Theo dõi trên

Một thời để nhớ…

24/05/2019, 09:41

BT - Phan Thiết – Bình Thuận dường như có cơ duyên với những người lính Quân đoàn 2, bởi nơi đây là thị xã cuối cùng của khúc ruột miền Trung mà mọi người thường gọi là mảnh đất cực Nam Trung bộ nghe thật cực và xa, còn địa bàn hoạt động của quân đoàn là chiến trường Trị Thiên ác liệt. Vậy mà các chiến sĩ Quân đoàn đã hai lần đến Phan Thiết, mà cả hai lần đều đầy cảm xúc.

Lần đến thứ nhất là trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân đoàn đã trực tiếp chiến đấu đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang - Tháp Chàm, giải phóng tỉnh Ninh Thuận ngày 16, giải phóng tỉnh Bình Thuận ngày 19/4 năm ấy.

Lần đến thứ hai là vào năm 1977, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, 305 cán bộ sĩ quan Quân đoàn 2 được quân đội tăng cường về tỉnh Thuận Hải làm nhiệm vụ củng cố xây dựng chính quyền, xây dựng và phát triển kinh tế. Và lần trở lại này, một số cán bộ chiến sĩ Quân đoàn đã chọn Phan Thiết – Bình Thuận là quê hương thứ hai…

 Quân đoàn 2 trên đường giải phóng…

Đọc lại các dòng hồi ký của Thiếu tướng Phạm Hoài Chương vào tháng 4/1975 lịch sử ghi đậm dấu ấn của Quân đoàn với quê hương Bình Thuận:

Trưa 18 Quân đoàn 2 đã liên lạc được với các anh Ba Mỳ và Đỗ Phú Đáp tại Gộp. Biết địa phương đã áp sát vùng ven, dồn địch vào Phan Thiết, giữ được cầu Phú Long, binh đoàn khỏi mở cửa đánh chiếm đầu cầu rồi mới phát triển như thường lệ, Quân đoàn quyết định tấn công Phan Thiết ngay tối 18/4…

 Các hội viên Hội Cựu quân nhân Quân đoàn 2 Bình Thuận.

20 giờ, không cần pháo hỏa chuẩn bị, một mũi xe tăng của lữ đoàn tăng 203/Quân đoàn có cán bộ 812 và tỉnh ngồi trên xe dẫn đường xuất kích, ầm ầm vượt cầu Phú Long, sang Kim Ngọc, đột phá thẳng xuống cầu Bến Lội, cầu Sở Muối. Một mũi tăng khác đi đường bên trái Phú Long xuống ngã ba Phú Hài đánh diệt địch ở Lầu Ông Hoàng, chặn không cho chúng chạy dồn vào trung tâm thị xã…

22 giờ Lữ 203 chiếm xong Tiểu khu, 23 giờ phát triển lên chiếm luôn Căng Exêpic. Ở Lầu Ông Hoàng cũng đã làm chủ hoàn toàn khu vực. Như vậy, Quân đoàn 2 đã làm chủ thị xã Phan Thiết ngay trong đêm 18/4…

5 giờ 19/4, anh Đáp, đồng chí Trần Thọ và tôi cùng một số cảnh vệ đi xe Jeep vào thị xã, gặp đồng chí Bùi Tùng, Chính ủy lữ 203 tăng ngay tại dinh Tỉnh trưởng…

Trưa ngày 20/4 Quân đoàn chia tay Quân khu và Bình Thuận lên đường tiếp tục nhiệm vụ mới… Các anh rất vui lòng khen ngợi 812 Quân khu 6 và địa phương Bình Thuận đã đánh tốt, mở bàn đạp áp sát Phan Thiết, tạo điều kiện và phối hợp đắc lực với Quân đoàn, nhờ đó Quân đoàn đã vượt chỉ tiêu thời gian giải phóng Bình Thuận, Phan Thiết được 2 ngày so với kế hoạch Bộ giao. Thời gian là lực lượng, thần tốc, táo bạo, 2 ngày trong thời điểm đó thật vô cùng quý giá…

Trở thành hậu phương, Bình Thuận huy động ngay sức người sức của phục vụ tiền tuyến giải phóng miền Nam. Đội ngũ Quân đoàn 2/Cánh quân Duyên Hải tiến về Nam trùng trùng điệp điệp, đồng bào hai bên phố cũng như nông thôn trước nay chưa bao giờ được chiêm ngưỡng cảnh tượng xe pháo quân ta kéo dài nghìn nghịt, vô cùng hân hoan cảm động, vẫy tay hoan hô chào tiễn không mỏi.

