Theo dõi trên

Một đề án nhân văn

31/07/2018, 08:30 - Lượt đọc: 79

Người tái nghiện vẫn còn cao

BT- Đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 2.506 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, người nghiện ma túy có tuổi đời dưới 18 tuổi chiếm 4,29%, từ 18 tuổi trở lên chiếm 95,71%. Trong 5 năm (2013 - 2017), Bình Thuận đã tổ chức cai nghiện được 436 người, chiếm 18,91% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Nhưng trong số những người tham gia cai nghiện có tỷ lệ tái nghiện rất cao.

Qua nghiên cứu, người nghiện sau khi cắt cơn vẫn tiếp tục nhớ và thèm cảm giác do ma túy đem lại trong một thời gian rất dài. Khi gặp một yếu tố kích thích gợi nhớ chất ma túy, các phản xạ có điều kiện đó gợi nhớ trở lại, làm xuất hiện cảm giác thèm ma túy, dẫn đến người nghiện quay lại sử dụng ma túy. Có khi người nghiện chỉ cần bắt gặp hình ảnh giống với nơi họ từng mua ma túy trước đây, hay gặp một người bạn từng chơi ma túy cùng… thì dòng hồi tưởng về ma túy của họ sẽ được kích hoạt trở lại.

Việc người nghiện sau khi đi cai trở về tái nghiện, ngoài lý do từ chính bản thân người nghiện không đủ quyết tâm, bị tác động từ môi trường liên quan đến ma túy, bị bạn bè xấu tiếp tục rủ rê, lôi kéo… thì thái độ thờ ơ, thiếu quan tâm của người thân, tác động rất lớn đến người đã một thời lầm lỗi. Người nghiện sau cai thường mang tâm lý buồn bã, chán nản nếu không có sự giúp đỡ, động viên, chăm sóc, yêu thương của người thân giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng tâm lý, đồng thời cũng giữ vai trò giám sát, ngăn ngừa họ tìm đến ma túy, họ sẽ dễ dàng buông thả, bất cần và nhanh chóng trở lại với ma túy. Sự kỳ thị, không tin tưởng, thậm chí quay lưng lại và chối bỏ của người sống xung quanh tác động xấu đến hành trình hoàn lương của họ. Việc người nghiện sau cai trở về thiếu công ăn việc làm, bí bách túng quẫn về kinh tế, nguy hiểm hơn là trong trạng thái “nhàn cư vi bất thiện”, sẽ tiếp tục đẩy họ quay về với ma túy nhanh hơn.

 Hỗ trợ vốn cho người nghiện

Với mong muốn tạo điều kiện cho người nghiện ma túy có cơ hội làm lại cuộc đời, tháng 6/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2018 - 2023”. Đề án được xây dựng với mục tiêu giúp người sau cai nghiện vừa thực hành nghề, vừa tham gia lao động sản xuất nhằm bảo đảm để người nghiện được tiếp tục rèn luyện nhân cách, học nghề, lao động sản xuất trong môi trường thích hợp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng một cách vững chắc. Góp phần lành mạnh hóa môi trường xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.

Khi thực hiện đề án, 100% người đang cai nghiện ma túy tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được tuyên truyền, tư vấn pháp luật, kỹ năng tìm kiếm việc làm. Tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 100% các đối tượng sau cai nghiện đạt trình độ sơ cấp cho các nghề lao động giản đơn. Dạy nghề dài hạn để nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ cho 100% các đối tượng sau cai nghiện có nhu cầu học nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật. Để từ đó tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm từ 70% lên 90%. Theo đó, hằng năm phấn đấu hỗ trợ từ 50 đến 100 người sau cai nghiện có việc làm ổn định.

Đồng thời các địa phương sẽ xây dựng quy chế quản lý, tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại địa phương. Cụ thể như có cơ chế, chính sách quy định cụ thể về dạy nghề, giải quyết việc làm; xây dựng được các mô hình về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; thành lập các tổ quản lý sau cai nghiện, phân công tổ chức, người giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện cách ly môi trường ma túy, phòng, chống tái nghiện…

Với những người nghiện tham gia đề án có nhu cầu vay vốn thì sẽ được giải quyết theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế, người bán dâm hoàn lương. Với mức vay 40 triệu đồng, người sau cai nghiện sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời. 

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một đề án nhân văn