Theo dõi trên

“Ma trận” đất

16/07/2019, 09:01

Bài 2: Chiến thuật “nhử ” giá đất

BT- Bỗng dưng, đất ở Thiện Nghiệp chỉ sau một đêm đã vươn đến mốc 10 - 20 tỷ đồng/mẫu. Không ngoa đâu, vì cuộc giao dịch ấy là thật, có người bán, người mua, có công chứng tại Sở Tư pháp đàng hoàng. Ai không tin?

                
   Đất nông nghiệp ở xã Thiện Nghiệp có giá    ảo rất cao.

Mắt xích

Khi đi tìm hiểu từ mắt xích mà người đàn ông “cò” đất lỡ nói ra, những gì tôi thu được từ giới kinh doanh bất động sản như những mảnh ghép và có thể ghép chúng lại, tìm ra nguyên nhân của bao bát nháo giá đất vừa qua ở Thiện Nghiệp. Từ khi việc xây dựng sân bay Phan Thiết được xới lại, đường trong thôn, xóm của Thiện Nghiệp bỗng đầy những xe con có biển số ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhất là vào cuối tuần. Thực ra, phần lớn trong đó đều là người chung một “tập đoàn” đến từ Hà Nội. Nói là tập đoàn vì nhiều nhóm “cò” đất chuyên nghiệp đã nhiều bận “đánh trận” giá đất ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đã liên quân với nhau đổ quân vào Phan Thiết. Sau khi đã trải nghiệm, nếm trải thấm đòn, nhiều người nhìn nhận, đường đi nước bước của “tập đoàn” này rất bài bản, thực hiện nhiều bước, tương tự như chiến thuật đánh trận chứ không lôm côm cò con như trong phía Nam. Bước đầu tiên là cuộc đổ bộ gần cả 50 người, trong đó có cả luật sư đi theo từng tốp gom mua đất có tổng diện tích định ra khoảng 80 - 100 ha, với giá nhích hơn giá thị trường tại chỗ của từng ngày. Có thể tốp này mua sau tốp kia vài ngày với giá cao hơn một chút. Khi 2 bên ngã giá xong, luật sư đi theo làm nhanh các thủ tục chuyển nhượng. Đặc biệt với thẻ luật sư, họ bỏ qua các văn phòng công chứng tư nhân mà làm ngay tại Sở Tư pháp để bảo đảm sổ đất không là sổ giả. Cuộc mua bán diễn ra rất chuyên nghiệp, khiến không chỉ những người dân chuyển nhượng đất mà những “cò đất” nhỏ lẻ phải “mắt tròn, mắt dẹt”, tin tưởng họ là những nhà đầu tư thứ thiệt. Chuyện kể vô tư từ chính người bán loan ra, bỗng thành nhân chứng thuyết phục nhất rằng giá đất ở Thiện Nghiệp đang hấp dẫn người ngoài tỉnh nên đang có giá. Cộng thêm, vào thời gian này, “tổng hành dinh” trên cho đổ một đợt quân nữa vào Phan Thiết tìm hỏi mua đất loạn xạ, đồng thời loan thông tin giá đất Thiện Nghiệp hấp dẫn đi xa hơn, rộng hơn, qua rất nhiều kênh. Mười đồn trăm, trăm đồn nghìn... Không lâu sau đó, một đợt quân khác nữa đổ vào để thực hiện giao dịch cuối cùng được xem như nhát bồi kết thúc giai đoạn gom đất sau vài tháng của “tập đoàn” là mỗi tốp mua 1 - 2 sào đất có lựa chọn vị trí với giá gấp 10 - 20 lần giá những cuộc giao dịch trước, tức 1 sào đất được mua với mức 1 - 2 tỷ đồng. Bỗng dưng, đất ở Thiện Nghiệp chỉ sau một đêm đã vươn đến mốc 10 - 20 tỷ đồng/mẫu. Không ngoa đâu, vì cuộc giao dịch ấy là thật, có người bán, người mua, có công chứng tại Sở Tư pháp đàng hoàng. Ai không tin? Mà không tin cũng được, tranh tối tranh sáng thế này mới khiến dân tình nháo nhào đi mua đất để lướt sóng…Thị trường mà!