Và chỉ 10 ngày sau, lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, sau khi buộc Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh Sài Gòn, Trung tá Bùi Tùng, Chính ủy lữ đoàn tăng 203 là người chỉ huy cao nhất ở đây đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi Bùi Tùng, thay mặt Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Tôi long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”…

Gặp gỡ các cựu quân nhân Quân đoàn 2

Tôi biết anh Vũ Đình Khuê lúc anh từ Quân đội tăng cường về tỉnh Thuận Hải được phân về công tác tại Ủy ban Phan Thiết. Sau ba mươi năm công tác, từng là Thị ủy viên, bây giờ về hưu đã mấy năm anh vẫn nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ khu phố 2, Đảng bộ Đức Thắng, lại dồn sức mình cho việc làng, việc xóm, xây dựng khu phố văn minh, gia đình văn hóa, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự…Năm 2012, thể theo nguyện vọng của những cựu chiến binh Quân đoàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định cho phép thành lập Hội Cựu quân nhân Quân đoàn 2 tỉnh Bình Thuận, anh lại làm Chi hội trưởng Phan Thiết.

Hôm gặp nhau, hỏi cảm xúc của anh cái đêm 18 rạng sáng 19/4/1975 ấy, anh theo đội hình Quân đoàn tiến công giải phóng Phan Thiết, rồi hai năm sau, năm 1977, anh trở lại xây dựng Phan Thiết, để rồi trở thành người dân Phan Thiết. Anh mỉm cười: “Đêm đó sao con người cứ lâng lâng, cái cảm giác có từ khi giải phóng Đà Nẵng, vào Quảng Ngãi, rồi tới Bình Định, Nha Trang, đập tan tuyến phòng thủ Cam Ranh, Ba Ngòi, Thành Sơn, Phan Rang vào Bình Thuận. Xe tăng vào thị xã, trong bóng đêm lờ mờ mọi người nhận ra có một con sông chảy giữa hai bờ nhà phố thâm thấp, hình như phía dưới kia là biển, bầu trời phía trên rất phóng khoáng, ngọn gió hơi mằn mặn. Và đặc biệt, không hiểu sao tôi nhớ rất rõ việc này, xe tăng qua cầu chiếc cầu không rung chuyển, mọi người chợt nhận ra chiếc cầu đúc bê tông”.

Rồi anh nói tiếp: “Chúng tôi sinh ra ở miền Bắc, từ nhỏ đã thấy những chiếc cầu trên quốc lộ, cả cầu đường bộ và cầu đường sắt đều làm bằng sắt từ thời Tây, và đại quân xe pháo từ Đà Nẵng vào đây cũng gặp những chiếc cầu sắt, xe tăng qua là rung chuyển kêu lên ken két, song lại biết thêm có những cây cầu bê tông rải nhựa chứ không lót ván. Sau này nhớ, nhận định lại, tôi chắc là cây cầu Trần Hưng Đạo, chớ lúc đó không biết tên cây cầu là gì, và cũng không ngờ hai năm sau mình lại đi đi lại lại hàng ngày trên cây cầu đó...”.

