Theo dõi trên

Lùng bùng việc quản lý nuôi chim yến, khai thác cát trái phép

06/12/2017, 15:35

BTO- Sáng nay (6/12), kỳ họp thứ 5 – HĐND tỉnh khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Có 4 sở, ngành tham gia trả lời chất vấn trực tiếp với nhiều nội dung bức xúc liên quan đến đời sống dân sinh được đông đảo cử tri quan tâm

Khó quản lý việc nuôi yến

Mở đầu phiên chất vấn, việc nuôi chim yến làm “nóng” nghị trường khi các đại biểu  đề cập đến tình hình nuôi chim yến tự phát trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh thời gian gần đây, nhất là tập trung  trong khu dân cư  làm ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, phân rơi vãi xung quanh gây mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe người dân và vệ sinh an toàn dịch bệnh… Các đại biểu chất vấn: quản lý như thế nào, công tác kiểm tra xử lý ra sao? Việc quy hoạch vùng nuôi chim yến sắp tới được thực hiện như thế nào?

                
Đại biểu Đỗ Văn Trung chất vấn về vấn đề    nuôi chim yến trong khu dân cư

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Mai Kiều thừa nhận việc nuôi chim yến phát triển rất nhanh, không chỉ ở Bình Thuận mà ở các tỉnh thành khác. Từ năm 2007 chỉ có 1 nhà, đến nay có 234 nhà nuôi yến. Theo ông Mai Kiều, hiện nay, chưa có tỉnh nào có quy hoạch nuôi chim yến, đây là vấn đề rất khó để ngành kiểm tra, quản lý. Trước mắt, để quản lý vấn đề này, Sở tăng cường một số giải pháp như buộc cơ sở nuôi chim yến phải thường xuyên làm vệ sinh, thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng, thu gom chất thải; giám sát tình trạng sức khỏe, xử lý dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm định kỳ. Đặc biệt đối với tiếng ồn phải quản lý thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben theo quy định.

                
   
Giám đốc Sở NN&PTNT Mai Kiều trả lời chất    vấn

ĐB Huỳnh Hoa (Phan Thiết) hỏi thêm: riêng việc phân rơi vãi của chim xuống các hộ dân sống xung quanh thì giải quyết vệ sinh chuồng trại ra sao? Trách nhiệm xử lý tình hình này thế nào? Tiếng ồn đo và kiểm tra ra sao? Cơ quan nào chịu trách nhiệm và có đủ năng lực thực hiện? Các biện pháp liệu có đủ cơ sở pháp lý, có trường hợp nào được kiểm tra xử lý chưa?

ĐB Nguyễn Toàn Thiện (Phan Thiết) chất vấn thêm: Sở nói Bộ NN&PTNT chưa hướng dẫn quy hoạch khu vực nuôi chim yến? Vậy tỉnh phải có quyết định đưa các cơ sở nuôi chim yến ra khỏi khu dân cư để đảm bảo ô nhiễm môi trường chưa? Nếu cứ chờ thì biết khi nào?

Nhiều đại biểu cũng cho rằng sớm có giải pháp di dời các cơ sở nuôi chim yến ra khỏi khu dân cư. Trong khi chờ quy định của Trung ương, tỉnh cần có quy định phù hợp cho việc nuôi chim yến thời gian tới. Những hộ nuôi chim yến tự trang bị máy đo độ ồn, vệ sinh chặt chẽ tránh ô nhiễm môi trường. Nhiều đại biểu đề nghị tuyệt đối cấm không cho nuôi yến trong khu dân cư.

Ông Mai Kiều cho rằng đây là vấn đề rất khó cho ngành, và ghi nhận việc phân rơi vãi xung quanh để kiểm tra xử lý. Việc di dời cũng rất khó khăn. Chưa có xử lý đơn vị nào, mặc dù có đi kiểm tra. Ngành nuôi chim yến đang mang lại hiệu quả cao. Sắp tới sẽ quy hoạch vùng, bổ sung những cái ràng buộc để hạn chế ô nhiễm đến mức thấp nhất.