Cũng lúc này, “tổng hành dinh” của tập đoàn không tên ở Hà Nội ra lệnh bán đất ra. Tất nhiên, cũng những người trong đội quân trên hoặc dặm thêm người mới được tung xuống địa bàn gặp gỡ, giao lưu thông tin muốn bán đất ngay với nỗi xuýt xoa tiếc nuối trong bối cảnh giá đất đang lên, chỉ vì lý do bởi, thì, là, mà… Theo đó, giá đất bán ra cũng mềm hơn, ví dụ 1 mẫu trên cùng vị trí, giá thị trường đang đứng là 5 - 7  tỷ đồng thì người này bán khoảng 4 tỷ đồng. Người mua chỉ loáng nghĩ đến ít nhất 1 tỷ đồng dôi ra trước mắt là đã đồng ý mua ngay tắp lự. Còn người bán cười “mỉm chi cọp” rằng “khà khà, ta đã lời gần 3 tỷ đồng”. Cứ thế, nhiều nhóm như những chân rết bán đất ra, khiến chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, phần lớn đất trong tổng 80-100 ha được gom mua trước đó đã có chủ nhanh chóng. Tính một bài toán đơn giản với số tiền lớn nhất, tập đoàn này mua 100 ha lúc đầu với giá 1 tỷ đồng/ha, cộng thêm mỗi nhóm mua 1 - 2 sào với giá 2 tỷ đồng/sào sau đó, có tổng diện tích là 2 ha, tức chi thêm 40 tỷ đồng nữa, thành ra tổng tiền mua đất là 140 tỷ đồng. Trong khi đó, phần lớn đất đã bán ra là 80 ha, giá mỗi ha là 4 tỷ đồng, tức thu về 320 tỷ đồng, trừ đi số tiền đã mua đất 140 tỷ đồng, “tập đoàn” không tên trên thu về 180 tỷ đồng, chỉ trong một thời gian ngắn, đó là chưa tính còn 20 ha đất chưa bán. Sau đó, rút quân đi. Chuyện mua đứt bán đoạn là xong, chuyện ai dại, ai khôn cũng xong. Điều đáng lo còn lại là những hệ lụy kéo theo sau đó. 

Không chỉ “cá lớn nuốt cá bé”