Từ nói chuyện hết sức thiệt tình của anh Khuê làm tôi nhớ đến câu chuyện tình thiệt của anh Trần Đương. Chuyện rằng, năm đó anh được phân về Bưu điện Thuận Hải làm cung ứng vật tư. Ngày đầu tiên cấm bảng dự toán vật tư phải đi lấy tại kho của ngành có danh mục “tăng đơ”, số lượng 50 cái, anh nghĩ thầm: như vậy trong ngành cũng có tổ hớt tóc ở các đơn vị trong tỉnh để hớt tóc cho công nhân công trình. Đến khi nhận hàng mới té ra là cái này khi quay ở giữa tự rút ngắn khoảng cách hai đầu dây, tác dụng làm cho trụ cột không bị nghiêng ngữa. Hóa ra anh cứ tưởng “tăng đơ” là cái “tong đơ” mà từ nhỏ ông thợ đã dùng nó hớt tóc. Nhiều khi nhớ tới anh lại mỉm cười cho sự  ngớ ngẩn của mình…

Song anh đã hết sức cố gắng học hỏi chuyên môn, chỉ một thời gian ngắn là thuần thục công việc.

Thêm nữa, anh còn phụ trách chi đoàn cơ quan. Hôm đi lao động san lấp mặt bằng cho công trình xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ ở Hồng Sơn, anh đã gặp người yêu. Anh lại hóm hỉnh kể chuyện: “Thật là trời phú cho tôi, cơ quan phân phối được mua chiếc xe đạp. Nhận chiếc xe mà lòng khấp khởi, thế là từ đây mọi việc đều cất cánh, song có điều phải tiết kiệm để trả món nợ xe, lương hàng tháng của tôi là 53 đồng, còn chiếc xe là 195 đồng, mỗi tháng nhịn vài đồng thì sau gần hai năm mới thanh toán xong. Vô tư như không có chuyện gì xảy ra, tôi nghĩ ngay đến việc thăm em, cắm đầu đạp xe lấy được để đến với em”. Đến lao động trên công trường thủy lợi Sông Quao, anh chị như hình với bóng, xây mái ấm gia đình trong hạnh phúc chung của đất nước. Tôi đọc được những dòng tự sự của anh:

“Phan Thiết - Bình Thuận, nơi tôi không sinh ra nhưng đã nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cánh cho những ước mơ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, lai láng nghĩa tình như mặt nước hồ Sông Quao, một công trình xây dựng mà chúng tôi đã đi qua: Hồ Sông Quao trời xanh in đáy nước/Áng mây hồng cuộn chảy những mương sâu/Cho nước tắm bao cánh đồng khô hạn/Mùa gối mùa nối vụ thóc đầy ang/Đời đổi thay hạnh phúc mãi vĩnh hằng”.            

Anh Khuê lại mỉm cười với tôi: “Tôi lúc đó còn trẻ, Trung úy Chính trị viên đại đội, chiến tích chưa có gì, trong Đoàn cán bộ sĩ quan Quân đoàn 2 năm ấy tăng cường về Thuận Hải có nhiều sĩ quan cán bộ có nhiều kinh nghiệm chỉ huy, dạn dày chiến đấu như Thiếu tá Nguyễn Đức Châu, Lữ đoàn 164 pháo binh nổi tiếng ở Trị Thiên, lúc về Thuận Hải anh được Tỉnh ủy phân công làm Bí thư huyện đảo Phú Quý từ 1978 đến 1984”.

Còn nhớ, thời đó kẻ thù ra sức đánh phá ta nhiều mặt, lại chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Những điều hết sức mới mẻ đặt ra cho một vị Thiếu tá từng là cán bộ chỉ huy một Lữ đoàn pháo binh trong chiến tranh, nay là lãnh đạo một huyện đảo. Đồng chí Nguyễn Đức Châu đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ, nhân dân Phú Quý đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió của những năm tháng buổi đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở đảo quê hương. Từ vượt qua buổi đầu khó khăn đó để Phú Quý trở thành “đảo ngọc” hôm nay…

* * *

Bốn chục năm qua các anh đã sinh con đẻ cái, dựng vợ gã chồng, vui buồn với Phan Thiết – Bình Thuận quê hương. Tôi xin mượn những lời thơ của anh Trương Quang Phát “Ôi mến yêu đất nước bốn ngàn năm/Mãi mãi trong anh - rạng ngời chân lý/Những người lính năm xưa nay trở về bình dị/Vẫn hát khúc quân hành vang vọng trời quê”, trong tập sách của Hội “Quân đoàn 2 - Một thời để nhớ” để  kết thúc bài viết này.

Võ Ngọc Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một thời để nhớ…