Việc nuôi chim yến đang có nhiều bất cập. Cố gắng trong năm 2018 tham mưu quy định tạm thời cho việc nuôi chim yến. Ông cũng cho biết hiện các tỉnh đang “bí” các quy định về vấn đề này. Chậm nhất là cuối quý 2 năm 2018 sẽ có quy định tạm thời quy hoạch vùng nuôi chim yến.

Cán bộ ngành Tài nguyên- Môi trường có tiếp tay?

Về tình hình khai thác cát lậu liên tục được các báo phản ánh thời gian gần đây, các đại biểu đề nghị ngành Tài nguyên & Môi trường cho biết báo phản ánh có đúng không? Nếu đúng trách nhiệm thuộc về ai?

Giám đốc Sở TN&MT Hồ Lâm thừa nhận vấn đề báo phản ánh là có cơ sở, đặc biệt tại 4 điểm “nóng” khai thác cát trái phép là khu vực sông Lòng Sông (Phú Lạc – Tuy Phong), Cà Lúc (Phan Sơn, Bắc Bình), Tà Kú (Hàm Thuận Nam), riêng khu vực sát chân núi thôn 1 xã Tân Phúc (Hàm Tân) là điểm khai thác nhiều năm nay, mặc dù được ngành chức năng kiểm tra xử lý 2 lần phạt 30 triệu đồng.

                
   
Giám đốc Sở TNMT Hồ Lâm trả lời chất vấn

Theo ông Hồ Lâm nguyên nhân dẫn tới khai thác cát ồ ạt và thường xuyên là do Chính phủ siết chặt quản lý khai thác cát trên sông, trong khi nhu cầu cát xây dựng cho các công trình ở các tỉnh bạn rất lớn, nguồn cung cấp không đáp ứng dẫn đến giá thành tăng cao, khiến khu vực giáp ranh như Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân nảy sinh nhiều hình thức khai thác cát xây dựng, với quy mô khác nhau để vận chuyển tiêu thụ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Ông Lâm cho biết thêm qua kiểm tra, có sự trá hình trong quá trình khai thác.

Việc khai thác khoáng sản kéo dài triền miên nhiều năm nay, vậy trách nhiệm người đứng đầu ngành TN&MT như thế nào, xử lý ra sao? Lãnh đạo Sở có biết được các điểm khai thác cát?  ĐB Nguyễn Toàn Thiện tiếp tục chất vấn.

Trong khi đó, ĐB Phạm Thị Minh Hiếu (Phan Thiết) nghi vấn cho rằng có sự tiếp tay của cán bộ ngành TN&MT trong việc khai thác khoáng sản. Nhất là ở địa bàn huyện Hàm Tân, vì hiện nay được biết có một số trường hợp tự hạ cốt nền để khai thác cát bán với giá cao. ĐB Hiếu cũng lưu ý ngành nên kiểm tra tránh tình trạng để các tổ chức cá nhân lợi dụng cho phép hạ cốt nền để mua đất nông nghiệp bên bờ sông, khai thác làm ảnh hưởng đến việc sạt lở nghiêm trọng như khu vực sông La Ngà (Tánh Linh).

Ông Hồ Lâm cho rằng việc khai thác cát trái phép, Sở TNMT vẫn nắm bắt được chứ không phải không biết. Trong năm đã kiểm tra xử lý 11 trường hợp, phối hợp các địa phương kiểm tra xử lý 15 điểm nóng. Toàn tỉnh đã xử lý 327 vụ, xử phạt 1,8 tỉ đồng. Hiện Hàm Tân đã được ổn định phần nào việc khai thác cát.

                
   
Đại biểu Tô Thị Nguyệt Thanh chất vấn dự án    trồng mía của Cty TNHH Tất Thành

Riêng việc tiếp tay, có hay không? Giám đốc Sở TN&MT Hồ Lâm khẳng định không có. Về vấn đề cho phép hạ cốt nền khai thác có xin ý kiến tỉnh cho 11 trường hợp hộ dân do có nhu cầu.  Riêng ở huyện Hàm Tân không có trường hợp nào cho phép hạ cốt nền để khai thác cát bán như đại biểu đã đề cập.