Vậy ai là người dại, người thua cuộc trong “ma trận” đất trên? Đó là những người kinh doanh bất động sản nhỏ và lẻ không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở các tỉnh, thành khác đổ về để chơi trò lướt sóng. Mỗi người mua 1 - 2 mẫu đất từ quỹ đất mà “tập đoàn” không tên kia bán, hay từ đất của chính những người dân tại đây nhưng chịu ảnh hưởng giá cao chung. Sau khi chính quyền có động thái siết chặt quản lý đất đai, quân của “tập đoàn” này lui về phía Nam thành phố và 2 xã của huyện Hàm Thuận Nam thì cũng đồng thời giá đất ở Thiện Nghiệp như bong bóng bị vỡ. Đất nông nghiệp ở đây trở về đúng giá trị của nó khiến lực lượng này không thể bán đất được, vì bị lỗ và kỳ thực cũng không ai dám mua. Những ai đã vay ngân hàng hay vay nóng để thực hiện giấc mơ “lướt sóng” đất trong vài ngày hay 1 tháng đều vỡ mộng. Nhưng hình như họ đều xấu hổ chuyện bị lừa nên ai cũng lặng thinh, ngậm đắng với kế hoạch sắp xếp lại nguồn vốn cũng như hy vọng đất sẽ tăng lên khi sân bay đi vào hoạt động. Nhưng đâu chỉ có dân đầu cơ đất đai chính hiệu, thực tế là có những người dân ở xã Thiện Nghiệp bị vô tình và cả cố tình chuyển đời nông dân sang đời kinh doanh đất đai mà lại lướt sóng. Chính những người dân đã bán đất, đã cầm tiền tỷ trong tay, nghe mấy “cò” đất nói chuyện đất đẻ ra tiền quá dễ dàng nên đã dốc hết tiền nhà đi mua đất. Không đủ thì rủ thêm người thân trong gia đình góp vào hoặc đi vay để mua đất của chính “tập đoàn” mà mình đã bán đất hay của hộ dân rồi chờ lướt sóng. Nhưng rồi đã không kịp, bong bóng đất bị vỡ. Và cũng như bao người khác, biết bị lừa, họ câm nín. Đất thì không còn. Lại bị nợ đầm đìa. Tiền tỷ cầm trên tay đấy rồi mất đấy. Bao gia đình lục đục, ly tán, vướng vòng lao lý vì đất. Và cũng vì đất, an ninh trật tự xã hội bị rối ren, vì tranh chấp, khiếu kiện nhau.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 5/2019 đến nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Phan Thiết đã nhận 80 đơn đề nghị ngăn chặn giao dịch đất đai. Đơn chỉ khác nhau những cái tên, còn nội dung thì đều giống nhau. Đó là người mua đất đặt cọc tiền cho người bán cùng với thời hạn sẽ thanh toán xong là 1 tháng. Trong thời gian ấy, người mua này lại đi giới thiệu mảnh đất ấy cho người khác để kiếm chênh lệch nhưng vì xảy ra sự cố bong bóng vỡ nên không có ai mua. Lúc đến hạn thanh toán thì người mua đất để lướt sóng này không có tiền thực hiện theo đúng như cam kết đã quay sang đòi lại tiền đặt cọc. Chưa hết, có những chuyện nông dân bán đất bỗng bị nợ tiền cọc người mua trong chớp mắt rất vô lý. Đại loại có một cò đất C. đến gặp hộ bà A. ngã giá và đặt cọc mua 1 mẫu đất có giao kèo các khoản rõ ràng, trong đó người bán đất sẽ đền cọc gấp 2 lần nếu như bội ước. Sau một đêm, một cò đất khác (nhưng cùng hội với cò đất C) đến gặp bà A trả giá cao gấp nhiều lần, bà A nhẩm tính nếu trả tiền cọc gấp 2 lần cho cò đất C thì bà còn dư quá nhiều nên bà chấp nhận hủy cọc. Tuy nhiên, sau đó khi điện thoại cho cò đất trả giá cao thì bị ngoài vùng phủ sóng. Bà A bỗng dưng nợ tiền đặt cọc bị tăng gấp 2 lần của cò đất C nhưng tiền đâu để trả.

Thế là lực lượng mua đất này làm đủ cách để lấy lại tiền cọc. Nào là thuê giang hồ hù dọa đòi. Nào là viết đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn không cho sang tên bất cứ ai muốn đến mua mảnh đất đó. Nào là kiện ra tòa án tranh chấp tiền đặt cọc. Đó là với những người dân không có “tóc” để túm. Còn với những resort, nhà nghỉ rao bán dịp này cũng dở khóc dở cười với lực lượng cò đất khi đã đặt cọc nhưng lướt sóng không thành công. Sau khi đòi tiền đặc cọc không được, lực lượng này vào các resort, nhà nghỉ trên ở miết đến khi nào hết tiền cọc thì thôi, mà số tiền cọc 10 - 20% của những bất động sản ấy đâu phải ít. Vì thế, người ta nói Thiện Nghiệp đã “thất thủ” trong “ma trận” đất đai ấy, quả thật không quá. Trong khi đó, Tiến Thành, Thuận Quý, Tân Thành đang có những mầm mống có thể rơi vào “vết xe đổ” như Thiện Nghiệp, nếu như không ngăn chặn ngay từ bây giờ…  

Phóng sự điều tra: BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Ma trận” đất