những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án Formosa Hà tĩnh, 5 cán bộ của Bộ TN-MT có khuyết điểm được xác định là nghiêm trọng, phải xem xét thi hành kỷ luật.

Cụ thể: trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Minh Quang (nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT); ông Bùi Cách Tuyến (nguyên thứ trưởng, nguyên tổng cục trưởng môi trường); ông Nguyễn Thái Lai (nguyên thứ trưởng); ông Mai Thanh Dung (cục trưởng thẩm định đánh giá tác động môi trường); ông Lương Duy Hanh (cục trưởng kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường)

UBKT TW Đảng cũng kết luận Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện dự án, để xảy ra vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép dự án Formosa Hà tĩnh.

Cụ thể trách nhiệm chính thuộc về ông Võ Kim Cự (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hà tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016); ông Hồ Anh Tuấn (trưởng BQL khu kinh tế Vũng Áng). Một số cán bộ lãnh đạo khác của tỉnh Hà Tĩnh cũng có phần trách nhiệm trong vụ này.

Dư luận hoan nghênh kết luận này vì cuối cùng đã giải đáp được câu hỏi: trách nhiệm thuộc về ai? Vấn đề tiếp theo là xử lý kỷ luật các cá nhân sai phạm như thế nào, vì đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và môi trường biển miền Trung, thiệt hại kinh tế rất lớn. Điều quan trọng nhất là chỉ lấp được “lỗ hổng trách nhiệm” này thì mới cứu được môi trường, không tái diễn những Formosa khác.

Dư luận tiếp tục chờ đợi và hy vọng!

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấp “ lỗ hổng trách nhiệm” để cứu môi trường