Theo dõi trên

Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020: Bước “chuyển mình” của ngành nông nghiệp

02/01/2020, 10:17

BT- Luật Trồng trọt là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt. Qua đó, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đưa trồng trọt vào nề nếp

Sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70%  nguồn lực lao động xã hội. Sau hơn 30 năm đổi mới, sản xuất trồng trọt đã có những bước phát triển quan trọng, không những góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo sự ổn định chính trị xã hội.

Mặc dù vậy, nông nghiệp nói chung, ngành trồng trọt nói riêng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thực tế nông nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng là quy mô sản xuất nhỏ, phân tán đã gây khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ chế liên kết sản xuất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn chưa đủ mạnh…

Tuy nhiên, từ trước tới nay, các hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt chưa được luật hóa mà chỉ cụ thể hóa bằng Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH 11 và một số văn bản dưới luật. Ngày 19/11/2018, Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Đây là bước chuyển mình mới của ngành trồng trọt, khắc phục được hạn chế, bất cập trước đây. Cụ thể như tất cả các giống cây trồng trước khi đưa vào sản xuất, kinh doanh đều phải được công nhận giống cây trồng mới, phải thực hiện khảo nghiệm trước khi công nhận. Đối với giống cây trồng chính phải thực hiện khảo nghiệm quốc gia. Giống cây trồng khác do tác giả tự khảo nghiệm nhưng chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát…

Đặc biệt trong quản lý phân bón là vật tư quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực trồng trọt nhưng hiện mới được điều chỉnh tại văn bản cấp nghị định. Do đó, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật thì các quy định về quản lý phân bón cần thiết phải quy định tại luật…

Nâng cao nhận thức về chấp hành luật

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Trồng trọt nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Trồng trọt đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý trồng trọt. Theo bà Nguyễn Thị Phương Vinh - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Luật Trồng trọt tạo sự chuyển biến tích cực và đưa công tác trồng trọt đi vào nề nếp, đúng pháp luật một cách hợp lý, hiệu quả. Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi quy định về hoạt động trồng trọt và liên quan. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Trong đó, trồng trọt được xác định là ngành kinh tế - kỹ thuật trong nông nghiệp có liên quan đến việc gieo trồng cây nông nghiệp, cây cảnh và nấm ăn để phục vụ mục đích của con người. Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất của luật, chi phối toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của luật. Luật Trồng trọt ra đời nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự am hiểu, đồng thuận trong hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, mà trực tiếp là nông dân và người lao động trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

    
    Nội   dung cơ bản của Luật Trồng trọt gồm 7 chương, 85 điều được kết cấu cụ   thể, gồm những quy định chung; giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu   hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản   phẩm cây trồng; quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt và cuối cùng là   điều khoản thi hành.

 K.HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020: Bước “chuyển mình” của ngành nông nghiệp