ĐB Thiện nói thêm: việc khai thác cát chất từng đống tại các điểm khai thác cát được Báo Thanh niên phản ánh mà lãnh đạo sở cho rằng trong năm 2017 chỉ khai thác nhỏ lẻ là không thuyết phục. Đề nghị ngành xử lý trách nhiệm vì để việc khai thác cát trái phép liên tục trong nhiều năm.

Liên quan đến việc khai thác cát, các đại biểu thắc mắc ai cho phép Công ty TNHH Thanh Quang khai thác cát dưới sông La Ngà (Tánh Linh)?

Được biết, tỉnh đã có chủ trương tạm dừng khai thác cát trên sông La Ngà trong năm 2017, để đánh giá tình hình sạt lở tại đây. Một đại biểu ở Tánh Linh hỏi: các giấy phép khai thác đã được Sở TNMT kiểm tra chưa? Nếu như tỉnh tiếp tục cấp phép dân sẽ tiếp tục ý kiến. Giải pháp nào quản lý việc khai thác cát của các doanh nghiệp?

Tại sao ngập úng nội thành Phan Thiết vẫn thường xuyên?

Liên quan đến dự án cấp thoát nước trên địa bàn TP Phan Thiết được đưa vào sử dụng 2 năm nay nhưng không phát huy hiệu quả, tình trạng ngập úng vẫn thường xuyên ở các tuyến đường trong nội thị.

Giám đốc Sở Xây dựng- Xà Dương Thắng đã thừa nhận việc ngập nước là đúng thực tế, dự án hệ thống thoát nước ADB được đầu tư có kinh phí 339,3 tỷ đồng, được Công ty cấp thoát nước vận hành và quản lý. Tuy nhiên, hệ thống này không được thường xuyên duy tu bảo dưỡng do nguồn ngân sách hết sức hạn hẹp, dẫn đến tình trạng hư hỏng ở mức báo động.

Tình trạng ngập úng chủ yếu tập trung ở phường Phú Trinh. Do các khu vực không được đấu nối vào hệ thống nên dễ xảy ra ngập úng.

Nguyên nhân do việc đầu tư không đồng bộ, việc duy tu bảo dưỡng nạo vét thường xuyên chưa được quan tâm đúng mức, nhất là nạo vét bùn thải, thông cống. Gần 3 năm công ty cấp thoát nước nạo vét gần 3.000 mét khối bùn thải, lắp đặt 270 hố ga, giải quyết một phần ngập úng cục bộ.

Ông Thắng giải thích thêm: Trên địa bàn Phan Thiết có 23 khu vực ngập úng cục bộ, khả năng thoát nước chậm. Một số tuyến mương trước khu vực hộ dân buôn bán do các xe ô tô đậu trên nắp hố ga làm bể, đồng thời ý thức người dân sử dụng bảo vệ hố ga còn hạn chế. Tại một số trục đường, các đan mương và đan ga sập bể, người dân tận dụng để bỏ rác xuống. Hàng năm đều yêu cầu công ty cấp thoát nước tiến hành kiểm tra, tháo dỡ, khi hết mưa người dân lại đổ bê tông xây chèn lên. Do đó rất khó khắc phục.

Chiều nay (6/12), phiên chất vấn được tiếp tục tại hội trường.

    
  

    Buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính

       Kết thúc chất vấn khai thác cát trái phép, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn   Mạnh Hùng cho rằng việc buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính cho việc   khai thác cát trái phép kéo dài. “Xe chở cát đi ngang nhiên trên đường   các ngành chức năng có thấy và có biết không? Có chuyện nhiều hóa đơn   xuất cát từ Vũng Tàu vào Hàm Tân, vấn đề này có đúng không?”, ông Hùng   nêu vấn đề. Tất cả những nội dung trên chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở   TN&MT có trách nhiệm kiểm tra báo cáo UBND tỉnh cụ thể.

Khánh Ngọc - ảnh: Đ.Hòa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lùng bùng việc quản lý nuôi chim yến, khai thác cát trái phép